Phim "Long thành cầm giả ca": Chất Việt từng centimet

04/10/2010 13:31 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Long thành cầm giả ca (LTCGC) được chọn là phim chiếu khai mạc “Những ngày phim VN…” mừng Đại lễ vừa qua, đồng thời là đại diện Việt Nam dự LHP quốc tế Hà Nội (từ 17 - 21/10 sắp tới). Lâu rồi Điện ảnh VN mới có tác phẩm đặc biệt chuyên sâu về nghệ thuật Thăng Long (TL) được làm công phu và tinh tế như vậy.

>> Nhật ký Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội

Phóng tác từ bài thơ chữ Hán cùng tên của Đại thi hào Nguyễn Du viết năm 1813 khi ông trở lại TL để đi sứ lần đầu sang Trung Quốc, bộ phim giàu vẻ đẹp, tính hàm súc và đa nghĩa, qua tình yêu dang dở, số phận nhân vật trên nền xã hội loạn li cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.

Hồn Việt từ bối cảnh Phủ Thành Chương

Đạo diễn Đào Bá Sơn và nhà biên kịch Văn Lê đều từ miền Bắc vào Nam sống, thương nhớ quê hương và dồn tình cảm ấy vào từng chi tiết nhỏ. Khi được giao phim này, Đào Bá Sơn nhận ngay dù nhiều lo lắng. Đây là phim cơ hội để anh “trả nợ” Hà Nội, dẫu cho nhiều đồng nghiệp e ngại anh xa quê 27 năm, lại làm về thời kỳ hơn 200 năm trước, rất khó khăn, mạo hiểm.


Nhân vật Cầm (Nhật Kim Anh đóng) chơi đàn
Thế mạnh, ưu điểm nổi trội của phim là bối cảnh. HS Nguyễn Mạnh Đức - một chuyên gia dựng nhà sàn, sưu tập đồ cổ cùng thiết kế mỹ thuật với NSƯT Nguyễn Trung Phan sử dụng Phủ Thành Chương cho nhiều trường đoạn quan trọng, khiến phim hiệu quả cao: Nhà cửa, vật dụng, đồ cổ trong phim - là đồ thật. Anh em HS Thành Chương dốc lòng giúp cho phim. Tất cả các kiểu nhà của Phủ Thành Chương đều là nhà thật, từ chất liệu đến thiết kế theo nguyên gốc, nên các kiến trúc trong phim đều toát lên vẻ đẹp đầy chất Việt.

Hồn Việt biểu thị qua nghệ thuật được chưng cất: Làm thơ, ngâm thơ, hát văn, ca trù, chơi và thưởng đàn, thư pháp... thú của tao nhân, người có học hội tụ trên đất thiêng Thăng Long. Văn hóa Việt còn ở trò chơi dân gian: Chơi ô ăn quan, nhảy dây, khi Cầm và các bạn nghịch ngợm sau lúc luyện thanh cúi đầu xướng âm trong chum. Là dáng cầm đàn, tâm thế chơi đàn, những bàn tay lần lượt ngâm thuốc bắc thả hoa cúc chậu sành; là sung, dưa muối, khoai luộc trong bữa ăn thanh bần chốn quê; là bát chén cổ quý...

Chất Việt ấy, toát lên từ tông màu chủ đạo của phim, qua phục trang, cảnh vật. Kỳ công từ khâu chọn cảnh. Phải có quyết tâm lắm mới tìm ra, dựng cảnh xưa trong sự lộn xộn của kiến trúc hiện thời, khi tổng dự toán chỉ có 8 tỷ đồng. Thăng Long không còn thành quách, nông thôn la liệt đường bê tông, ăng ten, dây điện giăng khắp nơi. Khán giả xem liền mạch nhưng thực tế có nhiều đoạn cổng, đường quay chỗ này, nhà lại chỗ khác, vì một khung cảnh cổ trọn vẹn ở miền Bắc này là cực hiếm.

Với chuyên môn của một HS, nhà sưu tập cổ vật, HS Thành Chương đánh giá: “Tôi bất ngờ Đào Bá Sơn có thể làm một bộ phim xúc động thế. Mấy năm nay, các sự kiện sân khấu hóa hay một số tác phẩm phim, kịch bê nguyên xi mô hình chùa Tàu, điều này lan tràn như nạn dịch. LTCGC đi vào chiều sâu tâm linh, tinh thần Việt, từ chiều sâu của bối cảnh và đạo cụ hoàn toàn thật, chứ không phải các mô hình trang trí”.

“Gương mặt trong sáng đến khi chết”

Đào Bá Sơn trong sự nghiệp DV và ĐD của mình đã phát hiện, đóng đôi với nhiều nữ DV nhan sắc: Thanh Lan, Hà Xuyên, Diễm My, Mộc Miên, Hiền Mai, Việt Trinh, Hồng Ánh, Kim Khánh ... ở lần này, anh không thể chọn nữ DV quá cao và có vẻ đẹp hiện đại. Nhật Kim Anh 25 tuổi được chọn vì có nét tương đồng với nhân vật. Cô tên thật là Huê, quê gốc Thanh Hóa, cùng gia đình vào Nam lập nghiệp.


Tố Như và Cầm ẩn nấp trên đường trốn kiêu binh
“Tôi chọn một dung nhan có chất ca kỹ, nhưng phải trong. Nhật Kim Anh mắt một mí, kiểu mắt đàn bà Việt cổ, mặt trong. Tôi muốn Cầm có gương mặt trong sáng đến khi chết” - anh nói.

Để làm phim này, Đào Bá Sơn đã đọc 250 bài thơ chữ Hán cũng nhiều tài liệu về Nguyễn Du. Trước sau khi chọn cảnh, khởi quay và quay xong, đoàn phim đều đến viếng mộ thi hào. Với lòng tôn kính, Đào Bá Sơn “cố gắng hết sức để không làm gì có lỗi với Cụ, phải toát lên sự trong sáng, thanh bạch, tài năng, đạo quân tử của cụ”. Dọc đường lánh nạn, khi quá mệt không chạy nổi, Cầm ôm đàn nguyệt khóc trên điếm canh đê “Lắng nghe dòng máu đỏ tươi/ Hòa thành sữa trắng nuôi người lớn khôn”. Qua tiếng đàn, Tố Như nhận ra. Họ chạy trốn và ẩn nấp cùng nhau, tựa vai nhau ngủ suốt đêm, lòng đã cảm mà thân không vướng dục.

Đào Bá Sơn có lý khi cực đoan xây dựng một tình yêu không nhục dục. Cầm chưa thấu sự cao cả, khán giả bình thường không hiểu tình yêu ấy. Không phải vì đã có hiền thê, không phải vì ép xác lạnh lùng, Tố Như yêu Cầm bằng tình yêu quân tử lớn lao, lớn hơn cả sự trao thân, dâng hiến thể xác, là tinh thần chàng yêu nàng lớn đến mức cả khi họ đã già, nàng phải đàn hát ngoài chợ, sau nhiều năm lưu lạc chàng vẫn trân trọng, nhân ái, tình nghĩa.

Điện ảnh VN có thể làm được “điều phi thường”

Sau các buổi giao lưu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, ĐH KHXH & NV; ngày 3/10, đoàn làm phim đã tới Ninh Bình. Ngày 5/10, đoàn gặp gỡ cán bộ chiến sĩ sư đoàn 301; ngày 6/10, giao lưu với cán bộ và học sinh trường Hữu Nghị T78; ngày 7/10, giao lưu tại Bắc Ninh.

Bộ phim tiếp tục được chiếu trong suốt tháng 10 tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Con đường đá cổ dẫn ra cái giếng đá cổ ở Ninh Bình được chọn làm cảnh mở đầu và kết phim, đó là hình ảnh biểu tượng, đặc trưng văn hóa Việt. Cái giếng tròn không gờ thành, giống mặt đàn nguyệt. Lặp lại, mở, khép, bộ phim với hình ảnh cái giếng, LTCGC khác biệt. Diễn tả chu trình đời người, luân hồi, trôi chảy của thời gian, điện ảnh châu Á, đặc biệt Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản thường chọn hình ảnh dòng sông. Cái giếng là độc đáo riêng của LTCGC. Máy quay Arriflex 4, phim Kodak, in tráng tại Kantana (Thái Lan) và mắt xanh của người “vẽ bằng ánh sáng” tạo nhiều khuôn hình kiều mị với cùng lời thoại đậm chất văn học.


Trong hàng loạt phim, kịch làm “nhân dịp đại lễ”, LTCGC là tác phẩm hiếm hoi nếu như không nói là duy nhất của đợt phim này làm về nghệ thuật Thăng Long. Ê-kíp mạnh của LTCGC cùng nhau làm nên điều phi thường, chứng mình rằng: Điện ảnh VN hoàn toàn có đủ nhân lực chuyên môn và tâm huyết làm phim nghệ thuật giữa thời phim thị trường thao túng, nếu biết “chậm” để làm kỹ càng, tử tế. Vấn đề người thuyền trưởng - đạo diễn ấy là ai, lao động thế nào!

Vi Thùy Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm