Sôi sục vì một bữa cơm lành: Thứ để ăn và thứ đem bán

08/05/2016 12:17 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Những bó rau xanh non ngoài chợ có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật? Các loại thịt, cá có bị nhiễm vi sinh vật, lạm dụng hóa chất, kháng sinh? Đây đang là những câu hỏi day dứt, ám ảnh bữa cơm hàng ngày của người dân cả nước.

Các cơ quan chức năng đã nhận diện vấn đề và đang thể hiện quyết tâm trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, đổi mới sản xuất nông nghiệp và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người nông dân, những người đang trực tiếp sản xuất những sản phẩm này cũng là nhân tố quan trọng để giải quyết triệt để vấn nạn "thực phẩm bẩn".

Để ăn và đem bán

Vấn nạn về mất vệ sinh an toàn thực phẩm đang làm “đau đầu” cả Chính phủ cùng các cơ quan chức năng địa phương. Đến cả người chịu trách nhiệm lớn nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải nói lời xin lỗi về những phát biểu gây hiểu nhầm của mình về an toàn thực phẩm.


Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn Võ Hoàng Thân ở xã Vĩnh Ngọc, thành phố Tuy Hòa được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vay vốn và chuyển giao kỹ thuật sản xuất, phát huy hiệu quả. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, nếu bỏ qua khâu yếu kém trong quản lý Nhà nước, thì người nông dân, cơ sở sản xuất cũng phải chịu trách nhiệm về ý thức, quy trình sản xuất của mình khi cố tình vì lợi nhuận mà bỏ quan sức khỏe người tiêu dùng. Thực trạng nông sản, thủy sản bị lạm dụng hóa chất, các loại thuốc bảo vệ thực vật tràn lan là minh chứng cụ thể cho lập luận này.

Thực tế cho thấy, không thiếu tình trạng nhiều hộ nông dân phân loại nông sản theo 2 cách: để ăn và đem bán. Trên cùng mảnh đất nuôi trồng, 2 khoảng diện tích “để ăn” và “đem bán” được phân biệt rất rõ ràng trong quá trình gieo trồng. Khu “để ăn” mặc định không hề có thuốc trừ sâu, phân hóa học hay phụ gia dinh dưỡng. Dù còi cọc, xấu mã, năng suất thấp nhưng lại được ưu tiên dùng làm thức ăn cho gia đình.

Khu còn lại, được chăm bón cẩn thận, đầu tư thuốc ngoại, đắt tiền, xanh tốt, tăng trưởng nhanh gấp nhiều lần thì được dành đem bán, mang lại giá trị kinh tế. Với họ, điều quan trọng là gia đình vẫn dùng thực phẩm sạch. Còn với người tiêu dùng, mặc dù thừa hiểu nông sản bày ngoài chợ thường được chăm bón “cẩn thận” với cách lớn lên “nhân tạo” nhưng “khuất mắt trông coi” và thực sự rất khó có thể nhận biết đâu là đồ sạch, đâu là thực phẩm bẩn để có cơ hội chọn lựa.


Hộ nông dân nuôi tôm hùm Hoàng Mạnh Hưng ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu là hộ nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, 2 năm liền được nhận Bằng khen của TƯ Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Chính cách làm, cách hiểu ấy là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều hàng hóa nông nghiệp nước ta không đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường nhập khẩu.

"Vì sao nhiều nước nhập khẩu thực phẩm của chúng ta lại thường tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo tại Việt Nam về an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời còn hỗ trợ về sản xuất sạch? Đó là vì họ sợ thực phẩm nhập khẩu từ nước ta có nhiều nguy cơ bị lạm dụng hóa chất, phụ gia và các chất kháng sinh" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã thẳng thắn bày tỏ như vậy trong một cuộc họp bàn về an toàn thực phẩm.

Một lý do khác, là điều kiện thuận lợi dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tràn lan trong sản xuất, nuôi trồng chính là bởi lý do quá dễ dàng trong mua bán những loại phụ gia này.

Qua kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có đến 5,17% mẫu rau nhiễm chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép. 1,91% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu chất cấm, kháng sinh vượt giới hạn cho phép. 15,4% mẫu thịt vi phạm chỉ tiêu về vi sinh vật gây bệnh. 7,27% mẫu thủy sản vi phạm các chỉ tiêu về hóa chất, kháng sinh cấm và vượt giới hạn cho phép. Đây là những số liệu báo cáo từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 42/63 tỉnh/thành phố về kết quả giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên rau và chất cấm, kháng sinh trong thịt, thủy sản trong đợt cao điểm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp từ tháng 10/2015 đến thời điểm hết tháng 2/2016.


Tôm hùm lồng nhà anh Hoàng Mạnh Hưng ở phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu là hộ nông dân sản xuất giỏi của tỉnh, 2 năm liền được nhận Bằng khen của TƯ Hội Nông dân Việt Nam. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Những con số trên là "đáng giật mình" về thực trạng an toàn thực phẩm, tuy nhiên vẫn còn nhiều băn khoăn về tình hình thực tế vì đây mới là "phần nổi của tảng băng chìm". Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng cũng cho rằng, ông không tin tưởng vào số liệu báo cáo của các bộ ngành vì "tình trạng là rất báo động, tràn làn, chứ không thể chỉ là con số 5% - 6% thực phẩm bẩn".

Manh mún trong sản xuất

Về thực trạng sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tâm tư: “Chúng ta muốn có rau, thịt an toàn mà lại có hàng triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ nên không thể quản lý được".

Đồng thời giải pháp mà Bộ trưởng Phát đưa ra là cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy hình thành các chuỗi sản xuất, mô hình sản xuất lớn. "Nhưng quan trọng hơn là hành động, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương. Phải đưa nông dân vào hợp tác xã để hướng dẫn họ thực hiện theo VietGAP, GlobalGAP, kết nối với doanh nghiệp phân phối” - Bộ trưởng Phát nói.

Bộ trưởng Phát cho biết thêm, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung giải pháp vào một số vấn đề trọng tâm, nhức nhối hiện nay như: lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau; tình trạng thịt nhiễm vi sinh do khâu giết mổ, buôn bán, lạm dụng chất cấm, kháng sinh trong chăn nuôi và các phụ gia trong chế biến; tồn dư chất kháng sinh trong hàng thủy sản.


Hộ nông dân Hồ Thị Mỹ Tuyết ở thôn Trung Lương 2, xã An Nghiệp, huyện Tuy An là hộ nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của tỉnh 4 năm liền. Ảnh: Vũ Sinh – TTXVN

Trong thời gian tới, 3 mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng tới là: Thứ nhất, tiến tới chấm dứt sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; Thứ hai, kiểm soát cơ bản việc buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo quản vì nếu cắt đứt được nguồn cung là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo an toàn vệ sinh trong sản xuất thực phẩm. Thứ ba là kiểm soát sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản. Theo Bộ trưởng Phát, đây đang là những vấn đề lớn, tràn lan trong sản xuất nông nghiệp, do đó, cần có sự phối hợp, hỗ trợ của các Bộ, ngành và địa phương trong triển khai 3 mục tiêu này.

Tăng cường các mô hình sản xuất sạch

Trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với nông - thủy sản, Hội Nông dân phối hợp với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở các tỉnh, thành phố cũng đã vào cuộc, xây dựng các mô hình chăn nuôi đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, v ới chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người nông dân, trong những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã tập trung giám sát việc sản xuất, buôn bán và sử dụng các loại vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Bên cạnh đó, Hội đẩy mạnh tuyên truyên cho cán bộ hội viên kiên quyết đấu tranh, phát hiện và báo với cơ quan chức năng những trường hợp sử dụng chất cấm trong sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.

Ông Lại Xuân Môn cũng cho biết, vừa qua, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã triển khai việc ứng dụng công nghệ vi sinh, các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như môi trường sống. Sau hơn một năm, thử nghiệm chế phẩm sinh học Biowish ở 38 tỉnh trên cả nước đã đạt kết quả rất cao. Hơn 600 mô hình các loại như nuôi lợn, bò, gà, thuỷ hải sản, trồng trọt lúa, măng tây, ngô, rau sạch… đem lại lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước khi chưa áp dụng dùng chế phẩm sinh học Biowish, đồng thời đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Cả xã hội sôi sục vì bữa cơm lành

Cả xã hội sôi sục vì bữa cơm lành

Chưa bao giờ, nỗ lực vì một bữa cơm lành, một bữa cơm không thực phẩm bẩn lại trở thành một quyết tâm to lớn của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội như thời gian này.


Như mô hình chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Trọng Long, hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội), chỉ sau 5 tháng thử nghiệm ứng dụng chế phẩm sinh học Biowish trên đàn lợn hơn 200 con, tổng số ngày nuôi đã giảm trung bình từ 10 - 15 ngày, đặc biệt dư lượng kháng sinh cũng như các loại vi khuẩn có hại trong thịt đã giảm tối đa, chất lượng thịt đảm bảo đủ các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm ở các thị trường khó tính nhất.

Theo Trung ương Hội Nông dân, những mô hình này sẽ được chuẩn hóa và tiếp tục hỗ trợ áp dụng cho nhiều địa phương, qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ và sử dụng hóa chất trong chăn nuôi, đặc biệt với các hóa chất tạo nạc bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở Việt Nam như: salbutamol, clenbuterol, chất vàng ô...

Xuân Tùng - Đỗ Bình/TTXVN

Còn tiếp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm