Dịch giả và tác giả "Nỗi buồn chiến tranh": Còn nhiều điều để nói với nhau

06/03/2012 10:28 GMT+7 | Đọc - Xem



(TT&VH) - Sau nhiều nỗ lực của nhà xuất bản Ofoq, cuối cùng bản dịch tiếng Farsi tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh (tác giả Bảo Ninh) đã ra mắt tại Iran vào tháng 2/2012. Tất cả là hơn hai năm trời, từ cố gắng của dịch giả Masoud Amirkhani đến những tính toán của Ofoq để thăm dò thị trường, để xin giấy phép và chấp nhận những lược bỏ cho phù hợp với yêu cầu tôn giáo và xã hội. Có lẽ là hơn ai hết, Masoud Amirkhani mong chờ ngày sách ra mắt với biết bao nhiêu phấp phỏng, hồi hộp.

Trùng hợp, khi cuốn sách dịch đầu tiên của anh ra đời cũng là lúc anh… lấy vợ. Niềm vui nhân đôi. Vợ anh cũng là một biên tập viên xuất bản, nhưng là nhà biên tập tự do (freelance editor). Chị vừa ở nhà làm nội trợ, vừa làm biên tập sách cho các nhà xuất bản theo hợp đồng.


Dịch giả Masoud Amirkhani

1. Masoud Amirkhani sinh năm 1978. Thời tuổi thơ, anh cũng phải cùng cha mẹ và anh chị em trải qua nỗi kinh hoàng của cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980-1988). Có lẽ vì vậy mà từ thiếu niên cho đến tuổi trưởng thành, anh đặc biệt quan tâm đến văn học chiến tranh. Anh mê mải đọc những tác giả nổi tiếng viết về chiến tranh như Eric Maria Remarque (Đức), Stephen Crane (viết về nội chiến Mỹ)… Anh cũng thích đọc văn học Iran về cuộc chiến tranh tám năm giữa hai nước láng giềng. Văn chương gợi lại ký ức về những trận thành phố bị máy bay oanh tạc, phố phường đổ nát, nhà cháy, người chết… Gợi lại hình ảnh mọi người phải đào hầm trú ẩn và sống dưới những cơn mưa bom đạn. Thích đọc chuyển sang thích viết. Anh đã thử sức với những truyện ngắn nước ngoài, chuyển dịch sang tiếng Ba Tư và gửi in trên các tạp chí.

Những bài dịch đầu tiên được in là nguồn khích lệ lớn. Từ một sinh viên chuyên khoa Toán, Masoud Amirkhani chuyển sang khoa phiên dịch tiếng Anh của Đại học Hồi giáo Azad, hướng dần đến việc dịch văn học. Rồi anh đi nghĩa vụ quân sự, được phân về một đơn vị văn hóa của quân đội. Anh nhận thấy văn học về chiến tranh được nhiều người thế hệ mình tìm đọc. Chiến tranh đã tạo ra những biến đổi đáng kể trong xã hội Iran và tạo ra sự quan tâm đặc biệt trong tâm lý của cả mọi người, già lẫn trẻ.

Anh ghi tên vào lớp bồi dưỡng dịch văn học của dịch giả nổi tiếng Abddlah Kowsari. Rồi như một cơ may, anh tình cờ có được bản tiếng Anh The Sorrow Of War. Anh đọc và gần như reo lên, đây là góc nhìn của một người Việt về cuộc chiến tranh Việt Nam. Lâu nay người ta chìm ngập giữa một núi sách của phương Tây và Mỹ. Những bộ phim về chiến tranh Việt Nam cũng là của Mỹ, theo quan điểm của người Mỹ. Nỗi buồn chiến tranh quả là cần thiết cho anh và cho người đọc Iran lúc này.

Masoud Amirkhani phải tìm những cuốn hồi ký, bút ký ít ỏi của người Việt Nam để đọc, tìm thêm những VCD, lại càng ít ỏi, về phong tục tập quán, về đất nước con người Việt Nam, để xem. Đọc và xem để giúp hình dung rõ ràng hơn về một đất nước mà anh chưa từng đến. Từ đó, những trang sách dịch của anh mới ngày một dày thêm.


Nỗi buồn chiến tranh tiếng Ba Tư trên giá sách

2. Bản dịch hoàn tất, anh nhờ ông thầy dạy dịch văn học và ba dịch giả có uy tín khác đọc giúp. Tất cả đều sững sờ. Có hai điều quan trọng đối với một người dịch thì anh đã làm được. Đầu tiên là chọn được một cuốn sách xứng đáng để dịch. Sau đó là bản dịch phải đạt tiêu chuẩn chất lượng. Các dịch giả kỳ cựu giới thiệu anh với nhà xuất bản Ofoq và động viên anh mang bản thảo đến. Ofoq là một trong những nhà xuất bản có uy tín nhất ở Iran trong việc giới thiệu sách văn học.

Bây giờ thì sách đã ra. Một cái bìa màu đỏ với ngôi sao vàng, cách điệu từ lá quốc kỳ Việt Nam. Trong lễ ra mắt sách 26/2/2012, nữ văn sĩ Belgheys Soleimani nói rằng đọc Nỗi buồn chiến tranh, chị được biết về chiến tranh thông qua cái nhìn của một người trong cuộc và chị thấy nhiều điểm tương đồng giữa Việt Nam và Iran trong những cuộc chiến mà cả hai đất nước phải gánh chịu. Còn nhà văn, nhà phê bình Shahryar Vaghfipour thì nói đây là cuốn sách về sự hủy diệt và tình yêu trong chiến tranh, về một quá khứ mất mát và một hiện tại ám ảnh. Đó là lý do tại sao những hồn ma lại là yếu tố quan trọng đến thế trong cuốn tiểu thuyết.


Một góc lễ ra mắt sách của NXB Ofoq (ảnh của Trịnh Đức Anh)

Masoud Amirkhani bảo rằng ở vị trí một người đọc, anh biết mình không thể áp đặt những đòi hỏi cá nhân cho tác giả, nhưng nếu được nói lên tiếc nuối của mình, anh tiếc cho tình yêu tan vỡ của hai nhân vật chính. Họ xứng đáng được hưởng một kết cục có hậu. Cũng như đất nước Việt Nam xứng đáng với một kết cục có hậu khi đã ra khỏi cuộc chiến.

Nếu có dịp đến Việt Nam, sau khi đã nhập thân hết mình để dịch cuốn tiểu thuyết, Masoud Amirkhani có mong muốn gì đặc biệt? Anh bảo có. Điều anh quan tâm là ở những nơi chiến trường xưa như trong cuốn sách có còn dấu tích lưu giữ hay không? Có đài tưởng niệm hay không? Ví dụ sân bay Tân Sơn Nhất có lưu giữ phần nào khung cảnh chiến tranh như đã được miêu tả? Là người thuộc thế hệ sau, anh cần được thấy lại những hình ảnh ấy.

Tất nhiên việc đầu tiên đến Việt Nam là dịch giả muốn gặp tác giả. Lâu nay họ chỉ liên lạc với nhau qua vài thư điện tử xin phép dịch và hỏi một số điều cho rõ thêm về tác phẩm. Lúc dịch, Masoud Amirkhani hầu như đã nhập đồng vào tác phẩm, dịch như là chính mình viết ra, như chính mình là tác giả. Còn bây giờ, nếu hai người ngồi đối diện nhau, họ sẽ có nhiều chuyện khác để nói. Tập tục Hồi giáo khiến anh không bao giờ uống rượu và các đồ uống có cồn. Nhưng mà ngồi nói chuyện với Bảo Ninh thì phải uống rượu, không thì ông ấy chẳng nói chuyện đâu - Tôi đùa. Masoud Amirkhani cười rất hiền lành: “Chắc là vẫn có chứ. Tôi tin là chúng tôi có nhiều điều để nói với nhau”.

Hồ Anh Thái

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm