S.O.S trên Đại Tây Dương

19/06/2016 10:09 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/10/1913, tàu chở khách Volturno của Anh cháy không dập nổi, các tàu khác đổ đến cứu chỉ biết bó tay. Nhưng rồi phép màu vẫn hiện ra – nhờ bài học từ thảm hoạ Titanic.  

Chưa đầy 18 tháng

… sau khi Titanic kéo theo hơn 1.500 sinh linh xuống đáy đại dương băng giá, lại một tai nạn nữa tràn đầy các mặt báo: tháng 10/1913, trên boong tàu Volturno xảy ra một bi kịch với nhiều người chết. Trớ trêu thay, số phận bắt những người thoát chết phải cảm ơn thảm họa Titanic.

Ngày 2/10/1913, tàu Volturno nhổ neo ở Rotterdam để bắt đầu hải trình dài dằng dặc đi New York. Không khí trên tàu bịn rịn nước mắt, nhưng cũng chan chứa hy vọng. Hầu hết hành khách là người châu Âu bỏ xứ đi tìm miền đất hứa bên kia cái ao to.

Hoa Kỳ ngày ấy hiện ra như lời hứa về một cuộc sống mới, nơi người ta vục tay xuống suối là tìm thấy vàng và ai chăm chỉ sẽ tìm được khả năng vô biên để thành đạt.


Ngày 2/10/1913 tàu khách Volturno rời Rotterdam đi New York

Tàu đi được một tuần thì hỏa hoạn bùng lên. Francis James Daniel Inch, thuyền trưởng 36 tuổi, đang ở trong cabin thì sĩ quan thứ nhất lao vào và báo có khói cuồn cuộn từ hầm máy bốc ra. Inch lập tức ra lệnh giảm tốc và gọi toàn bộ thủy thủ lên tầng trên, tuy nhiên, không báo cho hành khách biết. “Quá muộn”, sĩ quan thứ nhất nói, “họ biết cả rồi”.

Trên đường đến chỗ cháy thuyền trưởng Inch bắt gặp một hạ sĩ đen nhẻm khói bụi, mặt đầm đìa máu, báo cáo ở thời điểm đó có bốn thợ máy chết cháy và hàng loạt tiếng nổ làm rung chuyển con tàu.

Inch sai phát tín hiệu S.O.S ngay, đồng thời bơm nước biển vào các khoang chứa hàng.

Do lửa liên tục lan rộng, thủy thủ được lệnh thả xuồng cứu hộ và lập tức phải chống lại đám đông chen nhau lấy chỗ trong xuồng. Nhưng ai được chỗ thì cũng không có nghĩa gặp may, vì lệnh thả xuống của Inch là một sai lầm chết người: biển đang động dữ dội vì một cơn bão, chiếc xuồng đầu tiên toàn trẻ em và phụ nữ vừa hạ xuống là bị sóng nuốt chửng ngay tức khắc. Chiếc thứ hai lọt vào dưới mũi tàu đang rướn lên ngọn sóng rồi dập xuống, tất cả mọi người trong xuồng bị nghiền nát.


Tàu Carmania tiếp cận hiện trường đầu tiên, 4 tiếng sau khi nhận được tín hiệu cầu cứu

Lửa ngày càng lan rộng

… khiến hành khách không còn tâm trí đâu để nghe lệnh, họ tự ý thả tiếp các xuồng khác xuống.

Chiếc tàu hơi nước Seydlitz của Đức bắt được tín hiệu cấp cứu của Volturno lúc 9h30, như nhân viên điện đài của tàu Seydlitz ghi lại. Tàu lập tức đổi hướng để tiến hành cứu trợ. “Trước khi thấy tàu, chúng tôi đã thấy cột khói đen ở chân trời”.

Tín hiệu S.O.S còn đến được nhiều tàu khác quanh đó. Tàu Carmania của Anh đến hiện trường sớm hơn Seydlitz 5 tiếng. Sau đó là tàu Grosser Kurfuerst, La Touraine, Minneapolis, Rappahannock… tổng cộng gần một chục tàu tiếp cận chiếc tàu cháy nhờ liên lạc rất tốt qua điện đài.

Thuyền trưởng Carmania nhận nhiệm vụ điều phối chiến dịch cứu hộ. Nhưng tất cả chỉ có thể đậu lại ở khoảng cách ngắn và nhìn ngọn lửa tiếp tục bùng lên, trong khi điện đài liên tục chuyển lời cầu cứu từ Volturno: “Cứu, cứu, còn 550 hành khách trên tàu, và chưa biết tàu sẽ nổ tung lúc nào”.

 Tất cả các thuyền thả xuống đều phải quay về vì sóng quá lớn. “Chúng tôi ứa nước mắt vì bất lực, thật khủng khiếp khi ở gần sát nỗi thống khổ mà không thể ra tay” - nhân viên điện đài của tàu Seydlitz nói hộ tất cả những tàu khác.

Trên tàu Volturno lúc này không còn lời nào tả hết sự hỗn loạn. Một phụ nữ bế con nhảy xuống biển. Một đôi người Pháp chấm dứt tuần trăng mật bằng một nụ hôn rồi tay trong tay nhảy vào sóng dữ. Mấy người Do Thái Nga mở Kinh thánh ra đọc rồi quỳ xuống cầu nguyện trên mặt boong mịt mù khói lửa.    

“Gửi ngay thuyền đến đây, làm gì đó đi!” là câu cuối cùng từ điện đài của tàu Volturno trước khi tắt hẳn. Lửa phun cao đến 20 mét lên không trung.    


Các hành khách của Volturno được tàu Devonian cứu và đem về cảng Liverpool

Trong cơn tuyệt vọng

… các tàu khác  thử thả xuồng cứu hộ lần nữa. Vài chiếc lại được đủ gần để thuyền trưởng Inch cho phép hành khách nhảy xuống biển, không phải tất cả được xuồng cứu hộ vớt lên từ những con sóng lừng lững. Chừng nửa đêm thì gió tắt hẳn và người ta cứu được những hành khách cuối cùng. 6h sáng thì tàu Narranganset chạy dầu đến nơi và lập tức dốc hàng trăm thùng dầu xuống biển, khiến mặt nước lặng hẳn đi - một kinh nghiệm trong hàng hải mang tên “dầu đè sóng”.  

Tổng cộng 136 mạng người bị lửa và nước cướp đi, thảm họa Volturno thuộc về những hỏa hoạn lớn nhất trên mặt biển, dù vậy phải nhìn mặt tích cực là 520 người được cứu thoát, và đó là công lao của kỹ thuật điện đài trong 50 tiếng liền ròng rã. Trước đó 18 tháng, khi con tàu Titanic huyền thoại chìm, gần đó cũng có một số tàu. Nhưng tất cả đều không có máy thu nên không thể bắt được tín hiệu kêu cứu.      

Bài học đầu tiên từ thảm họa Titanic là một cuộc cải tổ toàn diện các tiêu chuẩn về an ninh hàng hải, và Volturno ít nhiều đã hưởng lợi từ đó: quy định bắt buộc trang bị điện đài cho tất cả các tàu thương mại và chở khách, cũng như 24/24 có nhân viên trực máy.

Sau khi cứu hết các hành khách lẫn thủy thủ ướt đẫm và kiệt sức, các nhân viên điện đài còn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng: nhiều gia đình bị lạc nhau, khiến nhân viên điện đài còn phải liên lạc với nhau mấy ngày liền nhằm xác định ai thuộc về nhau, và quan trọng hơn là còn sống không.

“Chưa bao giờ chúng tôi cảm thấy rõ rệt như lúc này sợi dây vô hình nối tất cả tàu bè trên mọi đại dương” là một câu ít nhiều rũ bỏ tính khô khan trong báo cáo về tai nạn sau đó.

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm