Sống chậm cuối tuần: Nhớ 'Bông sen'- nhạc kịch từ tuyến lửa

05/10/2019 07:38 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - (LTS) Việc phục dựng và biểu diễn vở nhạc kịch Người tạc tượng (Đỗ Nhuận) vào tối 5/10 tới tại Nhà hát Lớn Hà Nội đã khơi dậy sự quan tâm của công chúng đối với các sáng tác nhạc kịch của Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là những thập niên 1960, 1970. Tiếp theo loạt bài "3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam" (về các vở Cô sao, Người tạc tượngBên bờ Krông Pa), nhạc sĩ - nhà báo Nguyễn Thụy Kha chia sẻ thêm những tư liệu về một vở nhạc kịch đặc biệt, được sáng tác từ tuyến lửa.

Xem chuyên đề "Sống chậm cuối tuần tại đây"

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 3 & hết): 'Người tạc tượng' - bản anh hùng ca Tây Nguyên

3 nhạc kịch sử thi đầu tiên của Việt Nam (kỳ 3 & hết): 'Người tạc tượng' - bản anh hùng ca Tây Nguyên

Sau nhạc kịch "Cô Sao", ngay từ năm 1966, Đỗ Nhuận đã nghĩ tới một nhạc kịch mới mang âm điệu Tây Nguyên bên cạnh nhạc kịch "Cô Sao" mang âm điệu Tây Bắc. Dự kiến, nếu Tổng tấn công Mậu Thân 1968 toàn thắng, vở nhạc kịch ấy sẽ mang vào trình diễn tại Sài Gòn.

Ngay từ khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, nhạc sĩ Hoàng Việt đã ôm ấp khát vọng muốn viết một vở nhạc kịch ở ngay tại chiến khu R miền Đông Nam Bộ, nhất là sau khi xem nhạc kịch Cô Sao của Đỗ Nhuận. Giữa năm 1967, khi kịch bản văn học vở Bông sen của Nguyễn Vũ hoàn thành, hai nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Hoàng Việt đã cùng nhau biến nó thành một nhạc kịch -nhạc kịch từ tuyến lửa.

Có lợi thế là trước cách mạng, Lưu Hữu Phước đã từng viết vở kịch hát Tục lụy với lời thơ Thế Lữ. Còn Hoàng Việt thì đã tu nghiệp ở nhạc viện Sofia, Bungaria và tốt nghiệp bởi giao hưởng Quê hương độc đáo. Bởi thế, nhạc kịch Bông sen khi được gửi ra miền Bắc đã được chép lại cẩn thận có phần đệm dương cầm và những chỉ dẫn cần thiết về phối âm, phối khí cho dàn nhạc giao hưởng.

Chú thích ảnh
Nhạc sĩ Hoàng Việt và người bạn đời của mình

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận (lúc ấy là Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đã từng chia sẻ: “Giới âm nhạc miền Bắc đón nhận nhạc kịch Bông sen với tất cả tấm lòng trân trọng và trìu mến. Từ miền Nam thân yêu, từ cuộc chiến đấu oanh liệt, trong hoàn cảnh hết sức gian khổ của chiến trường, nhạc kịch này ra đời là một thành tích đáng kể, đánh dấu một bước trưởng thành mới của nền âm nhạc giải phóng về nội dung cũng như về nghệ thuật”.

Nhạc sĩ Văn Chung (Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch) cũng nói: “Sau một thời gian nghiên cứu nhạc kịch Bông sen, toàn thể nghệ sĩ nhà hát chúng tôi xin hứa quyết tâm dựng vở này với tinh thần tổng tiến công và nổi dậy của đồng bào miền Nam ruột thịt”.

Khi ấy, nhạc sĩ Hoàng Việt đã hy sinh ngày 31/12/1967 trong chuyến đi thực tế về Tiền Giang quê mẹ để chuẩn bị viết giao hưởng số 2. Và nhạc kịch Bông sen đã được công diễn từ ngày 20/12/1968 nhân kỷ niệm 8 năm thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam (20/12/1960 - 20/12/1968). Sau đó diễn nhiều đêm suốt mùa Xuân 1969.

Chú thích ảnh
Một trang tổng phổ của nhạc kịch “Bông sen”

Trong pano ghi giới thiệu, người mến mộ thấy đề khá lạ: Nhạc kịch Bông sen. Âm nhạc Lê Quỳnh và Huỳnh Minh Siêng. Lê Quỳnh là bí danh của Hoàng Việt, còn Huỳnh Minh Siêng là bí danh của Lưu Hữu Phước. Kịch bản: Nguyễn Vũ.

Gần như các nghệ sĩ từng làm nhạc kịch Bên bờ Krông Pa đều tiếp tục tham gia dàn dựng nhạc kịch Bông sen. Chỉ có thiết kế mỹ thuật thì Đường Tài thay Bùi Huy Hiếu. Vai chính nam (chiến sĩ giải phóng) thì thay bằng Lê Gia Hội và Quốc Thanh. Vai chính nữ (em gái) thì thay bằng Bích Liên và Huyền Mi. Ngọc Dậu, Viễn Lữ, Bích Loan, Kim Oanh thay nhau trong vai bà mẹ. Sĩ quan Mỹ do Văn Hải và Duy Thông đảm nhận. Sĩ quan Việt Nam Cộng hòa do Đức Lộc và Hoàng Bắc đảm nhận. Lính Mỹ do Quản Thái, Quốc Thái, Đức Ngân đảm nhận.

Khi tiếng hát của em gái và chiến sĩ giải phóng vang lên với nét nhạc uyển chuyển, trong sáng gợi những hình ảnh ruộng đồng phì nhiêu màu mỡ và miền Nam sông nước thì khán giả đã bị thu hút một cách hết sức tự nhiên. Bên cạnh tinh thần quyết thắng, nhạc kịch Bông sen còn muốn nói lên lòng kính yêu của đồng bào miền Nam với Bác Hồ và niềm tin sắt đá vào sự lãnh đạo xuất sắc của Người.

Tháp Mười đẹp nhất bông sen

Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ

Bác dắt chúng con đi

Giành lại tự do

Giành lại cuộc đời

Đầu ngẩng cao làm chủ đất trời

Cho nước Việt Nam no ấm hát cười

Cho nước Việt Nam sen nở ngàn đời

Thật may mắn, nhạc kịch Bông sen đã được công diễn trước mùa Thu Bác Hồ đi xa. Nó như lời ca ngợi tuyệt vời cho hình tượng hoa sen của đất nước Việt Nam.

Vở nhạc kịch 1 màn

Vở nhạc kịch Bông sen có quy mô nhỏ, chỉ có 1 màn và 4 cảnh, nhưng xây dựng theo cấu trúc xuyên suốt. Nó cũng là nhạc kịch đặc biệt, được tác giả hoàn thành từ chiến trường miền Nam. Trong thư gửi nhờ nhà thơ Bảo Định Giang mang từ Trung ương Cục miền Nam ra Hà Nội, Hoàng Việt viết: “Vở Bông sen đã xong tất cả và anh Tư Siêng sẽ gửi ra cùng thư này. Vậy thì năm 1967, tôi viết vở ấy 102 trang piano và 12 bài hát tính từ tuyến lửa Đông Xuân 1966 - 1967 đổ đi”.

Theo nhạc sĩ Lưu Hữu Chí, con trai của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước (tức “anh Tư Siêng”), nhạc sĩ Lưu Hữu Phước được Hoàng Việt “phân” viết 1 bản duo cho nhạc kịch Bông sen. Duo này được Hoàng Việt sử dụng trong nhạc kịch mà không sửa chữa gì cả.

Trong nhạc kịch Bông sen, đáng chú ý là aria dành cho người chiến sĩ và bà mẹ khá ấn tượng. Vở này có đến 5 bản duo, nhiều nhất nếu so với các nhạc kịch Cô Sao, Bên bờ Krông Pa, Người tạc tượng. Hợp xướng trong nhạc kịch này là hợp xướng 4 bè theo phong cách châu Âu.

BM

Nhạc sĩ Hoàng Việt & bản Giao hưởng đầu tiên của Việt Nam

Nhạc sĩ Hoàng Việt tên thật là Lê Chí Trực, sinh năm 1928 tại Chợ Lớn, quê nội tại huyện Phước Lễ, tỉnh Bà Rịa, quê mẹ tại huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Ông được nhiều người biết đến qua các ca khúc: Lá xanh, Lên ngàn, Nhạc rừng, Tình ca…

Năm 1954 ông tập kết ra Bắc, năm 1956 học Trường Âm nhạc Việt Nam và năm 1958 ông du học ở Nhạc viện Sofia (Bungaria), tại đây ông đã viết Giao hưởng Quê hương - tác phẩm được xem là liên khúc giao hưởng đầu tiên của Việt Nam, với quy mô đồ sộ, mang tính sử thi đánh dấu bước tiến của giao hưởng Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp nhạc viện Sofia, ông trở về Việt Nam và năm 1966, ông vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, cũng thời gian này ông hoàn thành nhạc kịch Bông sen trước khi hy sinh tại làng Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) vì bom B52 của Mỹ (ngày 31/12/1967).

PV

Nguyễn Thụy Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm