Ca khúc 'Tiến về Hà Nội': Dự đoán tài tình của nhạc sĩ Văn Cao

04/10/2014 14:02 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều thập niên qua, những lời ca hào hùng, lãng mạn trong bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao vẫn được hát lên đầy tự hào trong những dịp lễ lớn, đặc biệt là trong kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô. Đã 65 năm trôi qua đây vẫn là bài hát hay nhất viết về sự kiện này.

Nhạc sĩ Văn Cao, ngoài những sáng tác bất hủ, thì nhiều ca khúc của ông gắn liền với những cột mốc quan trọng của dân tộc. Nếu ca khúc Mùa Xuân đầu tiên được sáng tác sau ngày giải phóng miền Nam gần một năm thì Tiến về Hà Nội lại sáng tác trước khi bộ đội về giải phóng thủ đô (10/10/1954) đến 5 năm và bài hát này đã có những tiên đoán thần kỳ, bởi ngày trở về tiếp quản thủ đô với những hình ảnh không khác gì “kịch bản” mà Văn Cao đã vẽ ra trong Tiến về Hà Nội: “Trùng trùng quân đi như sóng/Lớp lớp đoàn quân tiến về/Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/Cờ ngày nào tung bay trên phố”...

Ra đời ở làng Đào Xá...

Bài hát này được thai nghén khi Văn Cao đang ở Việt Bắc, lúc ấy trung ương triệu tập ông đến dự buổi họp về tình hình chiến sự, chủ trương chuẩn bị tổng phản công và giới văn nghệ sĩ được giao nhiệm vụ có những sáng tác phục vụ cho kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc tổng phản công. Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về Khu 3 tiếp tục công tác và phổ biến chủ trương của trung ương.

Nhạc sĩ Văn Cao nhớ lại trong một bài viết “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.


Nhạc sĩ Văn Cao

Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: Những ca khúc của cậu khiến tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô, những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội, nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!

... Đêm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến với tôi...”.

Nếu như Tiến quân ca được sáng tác trên một căn gác nhỏ ở Hà Nội thì Tiến về Hà Nội lại được viết trong nỗi nhớ tại làng Đào Xá cách xa thủ đô 50 cây số.

Nhiều người dân ở làng Đào Xá, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) vẫn nói rằng nhạc sĩ Văn Cao sáng tác bài này ở ngay đình làng. Thông tin này thật sự chưa biết đúng sai đến đâu nhưng sau này nhạc sĩ Văn Cao có kể lại rẳng trong một đêm Thu, bầu trời trong vắt đầy sao, không gian ngập tràn ánh trăng và dậy mùi lúa ngậm đòng. Sáng tác xong: “Mình đánh thức Tạ Tỵ dậy và hát cho hắn nghe. Tạ Tỵ sướng quá chồm lên: Hay! Hay quá. Moa để toa đi thông báo cho mọi người”.

Và “tung bay” trên phố Hà Nội

Tạ Tỵ là người được nghe đầu tiên nhưng bản hùng ca này được cất lên đầu tiên bởi đội thiếu nhi của làng Đào Xá, chính họ được Văn Cao dạy hát bài này và còn nhiều người trong số họ vẫn còn sống như ông Đào Văn Tục và bà Tạ Thị Trực.

Tiến về Hà Nội nhanh chóng trở thành ca khúc được yêu thích bậc nhất khi đó. Bản hùng ca với những ca từ hào hùng, lạc quan, tin tưởng đem lại cho người nghe một hy vọng lớn lao. Những hình ảnh như “Trùng trùng quân đi như sóng”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”, “Cờ ngày nào tung bay trên phố”... trở thành ước nguyện của nhiều người và 5 năm sau Văn Cao trở thành người dự đoán thần kỳ. Tất cả những gì xảy ra đều ứng với những gì Văn Cao đã sáng tác và linh cảm.

Mới đây nhà thơ - nhà báo Tân Linh kể lại trên một tờ báo rằng chính ông đã hỏi Văn Cao làm sao tác giả lại có thể viết trước ngày giải phóng những... 5 năm? Nhạc sĩ Văn Cao đã trả lời: “Giấc mơ ngày đất nước hòa bình độc lập ám ảnh tâm trí. Tiến quân ca tôi viết như một khát vọng vùng lên của cả dân tộc, lúc ấy đất nước đang rối ren, thù trong giặc ngoài, cách mạng chưa thành công, giặc đói hoành hành thì ai cũng mơ có ngày dân tộc đứng lên giải phóng. Rồi thì bài Tiến về Hà Nội được viết  trong những đêm dài gian khó của kháng chiến, chỉ mơ một ngày toàn thắng để nhân dân hưởng hòa bình độc lập, vợ chồng, cha con, anh em được đoàn tụ, yên vui...”.

Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng và Tiến về Hà Nội gần như trở thành “quốc ca” cho ngày trọng đại này. Tuy vậy trước khi nó được công nhận chính thức thì chính bản thân tác giả cũng nhiều lần bị chỉnh huấn vì cho rằng đã “lạc quan tếu”. Mãi tới ngày giải phóng thủ đô, Tiến về Hà Nội mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi.

Tuy vậy, trong ngày tiếp quản thủ đô, tác giả của ca khúc này lại không thể có mặt vì bận đi công tác.

Đến nay, hầu như chưa một ca khúc viết về ngày giải phóng thủ đô vượt qua được Tiến về Hà Nội, một bản hùng ca đầy khí thế, oai hùng, lãng mạn và cả tài tiên đoán của “chàng Trương Chi” Văn Cao.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm