Xuất nhập khẩu nhạc rock?

07/03/2014 12:57 GMT+7 | Âm nhạc


(Thethaovanhoa.vn) - Trong toàn cầu hóa, không một cỗ máy marketing âm nhạc nào gặp nhiều khó khăn bằng việc quảng bá nhạc “nội” cho khán giả trẻ. Sính “ngoại” không còn là một thói xấu, mà là một thuộc tính của những bạn trẻ lớn lên trong Internet, trong thế giới phẳng nhưng mọc đầy các thương hiệu đa quốc gia. Tiêu thụ các loại hình văn hóa bất kỳ, do đó, là một quyền sống cơ bản, có hẳn hòi thị trường và… những nhà nhập khẩu. Nhưng ở Việt Nam, phải chăng những nhà nhập khẩu lại kiêm nhiệm thêm chức phận quá khác, quá rộng cho tầm vóc của mình?

Thần tượng ở tầng thượng

Con số gần 15.000 người tham gia một chương trình RockStorm cũng gần với con số khán giả đặt chân đến xem Metallica huyền thoại biểu diễn tại Singapore, thị trường giải trí bậc nhất Đông Nam Á. Với giá vé rẻ nhất 148 dollar Singapore, buổi diễn bán vé này khác hoàn toàn với những sự kiện quảng bá, có vé miễn phí hoặc giá vé như cho không phổ biến hiện nay, dù có hay không có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế tên tuổi.

Mặt khác, không có đối trọng ngang bằng (mà chỉ có thần tượng) để cọ xát và bật lại, cộng đồng rock tiến xa về 2 thái cực rõ rệt: ngoan ngoãn thỏa hiệp nương theo sự sắp xếp, thậm chí thao túng của thương hiệu, hoặc phi thương nhưng đồng thời èo uột. Điều này không mới, bởi nó đã xảy ra từ những nhà tài trợ đầu tiên như Foster Beer, Tiger Beer, Kotex, bất chấp vấp phải các phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng, những người theo chủ trương underground, chính thống, phi thương mại học được từ... Internet. Trong khi thần tượng của họ ở tầng thượng, cái mặt bằng chung nghèo nàn sự đa dạng tiếp tục bảo toàn sự lập lờ giữa một rock fan nhạc thị trường và tất cả những gì bóng bẩy mà sự underground mang lại trong không ít người nghe.

Khán giả đa quốc tịch có mặt tại show diễn của Metallica tại Singapore ngày 24/8/2013, sau 20 năm vắng bóng

Người thưởng thức, ngạc nhiên hơn, chọn cho mình hoặc trút hầu bao cho những tác phẩm quen thuộc ở các bar nhạc sống đầy ắp các bản nhạc cover quen đến nhàm tai, hoặc gần như không tiêu tốn một chi phí nào cả cho nghệ sĩ mà họ yêu thích vì không có nguồn cung, hoặc đơn giản hơn, viện lý do thiếu tiền. Mãi đến vài ba năm trở lại đây, phong trào sưu tập CD, điểm nhấn quan trọng trong “sự nghiệp” nghe nhạc, mới thật sự manh nha, dù vẫn vô cùng rời rạc. Sau một thời gian rất dài, người trưởng thành có khả năng dốc hầu bao không còn bắt kịp với diễn biến của rock, cũng không thể tìm thấy ở các kênh truyền thông cộng đồng. Người trẻ, những bạn sinh viên với sự cởi mở mới và bài ca thiếu tiền không mới vẫn loay hoay, hoặc chờ mòn đến các dịp chương trình miễn phí rồi vụt tắt.

Đến giữa cơn khủng hoảng kinh tế dai dẳng, sự vênh lệch mới rõ nét hơn cả. Những thị trường còn tăng trưởng đều đặn tương đối cận bão hòa trở thành phao cứu sinh của nền công nghiệp và những nghệ sĩ quốc tế tiến dần xa khỏi thị trường truyền thống bão hòa, kiệt quệ. Màng lọc thị hiếu của các nhà tổ chức âm nhạc vừa giãn ra vừa hẹp lại, và khi vẫn chảy đều đặn vào các quốc gia láng giềng yêu nhạc, không bao giờ chảy đến Việt Nam. Ngoại lệ đi ngược lại với thực tế đáng buồn này có lẽ là những nhà giám tuyển văn hóa nghiệp dư, không ai khác chính là những người bản xứ từ Âu - Mỹ muốn khơi lại sự sống động âm nhạc chỉ thấy được ở quê nhà hay đâu khác. Mang theo mình chính là những sở thích đậm đặc phương Tây, thậm chí lỗi thời, và khỏi phải nói, rất lạ khẩu vị với người Việt, mặc kệ sự sẵn có của Internet. Những nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, lên sân khấu và rời đi mà không có hai tiếng “cảm ơn” bằng thứ tiếng Việt thân thương.

Nhà tài trợ kiêm nhà xuất bản

MTV châu Á thành lập năm 1992 và trở lại vào 1995, và như với các thị trường khác, đã tiến hành nghiên cứu hẳn hòi thị hiếu nhạc trẻ chung tại các quốc gia châu Á để đáp ứng đúng chỗ ngứa, theo đặt hàng của các hãng đĩa khổng lồ. Đến nay điều đó vẫn được duy trì (dù khó khăn hơn bao giờ hết).
Từ Singapore và láng giềng Malaysia đến Philippines, Thái Lan, hay chếch về Đông Bắc như Đài Loan, Hong Kong là những thị trường có bề dày ít nhất từ 10 đến 20 năm, cũng chính là quãng thời gian vừa vặn làm nên thị hiếu nghe nhạc của cá nhân. Sau quãng thời gian này, một lứa khán giả mới ra đời, chen chúc cùng những lứa khán giả cũ, lớn tuổi hơn để khẳng định và bày tỏ khát vọng của bản thân và tiêu dùng cho sản phẩm âm nhạc, như CD, LP, thời trang, vé xem show diễn, tạp chí và mối giao du với fan cùng sở thích khắp nơi trên thế giới.

Thế nhưng, tại Việt Nam, những xa xỉ đó không hề tồn tại, hay được “hướng dẫn” phải bắt đầu như thế nào bởi bất cứ ai. Mải mê phân biệt thế nào là chính thống và underground, người nghe và chơi rock như bỏ qua thực tế rằng tại Việt Nam số nghệ sĩ thật sự chính thống, được đào tạo và duy trì hoạt động chính quy, chuyên nghiệp là gần bằng 0, dù là rock hay pop, rap. Họ thừa biết hoặc tự dỗ dành mình rằng những đại thụ âm nhạc, những thần tượng họ hằng yêu thích mãi không bao giờ đặt chân đến Việt Nam, và nếu có càng không phải do một người Việt làm nên.

Ngoài ra, viễn cảnh thu âm và xuất bản tác phẩm thông qua một hãng đĩa chuyên nghiệp ở một nền nhạc tự sinh nhưng không thể tự cấp như Việt Nam là hoang đường. Sự sẵn có của công nghệ và kênh phát hành mang tên Internet gieo vào ảo tưởng chơi nhạc cho các bạn trẻ khắp mọi nơi trên thế giới, kể cả các ban nhạc rock trong nước, nhưng thực tế và câu trả lời thường nằm ở doanh thu từ cộng đồng quanh họ vốn chưa từng khả quan, thậm chí còn vô vọng.

Vậy tôn sùng rock Việt phải chăng là một ngoại lệ? Ở một cộng đồng nghe và thưởng thức lành mạnh, và không phải tại Âu-Mỹ, việc ưa chuộng nhạc ngoại so với nhạc nội địa là một thực tế không gì bàn cãi. Trên thế giới có thừa những trường hợp một nghệ sĩ hay ban nhạc chỉ được khán giả nội địa quan tâm đến sau một chuyến xuất ngoại, kể cả Beatles huyền thoại. Một ví dụ dễ thấy là niềm tự hào của nhóm nhạc Black Infinity chỉ vì xuất hiện trong một hợp tuyển âm nhạc đề cao tính “hương xa” (exotic) hơn “chất” (substance). Các sản phẩm xuất khẩu ít ỏi, nghèo nàn không thể chinh phục người nghe tại các thị trường khó tính, nhiều lựa chọn, và vẫn còn bỏ tiền cho sản phẩm họ thực lòng yêu thích.

Do vậy, mọi lập luận ủng hộ nhạc Việt, hay nhạc nội nói chung, đều là một kêu gọi đánh vào tâm lý thương hại hơn thưởng thức, và các ngoại lệ thành công đột biến chỉ củng cố thêm tính quy luật của thói vọng ngoại của khán giả, chuộng thích các sản phẩm văn hóa nhập nội luôn tỏ ra thu hút hơn về chất lẫn số lượng. Khác hẳn với mạng lưới phát hành chuyên nghiệp hẳn hòi của điện ảnh, sự thiếu vắng thị trường, nhập khẩu âm nhạc trở thành một quá trình chọn lựa đậm màu sắc cá nhân, chủ quan cảm tính, nặng sự cắt đặt, cho gì nhận nấy. Ngoài ra, có lẽ rất ít nơi trên thế giới, ý thức về dân tộc và bản sắc lại mạnh mẽ quá mức cần thiết và giàu tính hình thức hơn tại Việt Nam, như một nhận thức sơ khai giữa kỷ nguyên hiện đại. Sự ra đời và bão hòa của các câu lạc bộ theo tỉnh, thành phố nhỏ thay vì các dòng nhạc mới, nghệ sĩ mới như muốn phủ nhận thuộc tính thành thị, để tự khẳng định đầy tham vọng nhưng thiếu hoàn toàn thực lực.

Cuối cùng, khi thị trường chưa được làm quen với sản phẩm, những nhà marketing tiên phong sẽ có tiếng nói cuối cùng, chừng nào họ đủ tài tình để lèo lái thị hiếu chung theo hướng có lợi cho mình. Nhưng văn hóa đại chúng khi nằm trọn trong tay các thương hiệu, những người duy nhất bảo đảm sự thành công của một chiến dịch quảng bá bằng áp đảo về tài chính, truyền thông vào cuộc chỉ khi thương hiệu vẫy cờ, nên chăng cần gióng một hồi chuông báo động cho người nghe nhạc?

Chỉ khi thị hiếu đã rõ nét, khi thị trường mở đủ rộng, các nhà tổ chức âm nhạc đích thực bớt gặp các rào cản mới chính là lúc người nghe được thỏa mãn một cách tự nhiên, không gượng ép. Dù được ngợi ca và tôn sùng, được nhắc đến cách mấy, rock vẫn nằm trong một góc nhỏ bé sự quan tâm của những bạn trẻ và không còn trẻ tự gọi là yêu nhạc, ở đó chi tiêu dành cho nó được di dời sang các món khác hiện hữu, trực quan hơn như phim ảnh, ăn uống hay những sản phẩm thương hiệu yêu rock mang đến cho họ: bia, thuốc lá, thậm chí rượu.

Truy lại lịch sử, “từng có thời điểm Việt Nam chấp nhận nhạc ngoại ở một số điểm vì địa vị cao sang của nó và tính chất hiện đại gợi ý cho người dân (thuộc địa) thoát khỏi tình trạng lạc hậu”. Cũng từng có lúc, khi kịch nói Việt khởi đầu, “các vở diễn hầu hết đã được tổ chức để lấy tiền cho mục đích từ thiện: ủng hộ nạn nhân lụt bão, xây bệnh viện”, mà bản thân lý do từ thiện cũng “làm cho khán giả dễ tha thứ cho một vài vở diễn kém trau chuốt”.

Rock Hà Nội, Rumba Cửu Long, trang 74, tác giả Jason Gibbs, bản dịch Nguyễn Trương Quý.

Duy Lê
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm