28/03/2024 08:55 GMT+7 | Văn hoá
Với tiểu thuyết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2023), Đức Anh là cây bút duy nhất được trao giải thưởng Tác giả trẻ năm 2023 của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Sinh năm 1993, anh được đánh giá là một tác giả "có can đảm, có ý thức tìm kiếm cho mình một lối đi cá biệt".
Cảm hứng từ một câu thơ
Trò chuyện với Thể thao và Văn hóa (TTXVN), Đức Anh cho biết:
- Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời dựa trên câu chuyện mà tôi biết về một người cần tiền cho gia đình và lập ra những "kế hoạch đen", cụ thể là sắp đặt cái chết của mình để được nhận tiền bảo hiểm. Nhưng nếu chỉ kể chuyện này một cách đơn thuần, tác phẩm sẽ quá trần trụi, không gây ấn tượng. Nên, tôi quyết định kể câu chuyện bằng cảm hứng từ câu thơ của Trương Đăng Dung - "Con làm kẻ thứ ba/ giữa tâm hồn bất an/ và thể xác bất toàn" (Trên bàn mổ).
Ở đây, cái tôi của con người là thứ đứng ở giữa linh hồn và thể xác chứ không hoàn toàn thuộc về bên nào. Đó thực chất là một quan niệm triết học.
* Cụ thể, câu chuyện được anh triển khai thế nào?
- Chuyện kể về Kiên và Vũ, hai nhân vật chính có hai thân xác độc lập nhưng thực chất là một người vì có chung một linh hồn. Kiên là một thần đồng từ bé, còn Vũ lại học không hề giỏi và là trẻ mồ côi. Linh hồn đã lựa chọn Kiên vì đó là một thân xác hoàn hảo hơn, để Vũ sống hoàn toàn bằng bản năng, bằng linh hồn thứ cấp.
Rồi, khi Vũ qua đời trong một vụ án mạng, Kiên nhận ra bản thể còn lại của mình đã bị sát hại. Khi ấy, Kiên đã vội vàng về dự đám tang chính mình, rồi điều tra về cái chết đó. Và anh phát hiện ra trên thế giới này cũng có những người sống hai cuộc đời như mình. Những tình tiết bất ngờ khác từ đó mở ra…
* Lựa chọn viết một câu chuyện dường như đầy mâu thuẫn và ly kỳ như vậy, anh muốn gửi thông điệp gì?
- Lựa chọn viết của tôi đã là một thông điệp. Tôi muốn nhìn những góc tối của đời sống một cách sinh động và hoạt kê, chứ không phải mãi đắm đuối trong những bi quan.
Xa hơn, chúng ta luôn có hai con người và luôn có ước mơ sống một cuộc đời khác. Có lẽ ai trong đời cũng vậy kể cả những người nhạt nhẽo nhất. Nhưng dù sống bằng hai hay nhiều con người trong một thân thể, chúng ta vẫn cứ phải sống một cách trọn vẹn với đời sống của mình. Đừng lẫn lộn, và cũng đừng lấy con người này biện minh cho con người kia…
Cơ hội từ kỹ thuật viết hoạt kê
* Thông điệp thì giản dị như vậy nhưng đặt ra quan niệm về "nhân sinh kép" chắc hẳn là một bài toán phức tạp. Anh đã giải bài toán này như thế nào?
- Rõ nhất, tôi dùng kiến thức phân tâm học trong tác phẩm này. Trong đó, để giải thích cơ chế sống của một nhân sinh kép rất khó. Một linh hồn, hai thể xác chỉ là một cách nói dễ hiểu.
Trong khi, các lý thuyết về phân tâm có những mô hình khác nhau để giải thích cấu trúc tính cách, nhân cách của con người. Có sự phân biệt giữa các phần siêu ngã với bản ngã, bản năng hay giữa các phạm trù tiềm thức, cái tôi, vô thức với nhau,… Có rất nhiều những phân tầng phức tạp như vậy, để độc giả hiểu tôi đã từng viết chương đầu chỉ để giải thích chúng.
Thế nhưng, về sau tôi phát hiện ra các độc giả rất thông minh, họ sẽ hiểu ngay những kiến thức tưởng như hóc búa này. Sau rồi, tôi quyết định cài cắm những phần giải thích của mình sau từng phần truyện khác nhau, rải rác trong những chi tiết của câu chuyện.
Cũng cần nói thêm, ở những tác phẩm tiểu thuyết nước ngoài được viết bởi những nhà văn có kỹ thuật kể chuyện, họ vẫn thường dùng những đoạn truyện hài hước hay những chi tiết hoạt kê, sinh động để giải thích những lý thuyết, cơ chế làm nên câu chuyện, để khiến độc giả không cảm thấy bị thấy nặng nề khi đọc tác phẩm. Tôi cũng cố gắng học hỏi và vận dụng kỹ thuật kể chuyện này.
* Anh có cho rằng chính kỹ thuật viết như vậy khiến tác phẩm của mình có "một lối đi cá biệt"?
- Tôi không chỉ phát triển câu chuyện từ một nhân vật chính. Thực tế câu chuyện hay nhất trong Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời được nhiều người yêu thích là những câu chuyện của những nhân vật phụ.
Dễ hiểu, khi có hai thể xác trong một nhân vật thì độ phức tạp của câu chuyện cũng nhân lên gấp đôi. Và từ đó có rất nhiều những cơ hội để tạo ra những cú ngoặt bất ngờ, như việc nhân vật này hoàn toàn có thể là nhân vật kia. Nếu như tác giả có chủ định giấu đi phần muốn kể một cách khéo léo thì độc giả hoàn toàn sẽ bị bất ngờ. Đó là những cơ hội mà tôi tìm thấy khi nắm bắt ý tưởng này.
Cho đến nay, tôi vẫn rất vui sướng khi đã tìm được "đầu ra" cho câu chuyện của mình. Trước đó, có một khoảng thời gian khá dài khi viết tác phẩm này tôi bị bí về cách triển khai câu chuyện khi đã viết được một nửa.
"Tác giả phải dám đi, dám tìm, và thậm chí là cầu may để có duyên tìm được những điều xứng đáng viết" - Đức Anh.
Phải dám đi, dám tìm và… cầu may
* Không chỉ với "Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời", anh từng gây được dấu ấn với nhiều tiểu thuyết trinh thám như "Tường lửa" (2019), "Thiên thần mù sương" (2021), "Đảo bạo bệnh" (2021). Theo anh, nhược điểm của các tác giả Việt Nam khi viết truyện trinh thám là gì?
- Trinh thám Việt Nam có những chất liệu rất tốt nhưng màu sắc lại không được nổi bật. Thực tế, chúng ta có các tác giả rất quan tâm đến đề tài trinh thám, nhất là tác giả trẻ. Họ có đầy đủ những năng lượng cần thiết để theo đuổi thể loại này. Tuy nhiên, họ lại thiếu tư liệu, thiếu một thời gian đủ dài để nghiên cứu về pháp lý, pháp luật, quy trình điều tra…
Và nữa, họ cần những kinh nghiệm sống đủ để biết có những điều mình đang viết sai thực tế. Chẳng hạn, tôi từng đọc những tiểu thuyết viết về cách điều tra lẫn cách gây án quá tốn kém, không thể xảy ra trong hiện thực.
Nhưng, tôi tin rằng tới đây, những tiểu thuyết về đề tài này hoàn toàn có thể tốt hơn với những sự đầu tư đủ về mặt thời gian để nghiên cứu tư liệu, cùng một sự im lặng và nhẫn nại đủ lâu để thai nghén tác phẩm.
* Còn ở khía cạnh khai thác đề tài thì sao?
- Đó cũng là một hạn chế lớn của các tác giả Việt Nam khi viết trinh thám. Chúng ta vẫn nghĩ những đề tài buôn bán trẻ em, phòng chống ma túy… là những đề tài của báo chí, không phải đề tài của văn chương. Nhưng sự thực thì không phải vậy.
Như tôi thấy, cuộc sống ngoài kia đang có rất nhiều đề tài hay để có thể viết truyện trinh thám. Đó là những đề tài hàm chứa các mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn giữa lý và tình, giữa lý tưởng sống với đời sống thực tế vừa buồn cười, vừa oái oăm...
Những nền văn học lớn về truyện trinh thám đều quan tâm tới những đề tài này, tới thân phận con người. Còn trinh thám Việt Nam vẫn tập trung vào những đề tài giật gân để thu hút, trong khi tính nhân văn lại ít được khai thác. Đó là một trong những lý do khiến nhiều tác phẩm trinh thám của chúng ta khó sống được quá lâu.
* Có nghĩa, để định vị rõ hơn và có chất lượng hơn, trinh thám Việt Nam cần đi vào những vấn đề xã hội có chiều sâu?
- Đúng thế! Một tác giả trinh thám hay một nhà văn bình thường, đầu tiên phải nhìn cuộc đời một cách "kẻ cả", như một con mèo đứng cô đơn ở trên một mái nhà để quan sát toàn bộ xã hội (cười). Có vậy, người viết mới thấy cuộc sống luôn luôn có những giằng xé, mâu thuẫn, và có cả những nghịch lý hiện hữu thường trực.
* Trở lại với cá nhân anh, thời gian tới liệu anh vẫn theo đuổi đề tài trinh thám?
- Sau khi viết Nhân sinh kép: Sống hai cuộc đời và đoạt giải thưởng, tôi có thêm những lớp độc giả khác. Điều này đòi hỏi sự viết của tôi về đề tài, về kỹ thuật viết phải được nâng cao.
Tôi vẫn sẽ viết trinh thám và cố gắng viết một tác phẩm có đầu tư hơn ở cả khía cạnh giải trí lẫn sự nhân văn, phải đi đến tận cùng. Đồng thời, những tác phẩm dự định viết phải có tính thể nghiệm về kỹ thuật kể chuyện mới, những kiểu đề tài mới.
* Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất