Jacob Reymond: Tình nguyện vẽ cho Con đường gốm sứ!

05/08/2008 11:00 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Dự án Con đường gốm sứ do nhà báo - họa sĩ Nguyễn Thu Thuỷ đề xuất nay đã được UBND TP Hà Nội cho phép triển khai thực hiện tại đê An Dương – Yên Phụ bao gồm 4 phần: di sản văn hóa, nghệ thuật đương đại, nghệ thuật gốm đương đại và Hà Nội thành phố vì hòa bình.

Trong phần nghệ thuật đương đại mang tên Hà Nội trong trái tim thế giới (do các nghệ sĩ quốc tế thể hiện), cùng với các nghệ sĩ Mỹ, nhóm nghệ thuật Chicago, nhóm nghệ sĩ Philadelphia, họa sĩ người Pháp Jacob Reymond đã đến VN cách đây 1 tháng và tình nguyện làm việc cho dự án này. Anh đang thực hiện một đoạn tranh gốm với chủ đề Thuyền và mắt trên chất liệu gốm. Anh trò chuyện cùng TT&VH.
 
Jacob Reymond bên cạnh bức tranh gốm sứ đã được thực hiện
 
* Anh nhận lời tham gia vào dự án Con đường gốm sứ từ bao giờ?

- Tôi sống tại thành phố Aixen Provence, là Chủ tịch Hội hình ảnh của thành phố này. Với tư cách là họa sĩ, đồng thời là đạo diễn, tôi đã tổ chức nhiều lớp học cho Hội Điện ảnh VN. Tôi có gia đình ở VN (vợ tôi là người Hà Nội) và năm nào cũng vậy, cứ đến mùa hè là chúng tôi lại về VN thăm gia đình. Ngay từ đầu hè năm ngoái, tôi đã gặp Thủy - tác giả dự án này và khi nghe cô ấy giới thiệu về dự án tôi rất thích thú. Phải nói rằng, đây là dự án rất hay và hiếm trên thế giới vì khi hoàn thành, rất nhiều người Hà Nội và công chúng sẽ được tiếp xúc, chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật độc đáo mà không phải đến bảo tàng. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời đề các nghệ sĩ được tự do sáng tác và được trưng bày tác phẩm ở nơi công cộng - qua đó làm cho Hà Nội đẹp hơn.

Ngay sau khi về Pháp, tôi đã làm việc ở xưởng vẽ của mình và vẽ những phác thảo đầu tiên. Tôi cũng thường xuyên trao đổi với Thủy qua email và gửi những phác thảo tác phẩm của mình cho Thủy và cô ấy rất thích các tác phẩm của tôi.

* Được biết, ý tưởng phác thảo cho đoạn tranh gốm đương đại trên Con đường gốm sứ của anh là Thuyền và mắt. Vì lý do gì anh lại chọn đề tài này?

- Tôi chọn đề tài Thuyền và mắt vì Con đường gốm sứ có yếu tố nước, có cảnh trên bên dưới thuyền. Đến VN có cái hay là có thể vẽ trên những khổ giấy to và mang ra ngoài bức tường để bức phác thảo của mình lên đó và tưởng tượng, còn vẽ trên khổ giấy bé tại xưởng của tôi thì không thực tế bằng.

* Đến nay, anh đã phác thảo được bao nhiêu tác phẩm?

- Nhiều lắm (cười). Bên cạnh Thuyền và mắt, tôi còn vẽ Thuyền và môi, và những chân dung cách điệu. Các ý tưởng của tôi thường liên quan đến con người, đặc biệt là những hình mặt nạ, bày bán tại các cửa hàng lưu niệm cho khách du lịch trên phố cổ Hà Nội – cũng là nguồn cảm hứng cho những bức phác thảo của tôi. Tham gia vào dự án này còn là cơ hội để tôi hiểu hơn về văn hóa VN.
 
Jacob Reymond đang chuẩn bị phác thảo cho phần nghệ thuật đương đại

* Vậy trong dự án này, anh sẽ làm bao nhiêu mét tranh gốm?

- Ở đây, nghệ thuật cũng là kinh tế, nhất là với dự án tốn kém này, để làm được phải có tài trợ dù cácc nghệ sĩ làm việc ở đây là tình nguyện. Tôi đang làm thử nghiệm khoảng 10m gốm, dự kiến phần việc tôi làm sẽ khoảng 100m. Hiện nay, các tác phẩm của tôi đang được nung thử nghiệm.

* Là nghệ sĩ đương đại, cho nên những chất liệu anh thể hiện là trên giấy, còn khi vẽ trên đất để nung gốm, anh có thể hiện hết như mong muốn?

- Đây là câu hỏi lớn và tôi cũng đang hồi hộp chờ đợi. Mọi người mang ra những miếng đất theo kích cỡ nhất định, tôi vẽ luôn vào đó. Tôi chưa làm gốm sứ bao giờ cả, cho nên đây là chất liệu rất xa lạ với tôi. Nhưng khi bắt đầu vẽ, tôi rất thích vì được tiếp xúc trực tiếp bằng tay với chất liệu này. Còn chất lượng thế nào, thì phải chờ tác phẩm ra lò... Vừa làm vừa học và vừa phát hiện ra những điều mới - đó là là niềm vui lớn của tôi khi tham gia vào dự án này.
 
* Họa sĩ và đạo diễn là nghề chính của anh, những lần trở lại VN cho anh những cảm hứng như thế nào trong sáng tác?

- Khi đến VN bao giờ cũng mang theo quyển sổ vẽ, và tôi vẽ mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi đi trên xe bus. Khi về Pháp, nhiều người cũng hỏi tôi: Cảm hứng về VN như thế nào? Thực ra, nếu chỉ nhìn vào những bức tranh của tôi không thôi, thì ảnh hưởng của VN sẽ không rõ ràng. Nhưng với tôi, VN đã mang cho tôi một cách sống khác, cách làm việc khác. Tôi có cảm giác là ở VN tôi là người tự do nhiều hơn ở Pháp. Khi ở đây, tôi là người Hà Nội và tôi như ở nhà mình...

* Xin cảm ơn ảnh!
Lê Duy (thực hiện)

 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm