(TT&VH) -
Khi Wenger chấp nhận bỏ ra 6,5 triệu bảng để đưa về một trung vệ đã 30 tuổi, hẳn ông có lý do riêng của mình. Chắc chắn, vấn đề cùng quốc tịch với Wenger không thể là lý do chính để trung vệ này cập bến Emirates. Anh là ai, Squillaci?Năm 2000, cái tên Sebastian Squillaci lẽ ra đã chìm nghỉm trong cái mớ hỗn tạp của các cầu thủ hạng trung bình tại xứ lục lăng, khi Claude Puel quyết định đẩy anh tới Ligue 2 chơi cho Ajaccio theo 1 hợp đồng cho mượn. Tuy nhiên, đó cũng là thời điểm mà “gã nhà quê” sinh ra ở Toulon, một thành phố nhỏ ở miền nam nước Pháp, chơi rất hay và trở thành trụ cột của đội bóng hạng 2. Monaco đã muốn anh trở lại. Để rồi một cuộc hành trình đã bắt đầu, đầy ngạc nhiên và cũng không ít sóng gió.
Squillaci đã tới với Arsenal - Ảnh Getty |
Nước Pháp đã bắt đầu biết
Squillaci là ai, sau khi anh cùng Monaco giành vị trí thứ 2 ở Ligue 1 năm 2002, trước khi đội bóng xứ Công quốc tiến vào tới trận chung kết Champions League năm 2004. Tới năm 2006, Sebastian đã trở thành một hòn đá tảng thực thụ trong màu áo Lyon. Sau 2 năm tung hoành với Sư tử sông Rhône, trung vệ có khuôn mặt rất ít cảm xúc này mới tới Tây Ban Nha để chơi cho Sevilla. Lúc này, anh không còn trẻ nữa (2008). Nhưng cũng từ thời điểm đó, chiếc áo lam đã được dành cho Squillaci.
Bạn sẽ thất vọng, nếu muốn hình dung Squillaci như một trung vệ Pháp thực sự đỉnh cao. Anh khác xa những kiểu mẫu lạnh lùng như Marcel Desailly hay lãng mạn, hào hoa như Laurent Blanc. Không, ở ĐTQG, anh chỉ là một giải pháp tình thế, không hơn. Nhưng đó lại luôn là một giải pháp an toàn! Nếu các fan Arsenal nghĩ rằng Wenger cần kinh nghiệm của cầu thủ này để lấp đầy sự ra đi của những Gallas hay Campbell, họ sẽ có nhiều hơn thế. Tại Sevilla, Squillaci đã chơi 49 trận và thậm chí còn đá cả hậu vệ trái, nếu cần. Anh là mẫu cầu thủ dường như luôn dị ứng với cái đẹp, nhưng lại là người luôn biết cách bảo vệ khu vực của mình một cách đáng tin cậy. Sự trải nghiệm qua hàng loạt CLB đem tới một “chất” riêng của cầu thủ 30 tuổi này. Các Pháo thủ hãy tin, “gã nhà quê” này còn là chiến binh rất dũng cảm khi cần phải chiến đấu.
* Chào mừng anh tới ngôi nhà Pháo thủSquillaci đã rất chín chắn và chuyên nghiệp khi từ chối tham gia trận đấu đầu tiên ở châu Âu cùng Sevilla. Điều này có nghĩa là
Wenger có thể sử dụng anh ở mọi mặt trận, một thương vụ rất có tính toán. Tới Emirates, Squillaci sẽ không cần đặt câu hỏi về một vị trí chính thức, bởi chính anh cũng hiểu rõ giá trị của bản thân. Wenger hiện tại chỉ có 3 trung vệ chính: Vermaelen, Koscielny, và Djourou. Trong số này, không cần nói thì cũng ai biết chỉ 1 người đáng tin cậy. Nhìn nhận một cách khách quan, Squillaci hoàn toàn đủ khả năng đá chính, đá tốt, và đóng góp rất hiệu quả cho Arsenal.
Khuôn mặt gồ ghề và những bước chạy thiếu thanh thoát quả là rất hợp với lối chơi mà Squillaci sở hữu. Nếu cần một sự so sánh, trung vệ lớn lên bên bờ Địa Trung Hải này có điều gì đó rất giống với Martin Keown, cận vệ lừng danh 1 thời của Pháo thủ. Chơi đầu rất tốt và luôn có xu hướng dùng sức để truy cản, anh thường xuyên khiến đối thủ bị đau (?!). Chưa hết, Squillaci còn là người nổi tiếng với những lựa chọn liều lĩnh từ phía sau các tiền đạo (vì anh có tốc độ không tốt lắm). Ở phương diện nào đó, điều này có thể giúp Arsenal có nhiều chất thép hơn trong phòng thủ. Kể từ thời Keown và Tony Adams, chẳng phải đó vẫn là điều The Gunners tìm kiếm hay sao?
Cuối cùng, bạn có thể ngạc nhiên nếu chưa ai “dám” gọi Squillaci là “gã nhà quê” theo cách dùng của báo chí Pháp. Đơn giản, bất cứ ai từng ở cùng phòng thay đồ với trung vệ 30 tuổi này đều chỉ có 1 từ để mô tả anh: “Combative” (Hiếu chiến - TD). Chính Squillaci cũng đã từng thừa nhận, nếu không chơi bóng, giờ này có lẽ anh đã là một tay anh chị có tiếng ở cảng Tolon.
Vậy thì “kẻ hiếu chiến”, chào mừng anh đến ngôi nhà Pháo thủ!