16/12/2023 07:31 GMT+7 | Văn hoá
Sophia thân mến! Kể từ khi loại hình xe ôm công nghệ lên ngôi ở Việt Nam, từ "shipper" - người giao hàng, đã không còn xa lạ với người dân.
Cùng với sự lên ngôi của loại hình kinh doanh trực tuyến, hình ảnh những shipper di chuyển như con thoi trên đường phố trở thành một phần trong đời sống thường nhật của con người. Cũng với đó là bao câu chuyện khóc cười của một nghề dịch vụ "làm dâu trăm họ", trong đó không thiếu những trường hợp khách "bom hàng" (đặt mua nhưng cuối cùng lại không nhận hàng) khiến người kinh doanh lẫn shipper dở cười dở mếu.
Mới đây ở Bình Đình, một nữ sinh lớp 9 đã "bom hàng" của một cửa hàng quần áo. Câu chuyện tưởng chừng sẽ diễn tiến với những lần đăng đàn bốc phốt hay thậm chí đến nhà khách hàng để làm cho ra lẽ như bao vụ tương tự diễn ra trước đây. Nhưng không, câu chuyện đã kết lại bằng những hành động đẹp.
Sophia biết không, cô bé lớp 9 nọ hóa ra có hoàn cảnh khó khăn, muốn mua cho mẹ bộ đồ để thay trong lúc mẹ ốm đau, nhưng chẳng may số tiền cô bé bán ve chai lại không đủ để nhận đơn hàng. Biết chuyện, cô chủ cửa hàng đã không trách mà còn tặng áo và hỗ trợ thêm tiền cho gia đình cô bé.
Câu chuyện sau khi được đăng tải lên báo đã thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Chưa dừng lại, nhiều cá nhân đã đến tận nhà thăm hỏi động viên hoàn cảnh khó khăn của gia đình bé. Một bệnh viện trên địa bàn cũng đã cử bác sĩ và xe cấp cứu đến nhà bé để đón người mẹ đang đau ốm nhập viện khám chuyên sâu và điều trị.
Sophia thân mến!
Với tốc độ phát triển của thông tin truyền thông, hằng ngày chúng ta phải nghe đủ thứ chuyện đau lòng trên đời. Những tin tức giết người do ghen tuông, do những mối thù hận nhỏ mọn; rồi chuyện người ta cướp vé số của người già; người ta lừa lọc nhau, làm tổn thương nhau bằng những ngôn từ nhân danh đủ thứ cao đẹp trên đời… Lọt thỏm giữa vô vàn tin dữ ấy là hạt mầm thiện lành le lói như vụ "bom hàng ấm áp" vừa qua.
"Bom hàng" nói sao vẫn là hành động sai, không thể chối cãi. Nhưng Sophia biết đó, con người chúng tôi đa đoan và phức tạp hơn thế. Đôi khi có nhiều chuyện không thể chỉ dùng 2 tiếng đúng, sai mà phân định rạch ròi được. Với trường hợp như đã kể ở trên, trong cái sai của hành động ta còn thấy một tấm lòng hiếu thảo.
Ngày xưa Jean Valjean trong "Những người khốn khổ" của Victor Hugo vì ăn cắp một mẩu bánh mì cứu đói cho các em mà thành kẻ tù tội. Con người văn minh theo một nghĩa nào đó là tìm ra được cái phần tốt cả trong những điều xấu xa, làm sao để cái phần tốt ấy được nhận ra, được lan tỏa, có khả năng hoán cải những điều xấu trong một thế giới bị xem là đang lạnh lùng và vô cảm.
Trong trường hợp "bom hàng" ở trên, dư luận cũng dành lời khen cho cách xử trí thấu tình của chủ cửa hàng quần áo. Một cách xử lý nhanh và nhờ lan tỏa được hành động đẹp của chính mình mà hoàn cảnh khó khăn của cô bé được quan tâm nhiều hơn. Tôi tin rằng, những chọn lựa, những quyết định như thế, dù trí tuệ nhân tạo có tiến bộ đến đâu cũng không thể làm thay con người được.
Vào dịp cuối năm, giữa mùa vọng, trong không khí Giáng sinh, con người chúng ta hay nói về những phép màu của cuộc sống. Đôi khi chính chúng ta có thể tạo ra những điều nhiệm màu bằng tấm lòng thiện lương ấm áp của con người.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất