Hà Nội: Cần sớm khắc phục tình trạng xếp hàng xin xác nhận F0

03/03/2022 18:33 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 tại địa bàn Hà Nội tăng chóng mặt, lên tới trên 10.000 ca mỗi ngày. Từ 18 giờ ngày 1/3 đến 18 giờ ngày 2/3, Sở Y tế Hà Nội xác nhận trên địa bàn thành phố ghi nhận 15.114 ca.

Dịch Covid-19 ngày 3/3: Cả nước thêm 118.790 ca mới, tỉnh Hải Dương và Thái Bình bổ sung 57.360 F0

Dịch Covid-19 ngày 3/3: Cả nước thêm 118.790 ca mới, tỉnh Hải Dương và Thái Bình bổ sung 57.360 F0

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Số ca mắc tăng, kéo theo áp lực lớn cho các trạm y tế cơ sở trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho bệnh nhân, khiến người dân mệt mỏi, đồng thời gia tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh do tập trung đông người, trong đó có không ít F0. Người dân mong mỏi, thành phố Hà Nội cùng các bộ, ngành liên quan sớm có giải pháp khắc phục tình trạng xếp hàng rồng rắn để xin xác nhận F0.

Hình ảnh người dân đứng lẫn lộn với F0 xếp hàng dài chờ xét nghiệm nhanh để xác nhận mắc hoặc khỏi COVID-19 diễn ra ở nhiều trạm y tế đã gây nhiều lo ngại về nguy cơ lây nhiễm và khiến người dân bức xúc vì phải chờ đợi lâu, thậm chí phải đi lại nhiều lần mới hoàn thành các thủ tục xác nhận.

Thực tế những ngày gần đây, nhiều người dân phản ánh việc gọi điện ra trạm y tế phường để khai báo y tế, thông báo xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 rất khó khăn. “Con trai tôi phát hiện dương tính SARS-CoV-2 ngày 28/2 nhưng gọi điện thoại cho trạm y tế phường đến chục cuộc không được. Sau phải nhờ người ra tận nơi đề nghị mới được nhân viên y tế yêu cầu gửi clip kết quả test nhanh và hướng dẫn thực hiện các thủ tục nhưng đến giờ cũng chưa nhận được quyết định cách ly”, chị Huyền Nga, phường Trung Văn (Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Câu chuyện của chị Huyền Nga không phải là cá biệt mà rất nhiều người gặp phải khi số lượng ca F0 tăng cao nhưng các trạm y tế quá thiếu nhân lực.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế hướng dẫn người dân khai báo thủ tục xét nghiệm. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Nói về nguyên nhân của những bất cập trong việc đáp ứng y tế cho bệnh nhân, khiến người bệnh kêu ca, phàn nàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mê Linh Nguyễn Kiến Dụ cho biết, do số ca F0 tăng mạnh trong những ngày gần đây nên các trạm y tế quá tải. Trong khi đó, các công việc như: xác nhận tình trạng dương tính, đã điều trị khỏi bệnh, tham mưu quyết định cách ly cho bệnh nhân đều phải có chữ ký của Trạm trưởng Trạm Ytế. Hơn nữa, Trạm trưởng Trạm Ytế thường là bác sĩ, người tư vấn, hướng dẫn điều trị tốt nhất cho bệnh nhân, nhất là bệnh nhân nặng, nhưng do phải giải quyết quá nhiều thủ tục hành chính nên không còn thời gian tư vấn, hướng dẫn cho bệnh nhân nữa, khiến người bệnh kêu ca, phàn nàn. 

Để giải quyết bất cập trên, huyện Mê Linh đã có giải pháp tháo gỡ bằng việc bố trí thêm trạm y tế lưu động. Các trạm y tế lưu động do Phó Chủ tịch xã điều hành, chủ yếu giải quyết các thủ tục hành chính cho bệnh nhân F0. Từ khi áp dụng cách làm để trạm y tế lưu động xác nhận các thủ tục hành chính, bước đầu tháo gỡ cảnh F0 xếp hàng chờ đợi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Trạm y tế lưu động số 1 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân trước khi hết cách ly, điều trị. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Còn về lâu dài, theo ông Nguyễn Kiến Dụ, việc ra các quyết định cách ly F0, F1 như hiện nay cũng cần sửa đổi. Nếu như trước đây các quyết định này là phù hợp thì trong điều kiện bình thường mới chỉ cần khuyến khích người dân tự cách ly mà không cần phải có quyết định cách ly. Việc xác nhận ốm cho bệnh nhân mắc COVID-19 cũng chỉ cần xác nhận 1 lần như bệnh ốm bình thường và thời gian là 7 ngày, chứ không cần phải quay lại xác nhận âm tính như hiện nay.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, căn cứ vào các quy định của cấp trên, Sở Y tế thành phố có ban hành văn bản số 415/SYT- NVY về việc hướng dẫn đối với người mắc COVID-19 là người lao động điều trị tại trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung), thì y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 ký xác nhận vào vị trí “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”.

Chú thích ảnh
Người dân phải tự mang bộ kit đến xét nghiệm ở Trạm y tế lưu động số 1 xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Ảnh: Hoàng Hiếu - TTXVN

Còn đơn vị chủ quản là trung tâm y tế quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào Giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu. Do quy định này, người bị mắc COVID-19 muốn được hưởng các chế độ bảo hiểm sẽ phải có Giấy chứng nhận có chữ ký của người thẩm quyền.

Trường hợp, khi thanh toán mà trong hồ sơ không có Giấy chứng nhận của cấp có thẩm quyền với chữ ký đã được thống nhất giữa liên ngành Y tế và Bảo hiểm thì cán bộ bảo hiểm sẽ không thể duyệt và chi trả tiền cho người hưởng.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thông tin thêm, trong thẩm quyền, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các bộ phận chuyên môn, cơ quan bảo hiểm cấp quận, huyện, thị xã thực hiện ngay, sớm đối với những hồ sơ của người F0 có nhu cầu thanh toán các chế độ hiện hành.

Ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, thời hạn giải quyết tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ. Do đó, Bảo hiểm xã hội thành phố cố gắng xem xét rút ngắn thời gian để giải quyết chế độ cho các F0 sớm hơn quy định.

Việc các F0 được hưởng các chế độ theo quy định của Luật Lao động là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, dịch COVID-19 xuất hiện bất ngờ, kéo dài lại xảy ra với nhiều người, ở diện rộng, dẫn tới số lượng người cần xác nhận dương tính hoặc âm tính với SARS-CoV-2 rất lớn, nhất là đối với đô thị xấp xỉ 10 triệu dân như Hà Nội.

Do vậy, các cơ quan chức năng, cũng như thành phố Hà Nội cần sớm có những giải pháp cắt giảm các thủ tục xác nhận liên quan, tạo điều kiện cho người dân hưởng các chế độ theo luật định, nhưng cũng không để các cá nhân, tổ chức trục lợi, làm thất thoát ngân sách nhà nước.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm