19/08/2018 10:37 GMT+7 | Thể thao
(Thethaovanhoa.vn) - Ít người biết rằng giá bản quyền truyền hình ASIAD 2018 ở Việt Nam ban đầu được cho là chỉ có giá khoảng 11 tỷ đồng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nó đã bị đẩy lên thành gần một trăm tỷ đồng, khiến cho không một đơn vị truyền hình nào ở Việt Nam có thể kham nổi mức giá này.
Xem trực tiếp U23 Nhật Bản vs U23 Việt Nam (Bảng D, 16h00 ngày 19/8):
Link xem trực tiếp sẽ được cập nhật TẠI ĐÂY.
Xếp hạng bảng D
Lịch thi đấu bóng đá Asiad hôm nay, ngày 19/8:
16h00: U23 Pakistan vs U23 Nepal (Bảng D)
19h00: U23 Bangladesh vs U23 Qatar (Bảng B)
19h00: U23 Thái Lan vs U23 Uzbekistan (Bảng B)
19h00: U23 Timor-Leste vs U23 Syria (Bảng C)
19h00: U23 U.A.E vs U23 Trung Quốc (Bảng C)
Khi hàng triệu người hâm mộ Việt Nam loay hoay tìm cách xem bóng đá qua những kênh bất hợp pháp, hỉ hả thưởng thức những lời "phóng khoáng" của những anh chàng tự nhận mình chỉ là bình loạn viên, chúng ta đã chứng kiến một bước lùi đáng kể trên nhiều khía cạnh không chỉ riêng truyền hình hay thể thao.
Tình trạng vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ tràn lan vốn luôn là một trong những gạch đầu dòng đầu tiên trong bản lưu ý cho các nhà đầu tư nước ngoài khi tìm hiểu xúc tiến làm ăn tại Việt Nam.
Hai năm trước, hệ thống Cáp của truyền hình Việt Nam đã nhận trái đắng khi bị đối tác rút quyền phát sóng của Champions League, họ không vi phạm bản quyền mà chỉ đơn giản là đã không thể bảo vệ được bản quyền đó trước sự vi phạm ngang nhiên của những "đồng nghiệp" truyền thông khác cùng lãnh thổ.
Sự cố đáng buồn đó làm người hâm mộ hụt hẫng một chút nhưng thực sự tạo ra một sự thay đổi lớn về nhận thức của nhiều cơ quan báo chí trong chuyện bản quyền. Nếu coi đó là bước tiến nhỏ, thì có lẽ việc người hâm mộ của cả một quốc gia bình thản xem bóng đá qua web lậu là một lùi đáng kể ngược về quá khứ. Nhưng đó chắc chắn không phải là lỗi của người xem.
Và cũng không phải là lỗi hoàn toàn của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cơ quan truyền thông hàng đầu vốn lâu nay được mặc định là có trách nhiệm trong việc cung cấp cho khán giả những giải đấu được quan tâm nhất.
VTV cũng chỉ là một đơn vị được tự hạch toán thu chi bao lâu nay. Có một chuyện thật vẫn được kể cứ mỗi lần đến các giải đấu lớn, các nhân viên VTV lại hồi hộp chờ xem lãnh đạo liệu có cắt giảm nhiều chi phí để dồn tiền mua bản quyền phục vụ người hâm mộ hay không. Đúng là giá bản quyền truyền hình đã tăng chóng mặt theo thời gian, nhưng đặt ra vấn đề ASIAD 2018 lần này các nhà đài phải chịu lời "nói thách" trị giá nhiều triệu USD từ công ty KJSM của Hàn Quốc là đã nhìn nhận sai mọi chuyện.
Sở hữu bản quyền truyền hình của ASIAD 2018 đầu tiên phải là Uỷ ban Olympic châu Á (OCA), cơ quan tổ chức ra sự kiện này. Vào đầu năm nay, OCA đã tạo cho KJSM cũng như bất cứ một cơ quan truyền thông nào khác ở Việt Nam một cơ hội ngang nhau trong việc đấu giá bản quyền truyền hình của sự kiện này.
Đã không đơn vị truyền hình nào tại Việt Nam đưa ra được một con số hợp lý để rồi bản quyền đó thuộc về KJSM với con số được cho rằng chỉ vào khoảng trên dưới 500.000 USD.
500.000 USD, tương đương với 11 tỷ đồng, đó là một con số khác xa với những lời ta thán về mức giá bản quyền trên mây chúng ta vẫn nghe. Và khi nhìn nhận đó là một cuộc đấu giá thất bại thì chúng ta nên phân tích tâm lý của những người thua cuộc.
Gạt sang một bên khẩu hiệu "phục vụ người hâm mộ", hãy coi đây là một cuộc kinh doanh. Các cơ quan truyền thông ở Việt Nam, không chỉ riêng VTV, đã không thấy được khía cạnh sinh lời của thương vụ này.
Thử nghĩ xem, với những cuộc tranh tài của Ánh Viên, Hoàng Xuân Vinh, và quan trọng nhất là 4 trận đấu (và có thể hơn thế nữa) của những ngôi sao U23 đình đám, liệu có quá khó khăn trong việc thu lại số tiền này.
Hoặc tệ lắm chúng ta hoàn toàn có thể trông chờ một Mạnh Thường Quân nào đó lại chìa bàn tay ra như đã từng làm với World Cup, con số giờ đây ít hơn nhiều và sự quan tâm thì chắc không kém gì.
Vấn đề là chỉ KJSM cảm nhận được điều này, họ nhìn thấy triển vọng sau kỳ tích U23 và khi họ ôm lấy món hàng đã mua về mà không thể bán được cho ai, có lẽ họ cũng đang tự đặt cho mình một câu hỏi tại sao?
Tại sao các cơ quan truyền thông ở Việt Nam trong khi sẵn sàng lao vào những cuộc tranh đấu trị giá nhiều triệu USD cho World Cup, Serie A, Ngoại hạng Anh lại đã không bỏ tiền để mang về giải đấu mà lẽ ra họ cần ưu tiên nhất?
Họ và có lẽ cả người hâm mộ đang xem web lậu chắc cũng không nhớ rằng, 4 năm trước chẳng có một kênh quảng bá nào ở Việt Nam tường thuật các sự kiện ở ASIAD. Đó là sự kiện mà thể thao Việt Nam nhiều năm qua vất vả với những mục tiêu không được hoàn thành, và đội bóng của ông Miura 4 năm trước cũng không được đánh giá cao khi giành quyền lọt vào vòng 2.
Web lậu vi phạm bản quyền vấn tràn lan, kinh doanh bản quyền tiếp tục là một thứ mạo hiểm cho các nhà đài, và người hâm mộ vẫn tiếp tục xem web lậu. Chỉ cần nối câu viết này vào với nhau liên tiếp thì bạn sẽ nhận ra rằng chúng ta đang ở trong một vòng tròn luẩn quẩn mà không thể tiến lên được. Điều đáng ngại nhất là những người đứng ở ngoài nhìn vào cách chúng ta chạy vòng quanh như vậy sẽ nghĩ gì?!
Huy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất