14/08/2014 07:41 GMT+7 | Danh sách đề cử
1. Ngọc hỏi mà như trả lời. Nhiều người đã cảm kích trước hành động nhặt rác quanh Hồ Gươm của doanh nhân Nhật Ninomiya cách đây hơn 2 năm. Nhiều người khác cảm thấy… nhục. Tệ hơn, có những người thấy tự ti dân tộc. Họ buồn. Họ đau. Song nỗi đau buồn ấy cũng chỉ để lại trên bàn phím hoặc cất đâu đó trong cửa sổ Facebook.
Nhóm Nhặt rác Hồ Gươm thuộc CLB Tình nguyện Trẻ thì khác. Họ là một nhóm có tổ chức, được thành lập cách đây 4 năm. Suốt 4 năm ròng, lúc 15 giờ, mỗi chiều Chủ nhật, bất kể mưa nắng, những người trẻ cùng nhau nhặt rác thải quanh hồ.
Túi ni- lông, chai lọ, que kem hay cả những cành hồng dập nát... đều được các bạn thu gom và phân loại cẩn thận. Chai lọ, vỏ lon cho người bán đồng nát, những vật liệu tiêu hủy được vứt thùng rác, còn những que kem được nhóm mang về rửa sạch. Sau đó dùng kéo, hồ, cắt và xếp thành mô hình Khuê Văn Các, cầu Long Biên... những biểu tượng Hà Nội. Tất cả các hiện vật ý nghĩa này đều được bán lấy tiền làm từ thiện.
"Lúc đầu, rác ở Bờ Hồ nhiều lắm. Bọn em nhặt hết một vòng, quay lại điểm xuất phát, rác lại ngợp đường. Bọn em lại nhặt. Nhặt như chưa bắt đầu... Cứ thế, bọn em làm suốt những chiều Chủ nhật cho tới lúc chập choạng tối, rác quanh hồ cũng vãn" - Ngọc nói.
Cũng theo chia sẻ của Ngọc, mỗi buổi nhặt rác, số lượng người dao động trong khoảng từ 10-20 người. Lúc cao điểm lên đến gần 50 người. Đó là lúc rùa Hồ Gươm bị bệnh, cả thành phố “sốt xình xịch”. Song chữa cho rùa xong, mọi người dần rã đám....
Dẫu vậy, những thành viên còn lại của nhóm (đa phần là sinh viên) vẫn đều đặn đi quanh hồ dọn vệ sinh mỗi chiều Chủ nhật. Do các thành viên đa phần ở trọ, chật chội nên người thường xuyên "tha rác" về nhà phân loại là Ngọc.
2. "Bố mẹ em không phàn nàn chứ?"- Tôi hỏi. "Em rất vui vì bố mẹ luôn ủng hộ. Duy có một khoảng thời gian cách đây ít lâu, em ra trường, thất nghiệp. Cảm giác sống ăn bám trong khi lại cứ lẽo đẽo làm việc thiên hạ khiến em rơi vào khủng hoảng. Thú thực là lúc đó em định bỏ dở việc nhặt rác Bờ Hồ. Nhưng ở nhà 2 tuần, em không chịu được và lại ra nhặt rác cùng các bạn. Cũng may là không lâu sau em có việc"- Ngọc cười.
Tuy được sự ủng hộ của gia đình, song những người trẻ nhặt rác phải nhận không ít những lời không hay của những người sinh hoạt quanh Hồ Gươm. Người thì bảo trẻ trung sao không kiếm việc gì có chất xám một chút lại nhặt ve chai lấy tiền (?!). Người ác mồm thì bảo rỗi hơi. Kẻ ác ý thì miệt thị là hâm, thích thể hiện. "Nhưng buồn nhất là có người thấy mình vừa nhặt vỏ que kem bằng túi ni- lông mà họ vứt ra đường, họ liền ăn nhanh hết que kem rồi vứt tiếp chiếc que không trước mặt như thách thức"- Nguyễn Tiến Hùng, thành viên nhóm kể.
Nhưng không vì thế mà những người trẻ chùn bước. Họ âm thầm, bền bỉ thực hiện công việc tưởng chừng "rỗi hơi" của mình để thay đổi cộng đồng. 4 năm, gần 200 buổi nhặt rác, những người tập thể dục Bờ Hồ dần quen thân với họ. Từ ánh nhìn lạ lẫm, hồ nghi tới sự thiện cảm và cả những hoạt động chung tay bắt đầu nhen nhóm.
Hiệu kem cạnh Bờ Hồ trước để rác la liệt nay cắt hẳn một nhân viên bảo vệ chuyên dọn vỏ và que kem ở khu vực xung quanh quán. Những người quanh hồ trước vô tâm, nay trong những ngày không có "lũ trẻ" cũng tự nguyện nhặt những cọng rác "chướng mắt". Vài anh "Tây ba lô" hay ngồi Bờ Hồ đàn ca thấy những người trẻ nhặt rác ngay dưới chân nay cũng có thói quen dọn sạch sẽ quanh "sân khấu" vỉa hè trước khi hát.
Có một điều đặc biệt khác, từ 4 năm nay, nhóm Nhặt rác Hồ Gươm đều tập hợp ở tháp Hòa Phong để đi trọn vòng hồ. Cũng từ lâu, tòa tháp cổ (phần còn lại duy nhất của chùa Báo Ân nức tiếng Hà Thành xưa) mang trên mình chằng chịt những hình vẽ bằng bút xóa. Nhưng hơn thế, chẳng hiểu từ bao giờ, phần trên cửa tòa tháp, mặt hướng ra phía Hồ, người Hà Nội đã chôn sâu vào đó một quân Sĩ của bàn cờ tướng.
Những ai đã xem bộ phim đậm phong vị Hà Nội mang tên "Của rơi" của đạo diễn Vương Đức chắc đều không quên quân cờ ám ảnh này. Trong cảnh cuối cùng của bộ phim lên án thói giả tạo, vô cảm, nhân vật Huyền (Huệ Minh đóng) đã đưa cho người tử tế lạc lõng trong phim, thầy giáo Thắng (do Đức Khuê đóng) thứ mà cả một thành phố, một xã hội lúc ấy đang "đánh rơi". Đó là một quân Sĩ trên bàn cờ vô số toan tính.
Nhóm Nhặt rác Hồ Gươm hồ như đang giữ gìn "của rơi" đáng quý ấy, bên tháp Hòa Phong.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội ra đời từ năm 2008 do báo Thể thao & Văn hoá (TTXVN) và Quỹ Bùi Xuân Phái tổ chức. Đây là giải thưởng thường niên, được trao vào dịp kỷ niệm ngày sinh của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, cho những tác giả, tác phẩm, công trình, hoạt động, ý tưởng có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội, thấm đượm một tình yêu Hà Nội, có tác động xã hội rộng rãi, được công chúng công nhận, ủng hộ. Ở hạng mục giải Việc làm năm nay có các đề cử khác: Triển lãm và sách ảnh màu Hà Nội; Tình nguyện hướng dẫn du lịch Hà Nội miễn phí cho khách nước ngoài của nhóm Hanoikids. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 9h30 ngày 28/8/2014 tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia - Số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội. |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất