Bản quyền Ngoại hạng Anh tại Việt Nam: Đôi co qua lại

15/04/2016 06:36 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - VNPayTV nhất quyết với phương án mua chung trong khi K+ quyết định đàm phán riêng bởi “nếu không có bản quyền Ngoại hạng Anh sẽ lỗ nặng”. Mọi việc sẽ phải chờ tiếng nói từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngày 12/4, Công ty TNHH Truyền hình số Vệ tinh Việt Nam (VSTV, đơn vị sở hữu thương hiệu K+) gửi thông cáo báo chí, bày tỏ nỗi lo ngại sẽ lỗ nặng nếu không giành được bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh 3 mùa từ 2016 đến 2019.

TGĐ Lê Chí Công cho hay VSTV đã đưa ra nhiều phương án kinh doanh như có bản quyền Ngoại hạng Anh, không có bản quyền Ngoại hạng Anh và có bản quyền Ngoại hạng Anh nhưng không độc quyền để phân tích tính toán. Kết luận, nếu không đầu tư mua bản quyền Ngoại hạng Anh, trong khi các nội dung khác chưa đủ mạnh, lại phải cạnh tranh với các đơn vị truyền hình cáp đã có bề dày hoạt động hơn 20 năm và các đơn vị viễn thông có tiềm lực tài chính và tập khách hàng rất lớn thì chắc chắn VSTV sẽ thâm vốn.

"Đây cũng chính là lý do tại sao VSTV là đơn vị sốt sắng nhất trong việc mua bản quyền Ngoại hạng Anh. Mỗi doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình và chúng tôi ý thức sâu sắc được điều này”, TGĐ Lê Chí Công chia sẻ.

Bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam: MP&Silva từ chối đề nghị của VNPay TV

Bản quyền giải ngoại hạng Anh tại Việt Nam: MP&Silva từ chối đề nghị của VNPay TV

MP&Silva, đơn vị được cấp phép sở hữu bản quyền giải ngoại hạng ba mùa giải 2016-2019 tại Việt Nam đã chính thức từ chối các đề nghị của Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPay TV).


Một ngày sau khi VSTV công khai lo lỗ nếu không có bản quyền Ngoại hạng Anh, MP&Silva, Công ty đang nắm bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, gửi công văn tới Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV), cho biết sẽ không bán cho Ban đàm phán (được lập ra bởi 10 đài khác nhau). Lý do mà công ty có trụ sở tại Anh đưa ra là “quy định của Ngoại hạng Anh không được bán cho liên minh”. MP&Silva kêu gọi VNPayTV để cho các đài truyền hình được quyền đàm phán riêng lẻ.

MP&Silva không tiết lộ mức giá cụ thể nhưng khẳng định việc tăng là chuyện tất yếu. Công ty này còn viện dẫn bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Thái Lan, Singapore, Australia cao hơn tại Việt Nam dù dân số của các quốc gia này thấp hơn. Dường như họ quên mất rằng thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia này đều bỏ xa Việt Nam. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 của Việt Nam là 2.052 USD, trong khi đó Singaporelà 56.287 USD, Malaysia là 10.830 USD, Thái Lan là 5.561 USD...

Ngay sau khi nhận công văn của MP&Silva, VNPayTV đã có báo cáo gửi Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông về việc mua bản quyền truyền hình Giải ngoại hạng Anh 2016-2019 tại Việt Nam. Theo báo cáo, nếu nhà cung cấp bản quyền MP&Silva không chấp nhận đàm phán qua Ban đàm phán, các đơn vị thống nhất không mua và khai thác bản quyền Ngoại hạng Anh, trước hết là mùa giải 2016-2017. Báo cáo cho biết đến thời điểm này không có đơn vị truyền hình trả tiền nào đề xuất phương án và nhu cầu mua Ngoại hạng Anh 2016-2019 theo đề nghị của VNPayTV. Riêng chỉ có K+ đề xuất được đàm phán riêng lẻ nhưng cũng không có đề xuất cụ thể là sẽ mua bao nhiêu, giá thế nào.

Thái Lan không ngại mất Ngoại hạng Anh

Tương tự tại Việt Nam, bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh tại Thái Lan cũng chưa được chốt. TrueVisions, đài truyền hình lớn nhất Thái Lan, cho biết đang đàm phán thuận lợi với BeIn Sports. Tuy nhiên, họ đã lên phương án nói không với Ngoại hạng Anh nếu bị đẩy giá quá cao.

“Nếu đổ bể đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh, đó cũng không phải là vấn đề lớn. Chúng tôi đã ký hợp đồng bản quyền truyền hình với Toyota Thai Premier League và đây có thể là giải pháp giúp đài sống ổn”, giám đốc nội dung của TrueVisions Attaphon Na Bangxang chia sẻ.

Năm 2013, TrueVisions từng chủ quan, để mất bản quyền Ngoại hạng Anh. Tuy nhiên, đài truyền hình lớn nhất Thái Lan cũng chỉ mất 1% khách hàng. Họ vẫn sống khoẻ bằng việc chú trọng vào các môn thể thao quốc nội.


Song Ngọc
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm