Giấc mơ 'triệu đô' của tranh Việt (bài 1): Lê Phổ vẫn là 'vua' giá tranh

27/06/2016 14:30 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi danh họa Nguyễn Tư Nghiêm qua đời hôm 15/6, một câu hỏi hết sức thực tế cần thiết phải đặt ra: Di sản mỹ thuật của ông đang ở đâu, có mặt trên thị trường hay không và giá cả là bao nhiêu? Nhưng xem ra câu hỏi này không dễ trả lời và chúng ta cũng không có thói quen trả lời các câu hỏi đầy tính “thương mại” như thế.

Chuyên đề “Tranh Việt - giấc mơ triệu đô” của Thể thao & Văn hóa Cuối tuần tìm cách trả lời về giá cả tranh Việt.

Nhìn vào giá bán tác phẩm (chủ yếu là tranh) của các bộ tứ thời kỳ đầu và của mỹ thuật Việt Nam nói chung, “vua” giá tranh trên thị trường quốc tế chính là danh họa Lê Phổ (1907-2001). Bức sơn dầu Nhìn từ đỉnh đồi (113 x 192 cm, 1937) của ông từng được nhà Christie’s bán tại Hong Kong hôm 22/11/2014 với giá tương đương 844.697 USD.

Vì sao tranh Lê Phổ đắt nhất?

Kỷ lục giá tranh Việt trước Lê Phổ từng thuộc về danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984), người có nhiều tranh lụa vẽ trước năm 1945 đạt mức giá trên 150.00 USD. Nhà Christie’s từng bán bức lụa La Marchande De Riz (Người bán gạo, 64,5 x 50,5 cm, 1932) của Nguyễn Phan Chánh tại Hong Kong hồi tháng 5/2013 với giá tương đương 390.657 USD.

Bức Nhìn từ đỉnh đồi của Lê Phổ có hành trình từ Hà Nội (năm 1937) đến Paris (sau 1945), Oslo (Na Uy, sau 1954), rồi Hong Kong. Sở hữu trước khi bán là Patrick Lorenzi (Pháp), người được thừa kế tác phẩm này từ ông nội của mình, vốn là một Thống sứ Bắc Kỳ thời Pháp thuộc.


Họa sĩ Lê Phổ

Giá bán bức này cũng đã phá vỡ một kỷ lục mà Nguyễn Phan Chánh vừa lập ra ít phút trước đó, khi bức lụa La Vendeuse De Bétel (Người bán trầu cau, 67 x 55 cm, 1931), vốn thuộc sở hữu của đại gia đình Tholance-Lorenzi, đạt giá tương đương 409.393 USD.

Nhận định về vị trí vua giá bán của Lê Phổ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thẳng thắn: “Đứng ở góc độ người làm phê bình, tôi không đánh giá cao đóng góp của Lê Phổ trong nghệ thuật. Còn việc tranh Lê Phổ đang dẫn đầu bảng trên thị trường nghệ thuật lâu nay, theo tôi, cơ bản, vì chúng đang ở trên một kênh thương mại được điều hành tốt”.

Nói cách khác, nếu thẳng thắn so sánh về sức tác động sáng tạo, tác phẩm của Lê Phổ được đánh giá thấp hơn nhiều tên tuổi còn lại trong 3 bộ tứ, ví dụ như Nghiêm - Liên - Sáng - Phái. Thế nhưng trên thị trường thì “bộ tứ” này còn lâu mới theo kịp về giá của Lê Phổ, một phần người mua có lý lẽ riêng, một phần do xuất hiện quá ít (ví dụ Nguyễn Sáng), hoặc không thường xuyên, một phần do nạn tranh giả tranh nhái lộng hành (ví dụ như Bùi Xuân Phái).

Khi rời Việt Nam để định cư tại Pháp từ năm 1937, bên cạnh chất liệu lụa, Lê Phổ còn dành nhiều thời gian cho sơn dầu, ông vẽ theo trường phái hậu ấn tượng (post-impressionism). Nhìn ở góc độ thị trường, những tác phẩm đẹp của trường phái này thường có giá rất cao.

Bên cạnh đó, để một họa sĩ có nhiều tác phẩm cao giá cũng cần một số yếu tố rất căn bản, như là thói quen xuất hiện tại các phiên đấu giá xa xỉ; như là việc có nhiều tác phẩm đã bán giá cao trên thị trường.


Tính đến tháng 6/2016 tại các phiên giao dịch công khai, tác phẩm "Nhìn từ đỉnh đồi" của Lê Phổ là “vua” giá tranh của mỹ thuật Việt Nam

Nhìn ở các khía cạnh này thì không họa sĩ Việt nào qua mặt được Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí (1908 - 1993), Lương Xuân Nhị (1914 - 2006)… đặc biệt Lê Phổ, ông là tên tuổi ổn định (ít bị tranh giả, tranh nhái) trên thị trường từ nửa thế kỷ nay, đã có trên 20 tác phẩm vượt ngưỡng 150.000 USD.

Một số tranh giá đỉnh của Lê Phổ như Giáng sinh (mực và bột màu trên lụa, 69 x 54,5 cm, năm 1941, bán được 549.636 USD), Sắp Tết (mực và bột trên màu lụa, 60 x 47 cm, 1937, bán hơn 208.000 USD), Hoài cố hương (mực và bột màu trên lụa, 60,5 x 46 cm, 1938, bán hơn 303.000 USD), Thiếu nữ với hoa sen (mực và bột màu trên lụa bọc ván, 44,5 x 35,5 cm, 1939, bán hơn 159.000 USD), Bức màn tía (mực và bột trên màu lụa, 59 x 37 cm, khoảng 1942 - 1945, bán hơn 374.000 USD)…

Tại phiên đấu giá của nhà Christie’s tại Hong Kong cuối tháng 11/2015, nếu tác phẩm của Lương Xuân Nhị có giá khởi điểm trung bình từ 129.588 đến 181.424 USD, Joseph Inguimberty (từ 58.338 đến 77.784 USD), Nguyễn Gia Trí (từ 38.892 đến 51.856 USD), Vũ Cao Đàm (từ 19.446 đến 32.410 USD), thì Lê Phổ đã trung bình từ 259.177 đến 362.847 USD.


Tác phẩm "Người bán gạo" khi xuất hiện tại nhà đấu giá chỉ được định giá dự kiến là 75 USD, nhưng nhanh chóng đạt giá 390.657 USD vì nhiều người nhận ra tác phẩm này của danh họa Nguyễn Phan Chánh, thay vì một họa sĩ vô danh của Trung Quốc như lời giới thiệu

Chỉ là “Hữu xạ tự nhiên hương”

Tất nhiên, một họa sĩ muốn bán được tranh giá rất cao thì không thể trông chờ vào sự hào phóng của thị trường quốc tế, mà phải cần đến sự vững mạnh của thị trường nội địa.

Trong các niên giám về thị trường nghệ thuật do Artprice và AMMA phát hành, các nhà phân tích đã cho thấy trong khoảng 5 năm trở lại đây Trung Quốc đang là nước chiếm đến hơn 40% thị phần toàn cầu. Cụ thể như năm 2012, họ chiếm đến 41% doanh thu trên toàn thế giới, các nước khác như Mỹ chiếm 27%, Anh 18%, Pháp 4%, Đức 2%, Thụy Sĩ 1%, và 7% chia đều cho các thị trường còn lại.

Nếu Lê Phổ thuộc về thị trường nội địa Thụy Sĩ chẳng hạn (đất nước của gần 7,5 triệu người), thì đương nhiên với thanh thế sẵn có, tác phẩm của ông đã đạt giá 1 triệu USD từ lâu rồi.

Một điều quan trọng nữa, trên thế giới hiện có khoảng 4.500 nhà đấu giá quốc tế, với khoảng 108 triệu tác phẩm được mua bán (dẫn theo Artprice), nhưng Việt Nam (với dân số xếp thứ 13 trên thế giới) thì chưa có nhà đấu giá chuyên nghiệp nào để kết nối, bảo chứng, bảo vệ và làm giá cho nghệ thuật Việt.

Nhìn như vậy để thấy những trường hợp đơn lẻ như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh là rất đáng vui, vì có gì đó giống như hữa xạ tự nhiên hương, nhưng cũng rất đáng buồn, vì cơ hội “để làm mưa làm gió” về giá cả trên thị trường vẫn thiếu tiếng nói đồng hành từ nội địa.

(Còn nữa)

Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm