11/05/2014 02:21 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Nhà báo vừa qua đời Trần Đình Chính (bút danh Trần Hoài Thu) làm thơ không nhiều, nhưng đủ đáng nhớ chỉ với Ở hai đầu nỗi nhớ được phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng, cùng câu chuyện hi hữu về bài thơ “300 triệu đồng”.
Nhà thơ, nhà báo Trần Đình Chính (báo Nhân dân) qua đời sáng 9/5 tại bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô, Hà Nội sau một thời gian dài lâm bệnh nặng. Ông mới 60 tuổi.
Thơ không cứu được người…
Tháng 1 năm ngoái, nhà thơ gây dư luận khi nhờ người vợ (là nhà báo công tác tại Thông tấn xã Việt Nam) "rao" bán bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ nổi tiếng nhất sự nghiệp của ông để lấy tiền chạy chữa các bệnh hiểm nghèo. Một doanh nghiệp ở TP.HCM gọi điện đề nghị mua với giá 300 triệu đồng.
Sau gần 2 năm, những ồn ào xung quanh chuyện bản quyền thơ rồi cũng qua, khi rút cuộc một trường hợp đơn lẻ cũng không tạo thành xu hướng chung, không khiến thơ có giá trị thương mại hơn.
Và, dù tin “300 triệu đồng” được báo chí đưa rầm rộ là thế, nhưng thực ra số tiền (và đóng góp của vài cá nhân khác) không đủ cứu được nhà thơ. Riêng việc ghép thận cần đến 1,2 tỷ đồng, ghép giác mạc (vì thị lực suy yếu do bệnh tật) cần 500 triệu đồng, ngoài ra, ông còn bị tiểu đường, suy tim…
Sau khi bán bài thơ, Trần Đình Chính từng tâm sự ông “ao ước được sống tiếp” bởi cuộc đời vẫn còn quá ngắn ngủi, nhưng rồi vẫn dừng lại ở tuổi 60.
Nhiều người nghĩ thơ bán được là chuyện hoang đường. Khi rao bán bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ, nhà thơ Trần Đình Chính cũng nghĩ đây là việc làm chẳng giống ai. Bán bản quyền coi như “bán đứt” bài thơ, từ bỏ quyền tác giả. Nhưng đó chỉ là lý thuyết kinh doanh, còn thực tế thi ca thì khác. Đã nổi tiếng gắn với tác giả đó thì mãi là của tác giả đó.
Khi Trần Đình Chính qua đời, tất cả các tờ báo đều ghi nhận ông là tác giả Ở hai đầu nỗi nhớ, không quan trọng việc ông có còn quyền sở hữu không. Thơ kỳ lạ mà cũng rất công bằng.
Bởi giá trị của thơ phần nhiều nằm ở tinh thần, mà với bài thơ đó, tinh thần đó đã lan đi rất rộng. Ở hai đầu nỗi nhớ nói về mối tình đầu dang dở của tác giả, sáng tác năm 1980 sau chuyến đi Campuchia của ông với vai trò nhà báo của báo Nhân dân. Khi đó, tác giả mới ngoài 20 tuổi. Ông gặp và yêu một nữ sinh viên Sài Gòn theo đoàn Việt Nam sang Campuchia làm về thương nghiệp. Ở một xứ sở đổ nát đang nảy mầm lại những sự sống, tình yêu của họ cũng được nuôi dưỡng.
Sau này, cả hai không đến được với nhau. Tác giả đã bộc lộ tình yêu, niềm thương nhớ qua bài thơ Ở hai đầu nỗi nhớ. “Ở đầu này nỗi nhớ/ Anh mơ về bên em/ Ngôi sao như xuống thấp/ Cho ta gần nhau hơn/ Ở đầu kia nỗi nhớ/ Nằm đếm tiếng mưa rơi/ Được mấy triệu hạt rồi” là những lời đầy cảm động.
Ở hai đầu nỗi nhớ là một trong rất nhiều trường hợp thơ ca đi vào lòng công chúng nhờ cộng hưởng với âm nhạc, nhờ bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất