Sơn Tùng bất chấp tất cả để thu hút đám đông khổng lồ?

05/08/2016 07:57 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Những lùm xùm lại tiếp tục nổ ra với MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng M-TP và bất chấp những tranh cãi, ca khúc này vẫn tìm được đường đến với công chúng với lượng view đạt kỷ lục, 6 triệu lượt trên YouTube trong vòng 2 ngày.

Nhưng sự thành công của ca khúc này có vén thêm bức màn tài năng của Sơn Tùng lên cao hơn cho công chúng thấy? Hay thật sự, chuyện tài năng bây giờ không quan trọng bằng chuyện bất chấp mọi thứ để thu hút đám đông khổng lồ?

1. V-Pop không phải là không có những trường hợp như Sơn Tùng, rằng, họ không phải không biết cách làm ra một sản phẩm mới hoàn toàn nhưng lại không có sự tự tin. Đã từng có rất nhiều ca sĩ khi giới thiệu một sản phẩm mới đều dựa vào một tham khảo, tham chiếu nào đó.

Trường hợp của Sơn Tùng là sẽ cảm thấy thoải mái hơn, cảm thấy tốt hơn khi dựa trên những material (chất liệu) mà người khác đã làm. Nhặt chỗ này một tí, nhặt chỗ kia một ít.


Sơn Tùng M-TP

Bởi bản thân âm nhạc của Sơn Tùng đến giờ vẫn chưa có cái riêng. Đó là một kiểu K-Pop pha trộn được Việt hóa. Về mặt hình ảnh đó là sự sao chép K-Pop. Còn về mặt âm nhạc là một thứ âm nhạc K-Pop được Sơn Tùng M-TP biết hóa giải nguyên bản và kết hợp “hài hòa”. Tất nhiên cũng có những sáng tạo cá nhân của Tùng nhưng bảo Sơn Tùng là V-Pop cũng không đúng, mà bảo anh là K-Pop lại cũng chẳng đủ yếu tố xác định đúng chất.

Tựu trung, đó là một phong cách mang tính nhặt nhạnh, tạo ra một thứ âm nhạc dễ nghe, chiều tai. Đó là đặc trưng của âm nhạc Sơn Tùng.

Nhưng chính sự mải mê nhặt nhạnh và sao chép như thế đã dẫn đến việc Sơn Tùng quên đi chuyện tạo ra chất riêng của mình. Và Tùng nghĩ rằng cái mà mình đang theo là theo trào lưu và có một lượng fan kinh hoàng như thế thì cần gì phải sáng tạo hơn?

Điều này giống như trường hợp của nhiều ca sĩ có tiếng khi họ có một lực lượng fan hùng hậu thì chẳng có lý do gì họ cần phải đổi mới âm nhạc của mình. Họ sợ thứ âm nhạc mới mà họ làm ra sẽ mang tính thử thách fan. Cho nên những người khi đã có một lượng fan hùng hậu như vậy, họ sẽ tạo ra một comfort zone (vùng an toàn). Với Tùng, comfort zone của anh chính là âm nhạc K-Pop được Việt hóa. Vì điều ấy đang là trendy (xu hướng) và giới trẻ thì lại rất dễ cuốn theo.

Chính vì thế, ở vùng an toàn của mình, Sơn Tùng chỉ cần dựa trên những điều mà người khác đã làm hoặc đang đi. Nếu bảo Sơn Tùng làm điều mới hoàn toàn, không hề vay mượn, cóp nhặt từ bất cứ ai, một sáng tạo hoàn toàn mới, thì sẽ là điều bất khả thi với khả năng của Sơn Tùng.   

Âm nhạc của Sơn Tùng không có gì là mới mẻ nhưng cũng khó có thể nói đó là một sự sao chép trắng trợn.

Sơn Tùng M-TP đang đi trên dây với 'Chúng ta không thuộc về nhau'?

Sơn Tùng M-TP đang đi trên dây với 'Chúng ta không thuộc về nhau'?

Bài hát 'Chúng ta không thuộc về nhau' của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã gây sốt nhiều chiều. Như nhiều bài hát trước đây của anh, cứ mỗi lần ra mắt lại là một lần ồn ào, trường hợp này cũng không là ngoại lệ.


2. Những ồn ào vừa qua có thể xem là một hình thức marketing. Tùng và ê kíp của mình đã chọn cách như thế để có thể “bán” sản phẩm. Mà nói một cách đường phố, gọi là “gây sự đám đông, kích thích cuồng nộ”. Trước đây Sơn Tùng cũng đã từng gây chú ý khi ra mắt MV Âm thầm bên em, một bài hát có thể được xem là “sạch” nhất của anh với cách PR khá nhiều chiêu trò hút khách. Nhưng Âm thầm bên em lại không nổi bằng những bài “có vấn đề về đạo beat” của Sơn Tùng trước đó.

Những gì đang xảy ra với Chúng ta không thuộc về nhau cho thấy Sơn Tùng và ê kíp của mình đã quay về với cách tiếp thị “truyền thống”, nhắc đến Sơn Tùng là phải nhắc đến đạo nhạc. Và chỉ có “chiêu” này mới có thể khuấy động đám đông và khiến đám đông phát cuồng.

Sơn Tùng có biết anh đang đứng giữa hai làn đạn? Quá hiểu. Nhưng điều tôn chỉ mà Sơn Tùng và ê kíp của mình muốn hướng đến trong chiến dịch này là gì? Chính là view. Chỉ trong vòng 2 ngày, lượt nghe của MV này trên YouTube đã đạt ngưỡng 6 triệu. Sơn Tùng đang phá kỷ lục của chính mình, dù anh đã gần như ở ẩn suốt gần 7 tháng qua.

Đây được xem là “mục đích biện minh cho phương tiện”, chỉ cần đạt được điều popular (phổ thông) và bất chấp những cách thức khác để có thể đạt được mục đích của mình.  

Nhưng khái niệm hành vi “mục đích biện minh cho phương tiện” ít khi nào được cổ vũ. Không thể nhân danh những điều tốt đẹp để làm những chuyện khó coi. Đó là một kiểu tư duy ngụy biện.

Trước đây, việc tạo ra một scandal để hâm nóng dư luận trước khi tung ra một sản phẩm mới của một ca sĩ nào đó được chú ý rất nhiều nhưng rồi đã nguội lạnh bởi công chúng không bị mắc lừa. Những câu chuyện về sex, tình ái… giờ không còn kích thích đám đông như chuyện “đạo nhạc”. Bởi thế giới đã phẳng hơn và đám đông rất nhạy cảm với những đề tài như “đạo nhạc” và nếu đánh thẳng vào sự nhạy cảm đó, sẽ gây ra xung đột.

Với trường hợp Sơn Tùng, qua bao nhiêu sản phẩm anh đã giới thiệu vài năm qua, Sơn Tùng gần như bị mặc định là “có vấn đề” về chuyện sao chép âm nhạc nên khi “bài” này vẫn còn chưa cũ thì vẫn có thể sử dụng.

Cho dù vẫn ghi nhận những nỗ lực vươn lên của Sơn Tùng, tài năng là có và cả những sáng tác “sạch” của anh cũng đáng được hoan nghênh nhưng về mặt hiệu quả đã cho thấy, những điều ấy không “mạnh” bằng những bài hát “có vấn đề” mang tính kích thích đám đông khổng lồ để nhảy vào mổ xẻ.

Và khi đám đông ấy phát cuồng, thì sự chán chường lại nổi lên.

Màu sắc âm nhạc của Sơn Tùng

Khi Thể thao & Văn hóa đặt câu hỏi cho nhiều chuyên gia âm nhạc, ai cũng lắc đầu. Họ bảo rằng điều này làm họ chán, chán khi phải nói đi nói lại một điều quá cũ. Còn một điều nữa, gặng hỏi mãi, họ mới trả lời: Rằng họ sợ, họ sợ khi cuộc sống bình thường của mình bị một đám đông ùa vào chửi bới.

“Màu sắc âm nhạc của Sơn Tùng ư? Đó chính là công chúng của anh ấy!” - một nhạc sĩ trẻ yêu cầu giấu tên, trả lời.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm