Ngôi sao của cả đội? Allegri

29/04/2011 11:57 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH)- Chỉ trong một năm, ngôi sao chiếu mệnh Allegri đã chói sáng từ bóng tối. Đúng một năm về trước, Allegri không được “allegria” (chơi chữ, “vui vẻ”) cho lắm. Ngày 13/4/2010, ông bị sa thải khỏi chức vụ HLV Cagliari, đội bóng mà ông từng biến nó thành một cỗ máy sản sinh ra niềm vui cho Serie A bằng một thứ bóng đá tấn công đầy say mê. Một năm sau, thế giới của ông đã thay đổi. Milan của ông đang hướng đến Scudetto lần đầu tiên sau 7 năm, và nếu như mọi chuyện suôn sẻ, danh hiệu ấy sẽ đến với Milan ngay cuối tuần này, trước khi Serie A 2010/2011 kết thúc 3 vòng.

Allegri không phải là HLV Milan đầu tiên đoạt Scudetto ngay khi vừa chân ướt chân ráo đến với đội. Nửa thế kỉ trước, Nereo Rocco đã làm được điều đó, sau đó đến lượt một loạt những người cầm quân dưới thời Berlusconi, từ Sacchi, Capello đến Zaccheroni. Ancelotti không làm được điều đó (ông dẫn dắt Milan từ giữa mùa giải 2001/02), nhưng đã đoạt Champions League ở mùa bóng sau đó và là cha đẻ của vị trí tiền vệ hiện tại Pirlo đang nắm giữ. Có lẽ, việc Milan có duyên đoạt Scudetto với những tân HLV ngay ở mùa đầu tiên không phải là điều quá ngạc nhiên, bởi đội bóng này luôn tạo dựng được một thiết chế mạnh và có chiều sâu để chiến thắng trong một giai đoạn ngắn, ngay cả với những HLV ban đầu chỉ được coi là những hiện tượng như Sacchi và bây giờ, Allegri. Việc bổ nhiệm vị HLV người Livorno này được coi là một quyết định dũng cảm và tương đối liều lĩnh, sau khi Milan đã không thành công với Leonardo, người mà có lẽ cũng sẽ không rơi vào hoàn cảnh phải ra đi cuối mùa trước một cách tê tái đến thế, nếu cũng được đầu tư tốt như Allegri mùa này. Nói như thế không có nghĩa là hạ thấp vai trò của Allegri, chính là Mister Scudetto, chứ không phải Ibrahimovic, người mà nhờ sự vắng mặt của anh do 2 thẻ đỏ trong vòng mấy tuần qua đã giúp Allegri thể hiện nhiều hơn nữa bản lĩnh của mình.

HLV Allegri- Ảnh Getty

Những kinh nghiệm mà Allegri tích lũy được khi dẫn dắt Cagliari, và trước đó, đội Sassuolo ở hạng C, đều là những đội bóng thích chơi bóng đá tấn công phóng khoáng, trở nên cố ích đặc biệt ở một đội bóng mà ông chủ của nó không chỉ thích bóng đá đẹp mà còn mê sưu tập các ngôi sao. Leonardo, người tiền nhiệm của Allegri, người mà ông đã đánh bại trong trận derby hồi đầu tháng 4, đã từng làm hài lòng Berlusconi với lối chơi siêu tấn công ấy, để rồi chết gục. Allegri không đi theo vết xe đổ ấy. Ông gia cố hàng thủ, tăng thêm sức sống cho hàng tiền vệ và trong khi tất cả, trong đó có cả Berlusconi, muốn thấy bộ tứ Ronaldinho-Pato-Robinho-Ibrahimovic cùng xuất quân trong đội hình chính, thì Allegri đã chứng minh rằng điều đó là phi thực tế. Cũng giống như Ancelotti đã khéo léo đẩy Rivaldo, con cưng của Berlusconi, khỏi Milan vào năm 2003, năm mà Milan đoạt Champions, Allegri cũng đẩy Ronaldinho về quê vào đầu năm 2011, năm mà Milan sẽ đoạt Scudetto. Thời của những gánh xiếc điên rồ đã kết thúc. Cá tính của Allegri đã mạnh hơn ý thích ngông cuồng của ông chủ. Là một người Livorno, Allegri hiểu rất rõ một câu ngạn ngữ của thành phố cảng này có ý nghĩa gì: “Muốn có một chai rượu đầy, còn vợ thì say” (ám chỉ việc không thể làm cùng lúc 2 điều trái ngược nhau).

Nhờ có Allegri, Milan trong giai đoạn quan trọng nhất mùa giải đã không phụ thuộc Ibra hay Pato, đã đưa Milan vượt qua một quãng thời gian dài vắng mặt những cựu binh như Ambrosini, Inzaghi hay Pirlo (vắng Pirlo, một “regista”-tiền vệ kiến thiết, nhưng Allegri đã tăng cường sức mạnh tuyến giữa bằng cách sáng tạo bố trí Boateng đá hộ công và đưa Seedorf xuống đá chỗ Pirlo), đã thành công trong việc điều hành một đội bóng có quá nhiều “tiểu thư già khú đế” (có 10 cầu thủ tuổi 34, 35) và đã áp dụng một lối chơi không hoa mỹ, nhưng thực dụng và vô cùng hiệu quả, giúp Milan đứng đầu bảng 24/33 vòng đấu, đá sân nhà hay sân khách hay chẳng khác gì nhau (cùng thắng 11 trận). Và khả năng cầm quân ấy (trước khi đem Scudetto đến cho Milan, ông đã đưa Sassuolo từ hạng C lên hạng B) lại được hỗ trợ tối đa từ một chiến dịch tăng cường lực lượng mạnh mẽ chưa từng thấy kể từ nhiều năm qua, khi chi, chứ không phải là ném qua cửa sổ, không quá nhiều tiền cho chuyển nhượng để tiến hành những tăng cường hết sức khôn ngoan: Ibra (không sống nổi ở Barca), Robinho (không trụ nổi ở Man City), Cassano (không chịu nổi Sampdoria), Van Bommel (hàng thải từ Bayern) và Boateng (đồng sở hữu với Genoa).

Allegri đã là nhà vua ở Serie A và với Scudetto, sẽ trở thành người “có đai có đẳng” của calcio. Nhưng trên đấu trường châu lục, tại Champions, vị HLV 43 tuổi này còn ngờ nghệch lắm. Rất có thể một năm sau nữa, những lời khen ngợi này có thể sẽ nhanh chóng bị lãng quên…

A.N

Trước Scudetto, là…

Allegri không có một sự nghiệp lẫy lừng trước khi đến Milan vào mùa hè 2010. Vị HLV sinh năm 1967 này bắt đầu sự nghiệp cầm quân ở hạng Serie C2 (hạng 4) và chẳng có thành tích nào nổi bật, trước khi đến Milan, giống hệt Sacchi trước đây. Allegri đã 2 lần bị sa thải khi dẫn dắt Grosseto, một đội bóng của xứ Toscana. Khi dẫn dắt Sassuolo và Cagliari, Allegri đã được trao giải “Chiếc ghế vàng” dành cho HLV xuất sắc nhất các mùa bóng ở hạng C và A cùng với các CLB này. Trước khi khởi nghiệp HLV, Allegri chơi tiền vệ cho một loạt các CLB hạng dưới trước khi đá cho Pescara ở Serie A từ 1991 đến 1993. Ông giải nghệ năm 2003. Mùa bóng Đội bóng Hạng Thành tích 2002/03 Aglianese Serie C2 2004/05 Spal Serie C1 2005-2007 Grosseto Serie C1 2007/08 Sassuolo Serie C1 Lên hạng B 2008-2010 Cagliari Serie A


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm