07/03/2013 13:34 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - Gia tài điện ảnh Việt năm 2012 có hơn 20 phim nhưng chỉ khoảng một nửa trong số này (11 phim) tham dự giải Cánh diều 2012. Vì sao có những nhà làm phim, nhà sản xuất lại quyết định không tham gia?
Một số phim không tham dự giải Cánh diều 2012 như: Ngọc viễn Đông (Cường Ngô), Chạm (Nguyễn Đức Minh), Mỹ nhân kế (Nguyễn Quang Dũng), Bay vào cõi mộng (Phương Điền), Nàng men chàng bóng (Võ Tấn Bình), Ngôi nhà trong hẻm (Lê Văn Kiệt), Bước khẽ tới hạnh phúc (Lưu Trọng Ninh)…
Có ý “né tránh”?
Nói gì thì nói, giải thưởng Cánh diều vẫn được xem như là bộ mặt hàng năm của điện ảnh Việt Nam, nên rất cần nó hướng đến tính khách quan và chuyên nghiệp. Đã có vài mùa giải Cánh diều không làm được điều này, vì nó chịu áp lực và chi phối từ bên ngoài hội đồng giám khảo, nên bị phản ứng từ giới làm nghề. Có phải vì vậy mà có nhiều nhà sản xuất, đạo diễn không gửi phim tham dự giải thưởng năm nay?
Khi nhận được câu hỏi này, đạo diễn nào cũng nêu khá nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan. Và trong số đó, lý do được đưa ra nhiều nhất chính là họ nhận thấy “phim của mình không phù hợp với tiêu chí trao giải”.
Phim Scandal - Bí mật thảm đỏ của Victor Vũ có khá nhiều cơ hội để nhận giải |
Đạo diễn Võ Tấn Bình cho rằng Nàng men chàng bóng của anh chỉ đơn thuần là phim giải trí, gây cười bằng những yếu tố hài, không hợp với một giải thưởng có tính chất nghề nghiệp. Anh còn thẳng thắn cho biết mình không quan tâm đến các giải thưởng. Mặc dù những phim truyền hình Mùa sen, Sống bên bờ vực của anh từng được TFS gửi đi dự giải và nhận được những giải cao nhưng Võ Tấn Bình chưa một lần trực tiếp nhận những giải thưởng đó.
Đạo diễn Phương Điền (Bay vào cõi mộng) cũng cho rằng phim của anh thuộc dòng thương mại, thuộc hãng phim tư nhân, nên khó có thể đạt một giải thưởng điện ảnh của Nhà nước. Hơn nữa, bộ phim Bay vào cõi mộng được liên kết bởi ba nhà sản xuất HK Film, VT Pro, Hãng phim Rạng Đông nên rất khó nhận được sự đồng thuận để có thể gửi dự giải. Các phim truyền hình của anh trong năm qua cũng không thể tham dự giải thưởng này vì ràng buộc với nhà sản xuất.
Khi nhắc đến giải thưởng Cánh diều, Phương Điền cũng chia sẻ những suy nghĩ chân thật và tâm huyết nhất của một đạo diễn yêu nghề. Anh cho biết mình rất thích tinh thần của giải thưởng Cánh diều “vì đó là nơi giao lưu gặp gỡ của những người làm điện ảnh hai miền Bắc - Nam, là nơi anh em kiểm điểm nghề nghiệp, trao đổi, nhận xét tác phẩm của nhau, để có động lực tạo nên những sản phẩm điện ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, với cách tổ chức “luộm thuộm” và sự không thỏa đáng của những giải thưởng, Cánh diều ngày càng “rớt điểm” đối với khán giả yêu điện ảnh và với ngay cả những người làm nghề”. Đạo diễn Phương Điền hy vọng giải thưởng này sẽ đổi mới cách tổ chức, quy mô hơn và có một ban giám khảo thật sự công tâm để có thể tôn vinh những tác phẩm xứng đáng, nâng điện ảnh Việt Nam lên một tầm cao mới.
Đạo diễn Phan Đăng Di cũng cho rằng mỗi nhà làm phim khi làm ra sản phẩm đều có những định hướng rất rõ ràng cho phim của mình. Những phim được làm ra như một sự tìm tòi về nghề nghiệp sẽ thích hợp tham dự những liên hoan phim hơn là những phim thương mại chỉ có mục tiêu doanh thu. Vì vậy, những phim thắng lớn ngoài phòng vé có khi chỉ nhận được phản hồi tiêu cực tại những giải thưởng của hội nghề nghiệp và ngược lại. Đó là lý do mà một số nhà sản xuất e ngại, không gửi phim tham gia những liên hoan phim như Cánh diều. Được biết, bộ phim Bi, đừng sợ! của anh cũng không có tên trong danh sách dự giải Cánh diều 2011 vì lý do bản quyền và nhà tài trợ.
Phim Nhà nước lép vế
Chiều 6/3, nghe râm ran từ các hội đồng giám khảo, nhất là BGK Báo chí - phê bình điện ảnh (gồm 15 thành viên) đã có quyết định cuối cùng, mà giải phim hay nhất đã dành cho một đạo diễn Việt kiều. Riêng Dành cho tháng Sáu (Nguyễn Hữu Tuấn) thì nhận được khá nhiều khen ngợi của hội đồng giám khảo, dù xếp để vào các hạng mục giải thưởng thì rất khó.
Năm 2012 vừa qua, có 3 phim của các NSƯT và được Nhà nước đầu tư là Đam mê (Phi Tiến Sơn), Lạc lối (Phạm Nhuệ Giang) và Cát nóng (Lê Hoàng) đã không tạo được bất ngờ. Riêng về kịch bản, các phim này có câu chuyện khá riêng tư, phù hợp với tư nhân hoặc người làm phim độc lập, chẳng hiểu vì sao lại được đầu tư? Quan điểm về Cát nóng là “phim ngớ ngẩn, giả ngây giả ngô” vẫn được nhiều thành viên BGK tán đồng, bên cạnh một phim thảm họa là Mùa Hè lạnh của Ngô Quang Hải.
Năm nay có một điểm hay, đó là thẩm định của báo giới nói chung đã đến gần với giới làm điện ảnh, khi mà những phim bị chê tơi tả đã không có cơ may nhận giải; thậm chí họ đã không chủ động tham dự từ đầu (dù với các lý do khác nhau) như Mỹ nhân kế, Bay vào cõi mộng, Nàng men chàng bóng, Ngôi nhà trong hẻm.
Phùng Hạ Nguyên
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất