22/02/2023 14:15 GMT+7 | Thế giới Sao
Son Heung Min, ngôi sao bóng đá hàng đầu châu Á đang chơi bóng cho câu lạc bộ Tottenham ở Ngoại hạng Anh, một lần nữa trở thành đối tượng của nạn kỳ thị chủng tộc. Tottenham đã phản ứng rất gay gắt với việc này, đã có những yêu cầu về sự thay đổi.
Son Heung Min đã ghi bàn thắng thứ hai cho Tottenham trong chiến thắng 2-0 trước West Ham vào Chủ nhật, đưa câu lạc bộ lên vị trí thứ tư trên bảng xếp hạng Premier League. Anh ghi bàn chỉ bốn phút sau khi vào sân thay người trong trận derby London diễn ra trên sân vận động Tottenham Hotspur. Nhưng chuyện đáng buồn xảy ra ngay sau đó. Son trở thành nạn nhân của kỳ thị chủng tộc trên mạng xã hội.
Phản đối
"Chúng tôi đã được biết về hành vi phân biệt chủng tộc trực tuyến cực kỳ đáng trách nhắm vào Son Heung Min trong trận đấu hôm nay", Tottenham cho biết trong một tuyên bố trên Twitter. "Chúng tôi đứng về phía Sonny và một lần nữa kêu gọi các công ty truyền thông xã hội và chính quyền hành động".
Đây không phải lần đầu tiên ngôi sao người Hàn Quốc bị kỳ thị chủng tộc trong thời gian chơi bóng ở Anh. Cảnh sát London đã tiến hành các cuộc truy quét trên khắp nước Anh và xứ Wales vào tháng 5 năm 2021 và bắt giữ 12 người đàn ông vì kỳ thị chủng tộc với Son Heung Min. Hành vi kỳ thị diễn ra sau trận Tottenham thua 1-3 trước MU ngay trên sân nhà. Những người này bị phạt hành chính, phải viết thư xin lỗi Son Heung Min. Câu lạc bộ MU xác định trong số những người này có những người đã mua vé mùa của MU. Họ quyết định hủy vé, cấm vào sân ở mùa giải sau.
Năm 2020, sau trận Tottenham thắng Man City 2-0 ở vòng 25 Ngoại hạng Anh, Son đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Sky Sports. Khi thực hiện phỏng vấn, Son đã hai lần ho nhẹ. Ngay lập tức, trên mạng xã hội xuất hiện những bình luận ác ý nhắm vào tiền đạo người Hàn Quốc. "Virus corona đã tới Tottenham rồi", hay "Son Heung Min cho thấy anh ta có biểu hiện của virus corona"…
Năm ngoái, một nghiên cứu được thực hiện bởi Hiệp hội cầu thủ bóng đá và bóng rổ đã tiết lộ rằng các ngôi sao thể thao đã phải hứng chịu hàng trăm bình luận "lạm dụng", bao gồm các bài đăng phân biệt chủng tộc và "ngôn ngữ đe dọa hoặc bạo lực".
Nghiên cứu cho biết việc lạm dụng như vậy có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thành tích của các vận động viên.
Các tổ chức lên tiếng
Sự cố kỳ thị chủng tộc trực tuyến với Son Heung Min được đưa ra một tuần sau khi Brentford cho biết tiền đạo Ivan Toney của họ đã bị lạm dụng trên mạng xã hội sau khi ghi bàn vào lưới Arsenal ở Premier League.
Thừa nhận cả hai sự cố, cơ quan chống phân biệt chủng tộc trong thể thao "Kick It Out" kêu gọi các bên có thẩm quyền phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để cấm các bình luận xấu xa được đăng trực tuyến và nhanh hơn trong việc xóa nội dung mang tính xúc phạm. Họ cũng muốn dự luật An toàn Trực tuyến mới do chính phủ đề xuất có thể cung cấp cho cảnh sát và Cơ quan Công tố Vương quốc Anh những cách dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều để trấn áp những kẻ phạm tội.
"Các công ty truyền thông xã hội càng mất nhiều thời gian để hành động hoặc chính phủ càng mất thời gian để thông qua dự luật an toàn trực tuyến thì càng có nhiều cầu thủ sẽ bị kỳ thị. Có phải các cầu thủ sẽ bị kỳ thị trong khi chúng ta chờ đợi cải cách? Cầu thủ không nên là nạn nhân, họ cần được bảo vệ trực tuyến tốt hơn và đây là lý do tại sao cần phải nhanh chóng thay đổi". Không rõ chính xác có bao nhiêu tin nhắn phân biệt chủng tộc đã được đăng sau trận đấu của Tottenham. Tất cả đã được gỡ bỏ vào sáng thứ Hai. Khi được yêu cầu bình luận, người phát ngôn của Meta, công ty sở hữu Instagram và Facebook, đã giới thiệu cho các nhà báo một hướng dẫn được phát hành trước thềm World Cup năm ngoái, về cách công ty bảo vệ các cầu thủ bóng đá trên các ứng dụng của mình. Trong số các tính năng an toàn, bao gồm tắt yêu cầu gửi tin nhắn trực tiếp, giới hạn người có thể nhận xét về bài đăng và ẩn một số từ hoặc cụm từ xúc phạm nhất định.
Khánh Đan
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất