Số ca mắc COVID-19 tăng: Việc tiêm mũi vắc xin tăng cường có quan trọng?

13/04/2023 18:16 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Theo các chuyên gia, chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi tăng cường cần hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ gồm người già, người mắc bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch…

Thông tin từ  Bộ Y tế, trong 7 ngày vừa qua (từ 05/4 đến 11/4/2023), cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc COVID-19 mới, trung bình có 90 ca mắc mới mỗi ngày, tăng 3,8 lần so với 7 ngày trước đó; trong đó nhóm từ 50 tuổi trở lên ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2% số mắc mới).

Trong ngày 12/4, số ca mắc mới đã tăng lên 261 ca. Trước đó, ngày 11/4, số ca mắc mới ghi nhận là 183 trường hợp, ngày 10/4 là 113 và ngày 8/4 là 122.

Nhiều người dân lo lắng khi thông tin dịch COVID-19 quay trở lại, nhiều người dân cũng hoang mang không biết có nên tiêm vắc xin mũi nhắc lại hay không?

Trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho hay việc số ca mắc COVID-19 tăng trở lại là hoàn toàn bình thường, nguyên nhân là do số mắc nhập cảnh chiếm gần 50%. Thêm nữa là do người dân buông lỏng việc tuân thủ 2K (khẩu trang và khử khuẩn).

"Dịch còn tức là còn người mắc. Người nhiễm và người tiếp xúc không mang khẩu trang, không rửa tay thì lây nhiễm gia tăng là đương nhiên. Các nhà khoa học đã chứng minh biến thể Omicron rất dễ lây", PGS Việt Hùng phân tích.

COVID-19 tăng cao trở lại: Việc tiêm mũi vắc xin tăng cường có quan trọng? - Ảnh 1.

Chiến lược tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi tăng cường cần hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ. Ảnh: Lê Liên

PGS Hùng phân tích tiếp, khác biệt lớn nhất hiện nay về bệnh nặng và tử vong thấp (so với thời gian đầu của dịch) không phải do tiêm vắc xin mà là do độc tính của SARS-CoV-2. Chủng Delta trước kia có độc lực cao, thường xâm nhập sâu vào các cơ quan chức năng của cơ thể, ngoài gây viêm phổi còn gây suy đa phủ tạng. Hậu quả là tử vong cao. Chủng Omicron hiện nay chủ yếu gây bệnh ở đường hô hấp trên (mũi họng), vì vậy mà dễ mắc nhưng bệnh nhẹ, giống cúm.

"Các dữ liệu 1 năm qua (khi xuất hiện chủng Omicron và đẩy mạnh viêm vắc xin) cho thấy hầu hết (90-95%) người nhập viện vì COVID-19 đã được tiêm nhiều mũi vắc xin. Thực tế tôi đã gặp nhiều trẻ em không tiêm vắc xin COVID-19, khi mắc bệnh đều nhẹ. WHO và CDC khuyến nghị không tiêm liều vắc xin tăng cường cho những người khỏe mạnh, sức khỏe bình thường. Chúng ta đang rất may mắn và thật đáng mừng vì qua giám sát thấy SARS-CoV-2 dù thường xuyên biến đổi nhưng có xu hướng ngày càng vô hại", PGS Hùng cho hay.

Chính vì thế, PGS Hùng nhấn mạnh việc tiêm vắc xin COVID mũi tăng cường nên nghiên cứu, hướng tới bảo vệ nhóm nguy cơ (người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch…).

Để phòng tránh COVID-19 hiện nay, PGS Hùng cho biết thay vì 5K như trước, chúng ta nên tuân thủ 2K (mang khẩu trang và khử khuẩn tay, khử khuẩn bề mặt môi trường), vì 2 biện pháp này luôn cần và rất hữu ích cho sức khỏe mọi người.

"Phòng COVID-19 là tuân thủ đúng 2K, nhưng 2K còn phòng ngừa cả trăm bệnh lây nhiễm khác", PGS Hùng nói.

PGS Hùng cũng nhấn mạnh rằng tại thời điểm hiện nay, nói hết dịch COVID-19 là không đúng, nhưng hoàn toàn chính xác và cần thiết sớm gỡ bỏ "Đại dịch", "tình trạng khẩn cấp". Chống dịch quan trọng nhất là thời điểm. Hiện nay dịch còn nhưng không đe dọa nhiều tới tính mạng người dân, không gây ảnh hưởng đặc biệt tới đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất của người dân. Nếu tiếp tục đặt dịch COVID-19 là đại dịch, là tình trạng khẩn cấp thì lợi bất cập hại. Vẫn biết, chúng ta còn tiếp tục kiểm soát và phòng ngừa không chỉ với COVID-19 mà với nhiều dịch bệnh khác.

Mộc Trà

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm