'Siêu' đề án đào tạo tài năng nghệ thuật: Nói lại chuyện… đã nói mãi

20/09/2016 14:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 1341/QĐ-TTg - Phê duyệt đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Nhân dịp này, ngoài việc tìm hiểu rõ hơn về đề án từ Vụ Đào tạo của Bộ VH,TT&DL, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần muốn đề cập đến sự cần thiết của thiết chế văn hoá để Đề án mang tính khả thi cao và nêu một vài gương tiêu biểu trong việc bôn ba học tập nơi xứ người của các tài năng âm nhạc hàn lâm.

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là tin vui đối với giới văn hóa nghệ thuật nói chung. Tuy nhiên, để đề án mang tính khả thi cao nó rất cần một thiết chế văn hóa và lực lượng công chúng tương thích.

Đối tượng của đề án nêu trên là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trong cả nước thuộc 7 lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc và Sáng tác văn học.

Đề án này sẽ chọn lọc các học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội tại các cơ sở đào tạo hiện nay, các học sinh này sẽ được đào tạo với chương trình được đầu tư riêng.

Trong thời gian từ 2017 đến 2021, học sinh, sinh viên thuộc đề án này ngoài việc học trong nước, hàng năm, đề án cử trung bình 5 tài năng ở mỗi lĩnh vực đi thực tập ngắn hạn (không quá 6 tháng) ở nước ngoài. Từ năm 2021 trở đi phấn đấu hàng năm chọn 7 tài năng tốt nghiệp xuất sắc (thuộc 7 lĩnh vực) cử đi đào tạo cao cấp ở trong nước và nước ngoài.


Dàn nhạc Giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM, nơi “dung thân” cho các tài năng nhạc hàn lâm

Mục tiêu của đề án là: “Phấn đấu đến năm 2025, tuyển sinh và đào tạo được khoảng 1.800 sinh viên đại học; trên 200 sinh viên cao đẳng và khoảng 1.500 học sinh trung cấp theo học các lớp tài năng thuộc các lĩnh vực, ngành đào tạo của Đề án”.

Cần phát triển các thiết chế văn hóa tương thích

Có thể thấy, đến năm 2025 chưa biết chất lượng đào tạo như thế nào, nhưng số lượng như nêu trên cùng với nguồn nhân lực được đào tạo vốn có hàng năm, số lượng học sinh sinh viên tốt nghiệp là khá nhiều.

Tuy nhiên điều đáng quan tâm là các thiết chế văn hóa có được xây dựng tương thích với sự phát triển nguồn nhân lực để tạo môi trường cho các tài năng được đào tạo trong nước hoạt động nhằm phát huy hết nguồn lực mà nhà nước phải tốn rất nhiều kinh phí để đào tạo.

Ở lĩnh vực âm nhạc hàn lâm, bên cạnh việc xây dựng những thiết chế văn hóa như các nhà hát, dàn nhạc… thì việc xây dựng công chúng âm nhạc - đối tượng để các thiết chế văn hóa đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của họ - cũng là vấn đề rất quan trọng và đây là việc gần như ngoài tầm đối với Bộ VH,TT&DL.

Ở các nước phương Tây, công chúng âm nhạc hàn lâm khá đông đảo vì vậy một thành phố có nhiều nhà hát, nhiều dàn nhạc và rất nhiều nhóm tam tấu, tứ tấu được hình thành, điều đó cũng đồng nghĩa là có rất nhiều nơi để những người tốt nghiệp nhạc hàn lâm hành nghề.

Còn với Việt Nam chúng ta thì rất khác, hiện nay ở Huế, TP.HCM và Hà Nội, 3 địa phương là nơi trú ngụ của các nhạc viện thì: Thành phố Huế chưa có dàn nhạc giao hưởng; TP.HCM có duy nhất một Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch; Hà Nội thì khá hơn, có Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (ngoài Hà Nội và TP.HCM không có tỉnh thành nào có nhà hát giao hưởng, nhà hát opera, dàn nhạc giao hưởng).

Tuy nhiên, để có một suất làm việc trong các nhà hát, dàn nhạc này là điều không dễ dàng, bởi nhà hát, dàn nhạc chỉ “mở cửa” đón nhận thành viên mới chỉ khi nào có nghệ sĩ của họ… về hưu.

Mặc khác, các dàn nhạc, nhà hát chúng ta đã ít, nhưng tần suất biểu diễn lại thưa thớt, ví dụ Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM định kỳ mỗi tháng diễn 3 buổi, có năm kinh phí eo hẹp chỉ diễn 2 buổi/ tháng.

Trong khi đó ở các nước châu Âu và Mỹ, bên cạnh việc có nhiều dàn nhạc, nhà hát thì bản thân mỗi đơn vị này cũng có tần suất biểu diễn dày đặc (có đơn vị diễn 20 buổi/ tháng).

Vì vậy, nếu mục tiêu của đề án là đào tạo những nghệ sĩ tài năng trên lĩnh vực biểu diễn, sáng tác và giảng dạy, thì con đường đến với lĩnh vực biểu diễn, sáng tác của các tài năng là quá hẹp. Học xong không biết sẽ đi về đâu.

Tìm “miền đất hứa” ngoài học bổng Nhà nước

Với con đường quá hẹp để tìm một công việc sau khi ra trường, và việc gần như “tuyệt vọng” khi đợi học bổng của Nhà nước, một số tài năng nhạc hàn làm Việt Nam có khả năng họ đã tìm đường đi ra nước ngoài để hoạt động, một số khác, bằng khả năng tự túc, hoặc tự tìm học bổng để ra nước ngoài học và ở lại luôn nước ngoài để làm việc.

Tại TP.HCM thời gian qua có khá nhiều sinh viên học sinh xuất thân từ Nhạc viện TP.HCM đi ra nước ngoài học và làm việc ở nước ngoài như: Nguyễn Hữu Nguyên, Nguyễn Hữu Khôi Nam (violon, Pháp), Trần Hữu Quốc (violon, Hàn Quốc), Hoàng Tuấn Cương (violon, Đức), Hoàng Linh Chi (violon, Tây Ban Nha), Nguyễn Quốc Trường (violon, Mỹ), Bích Trà (piano, Anh), Văn Hùng Cường (piano, Mỹ)…

Cũng cần ghi nhận rằng trong rất nhiều trường hợp “xuất ngoại” thì có một số trường hợp “hồi hương” rất đáng trân trọng. Ở TP.HCM hiện nay có: nghệ sĩ Lê Hồ Hải, trưởng khoa piano Nhạc viện TP.HCM (du học Pháp), nghệ sĩ TăngThành Nam (violon) và Phạm Vũ Thiên Bảo (viola) - cả hai người đều du học Pháp trở về…

 Đặc biệt là nghệ sĩ clarinette Đào Nhật Quang, anh tốt nghiệp đại học ở Nhạc viện Tchaikovsky và cao học ở Nhạc viện Glinka, sau đó về làm giảng viên tại một nhạc viện ở Hàn Quốc.

Năm 2008 anh trở về Việt Nam đầu quân vào Nhà hát giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP.HCM. Điều đặc biệt là theo chân anh còn có người bạn đời Hàn Quốc Cho Hae Ryong - nghệ sĩ opera. Cả Đào Nhật Quang và Cho Hae Ryong hiện là solist của nhà hát.  

Ngoài ra, việc “chảy máu tài năng” cũng là điều để chúng ta suy nghĩ. Đơn cử như Nhạc viện TP.HCM tuyển chọn học sinh năng khiếu sơ cấp, rồi đào tạo hết bậc trung cấp. Sau đó một Nhạc viện nước ngoài đến tặng một học bổng du học (bậc đại học) cho những học sinh xuất sắc, gần như 100% những trường hợp này sau khi học xong họ ở lại bản quốc để làm việc, bởi ở đó môi trường làm việc, chế độ đãi ngộ được xem là ưu việt, chẳng ai muốn trở về Việt Nam.

Chúng ta vui mừng vì có những tài năng âm nhạc hàn lâm việc Nam có điều kiện phát huy khả năng của mình, được làm việc trong môi trường nghệ thuật khá lý tưởng. Tuy nhiên, chúng ta cũng ngậm ngùi với “công anh bắt tép nuôi cò” của mình.

Sự đầu tư mất cân đối?

Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” chủ yếu là đào tạo tài năng đỉnh cao nhạc hàn lâm, mà không có lĩnh vực nhạc nhẹ. Chúng ta không phản đối việc đào tạo tài năng đỉnh cao nhạc hàn lâm, nhưng cũng không thể không quan tâm đến lĩnh vực nhạc nhẹ - lĩnh vực gần như bao trùm sinh hoạt âm nhạc xã hội hiện nay.

Lĩnh vực âm nhạc này đang phát triển tự phát, không có sự đào tạo căn cơ. Phải chăng chúng ta đang tập trung đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực mà nhu cầu xã hội rất ít và thả lỏng mảng âm nhạc được xem là bao trùm đời sống âm nhạc xã hội hiện nay. Và phải chăng hiện tượng đạo nhái trong nhạc nhẹ làm nhức nhối công luận thời gian qua cũng do việc nó không được đào tạo căn cơ?

Đón đọc kỳ 2: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai

Hải Long
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm