10/12/2011 06:33 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Hôm qua (9/12), Nhà hát Lớn Hà Nội và Quảng trường Cách mạng tháng Tám đã được Bộ VH,TT&DL trao bằng công nhận Di tích kiến trúc và lịch sử đặc biệt cấp quốc gia trong Lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội (1911-2011).
Đây được coi là dịp khẳng định niềm tự hào, nét đẹp văn hóa của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung trong việc coi trọng, ý thức gìn giữ và phát huy giá trị công trình văn hóa, kiến trúc, đặc biệt trong quá trình Việt Nam hội nhập với thế giới.
Lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội nhận bằng công nhận Di tích kiến trúc…
Nôi văn hóa từ thời thuộc địa
Nhà hát Lớn là một công trình tiêu biểu cả về kiến trúc và không gian của nền kiến trúc thuộc địa. Đây là một không gian văn hóa, cái nôi hình thành khá nhiều bộ môn nghệ thuật hiện đại phương Tây và cũng đã tạo nên được một nền nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Nó là một không gian lịch sử không chỉ ở bề dày 100 năm mà nó nằm trong toàn bộ cảnh quan của một Hà Nội phát triển ở thời thuộc địa, là một điểm nhấn trong toàn bộ tổng quan về kiến trúc thuộc địa ở khu vực này.
Sau khi người Pháp xâm chiếm nước ta và biến Hà Nội thành một vùng nhượng địa để xây dựng một thành phố theo kiểu phương Tây thì một trong những công trình điểm nhấn được coi là quan trong nhất bên cạnh con đường Rue Paul Bert (đường Tràng Tiền bây giờ) chính là Nhà hát Lớn”.
Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng trước tiên để đáp ứng cho nhu cầu của cộng đồng cư dân người Âu, hoặc những thị dân Hà Nội đã bị Âu hóa thời bấy giờ. Trước kia, cộng đồng người Âu thường sinh hoạt nghệ thuật trong một rạp tạm ở đền Bà Kiệu với các tiết mục mang phong cách châu Âu. Sau đó người ta biết đến địa điểm thứ hai là trường Thanh Quan ở phố Hàng Cót, vốn là Nhà hát Ta-cu (rue Takou) của Hoa kiều.
Người Pháp khi quy hoạch lại thành phố họ đã mua lại nhà hát này để phục vụ cho chính họ. Tuy nhiên, Nhà hát Ta-cu không gian rất nhỏ và nhất là quy hoạch Hà Nội lúc bấy giờ đòi hỏi phải có một công trình quy mô, làm điểm nhấn nên năm 1900, Nhà hát Lớn có quyết định xây dựng. Đến năm 1901 mở phiên đấu thầu và được khởi công ngày 7/6/1901, hoàn thành ngày 9/12/1911 với tổng chi phí lúc bấy giờ vào khoảng 2 triệu franc (bằng 1/3 kinh phí xây cầu Long Biên)”.
Nhà hát Lớn Hà Nội năm 1955
Nơi hội tụ nguồn lực văn hóa Việt
Nhà hát Lớn không chỉ là cái nôi văn hóa mà còn là di tích cách mạng đã từng chứng kiến rất nhiều sự kiện sôi động và quan trọng của bước chuyển đổi lịch sử. Đó là lần biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng nhân dân Hà Nội mà đỉnh cao là cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám. Trung tâm hoạt động trong Tuần lễ vàng cũng diễn ra ở đây với biểu thị lòng yêu nước của những người giàu bằng việc góp của cải của mình cho cách mạng. Rồi những ngày lễ trọng của dân tộc cũng được tổ chức tại khuôn viên nhà hát mà tiêu biểu nhất nhưng có lẽ ít người nhắc đến nhất chính là lễ giỗ Đức Thánh Trần ngày 25/9/1945 (tức ngày 20/8 Âm lịch).
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng nói: Nhà hát Lớn Hà Nội là nơi thể hiện tất cả sự sang trọng của nền văn hóa hiện đại Việt Nam. Với thời gian lịch sử 100 năm, Nhà hát Lớn đã có một tác động vào trong đời sống và làm thay đổi đời sống văn hóa của Việt Nam trên cơ sở của sự phát triển, giao lưu giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa thế giới.
Nhà hát Lớn đã tồn tại 100 năm qua và chắc chắn sẽ còn tồn tại lâu dài. Nó mãi mãi vẫn là điểm nhấn về mặt kiến trúc, là một di tích về mặt lịch sử và vẫn tiếp tục là nơi văn hóa hiện đại Việt Nam giao lưu với bạn bè thế giới. Tất cả những ý nghĩa ấy làm cho nhà hát Lớn thực sự là nơi hội tụ nguồn lực văn hóa của chúng ta ở thủ đô Hà Nội!
Xứng đáng là di sản văn hóa Việt Nam “Nhà hát Lớn Hà Nội, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, đã vượt lên chức năng và giá trị tự thân của một công trình văn hóa để trở thành một trong những hình ảnh, biểu tượng quen thuộc, không thể thiếu của Hà Nội. 100 năm trường tồn cùng Hà Nội, ngày nay Nhà hát Lớn cùng không gian Quảng trường Cách mạng tháng Tám được chính thức công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Nhà hát Lớn xứng đáng được tôn vinh là một trong những di sản văn hóa của Việt Nam”. (Phát biểu của Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh tại buổi lễ kỷ niệm 100 năm Nhà hát Lớn Hà Nội) |
Huy Thông
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất