Hà Lan: Không lời biện minh. Chỉ còn những câu hỏi...

19/06/2012 12:22 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH) - Không có một lời biện hộ nào được chấp nhận cả, không một lời an ủi nào có thể làm nguôi ngoai đi nỗi buồn mà người Hà Lan đang gánh chịu. Đội bóng đã rời EURO khi không ngẩng mặt lên nổi trong cả ba trận với một bộ mặt nhợt nhạt đến mức vô bản sắc, một sự phản bội lớn lao về niềm tin với các CĐV...



Hà Lan thua là đáng - Ảnh Getty

Đấy không phải là một đội bóng vì nó quá thiếu tính tổ chức và gắn kết mà sự thể hiện nghèo nàn về chuyên môn với 3 trận toàn thua chỉ là hệ quả đương nhiên. Van Marwijk đã không thể tìm được chiếc “phanh” để ngăn chặn sự suy sụp của cả đội mà người ta đã mường tượng ra ngay sau trận đầu tiên gặp Đan Mạch. Khi hầu như tất cả các mắt xích quan trọng nhất của Hà Lan đều gây thất vọng thì đó không hẳn vì điểm rơi phong độ của họ đồng loạt kém đi mà tinh thần đồng đội, kéo theo tinh thần chiến đấu của cả đội đang bất ổn.

Tại sao sự sụp đổ lại diễn ra theo cách tệ hại nhất, chóng vánh nhất khi Hà Lan đang được đánh giá là ƯCV vô địch với lực lượng, sự ổn định về HLV và phong độ các ngôi sao (tại CLB) vẫn đang ổn? Tại sao các học trò của Marwijk lại tái phát căn bệnh truyền thống là sự hục hặc trong nội bộ, phơi bày với truyền thông vào đúng thời điểm này? Phải chăng chỉ một thất bại trước Đan Mạch đã làm dậy sóng phòng thay đồ của Hà Lan. Nếu vậy, vai trò của van Marwijk đâu?

Việc trao chiếc băng đội trưởng cho một người không còn đảm bảo về chuyên môn nữa đã làm giảm đi tiếng nói chung cho cả đội lúc khó khăn. Van Bommel bị thay bởi van der Vaart, người cũng phàn nàn với báo giới về việc không được đá chính trong trận gặp Bồ Đào Nha. Anh chơi tốt, nhưng để thành thủ lĩnh lối chơi của một tập thể rệu rã thì quá sức.Việc van Marwijk không dám “xử lý” những học trò manh nha gây ra sự xáo trộn trong đội chứng tỏ ông đã rất bị động trong khâu chuẩn bị trước giải. Seedorf bảo van Persie đang phải gánh trách nhiệm quá nhiều và không còn là chính mình. Nhưng trong hệ thống vận hành của van Marwijk với 4 cầu thủ tấn công, ai cũng phải thực hiện một phần việc quan trọng như nhau và chịu áp lực ngang bằng. Đổ hết tội lỗi lên đầu van Marwijk là việc đơn giản, kể cả sa thải ông. Nhưng các công thần của Hà Lan cũng nên tự xem lại mình. Không thể cứ không hài lòng điều gì là cao giọng. Vậy kỉ luật ở đâu và sức mạnh tập thể làm sao tồn tại nổi?

Chẳng có gì đáng tiếc!

Chưa bao giờ Hà Lan dự một giải lớn mà không kiếm nổi một điểm nào ở vòng bảng (lần gần nhất Hà Lan bị loại khỏi vòng bảng EURO là năm 1980, nhưng vẫn có điểm). Chuyên môn và tinh thần đều thảm hại. Một chương đen tối bậc nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan đã được van Marwijk và đội quân của mình viết ra, nhưng chẳng có lí do nào để tiếc nuối.

Thực sự thì Hà Lan đã có những khoảng thời gian chơi bóng không tồi. Gần 20 phút đầu trận gặp Bồ Đào Nha là ví dụ. Họ chơi pressing với sự nhiệt tình của một người sắp mất tất cả mà bàn thắng rất đẹp của van de Vaart là sự tưởng thưởng. Nhưng chỉ có vậy và sự thực vẫn được phơi bày: Cự ly đội hình rời rạc, tuyến giữa gần như không tồn tại khi Hà Lan như chia đội hình ra 2 tuyến, tinh thần bạc nhược và căng thẳng, hàng thủ thì vẫn tệ và luôn bị hỗn loạn. Khi tuyến sau đã quen với việc thủ bằng số đông, việc van de Vaart thay van Bommel đã khiến họ như đá thiếu người và chống trả BĐN yếu ớt, khi Afellay thay Willems, việc thua thêm là chuyện dễ hiểu. Suy giảm thể lực không thể là lí do chủ yếu vì không nhiều ngôi sao của van Marwijk phải căng mình ở cả giải VĐQG lẫn Champions League. Vậy thì sự suy giảm niềm tin vào người thầy, vào đồng đội để rồi đến một lúc, Hà Lan không còn tin vào chính mình nữa mới là lí do chính dẫn đến cuộc chia tay tủi hổ này.

Thật lạ là các siêu sao như Sneijder, van Persie, Robben hay van de Vaart đều không phải là những người có cá tính lớn. Cái kiểu có tài có tật không hẳn là hiện hữu ở trong mỗi con người này. Sự giận dỗi rất trẻ con của Robben hay việc Huntelaar vùng vằng là điều mà van Marwijk không khó để biết trước, nhưng ông không dập tắt đi “đám cháy” nội bộ này. Vẫn biết Hà Lan có sự hạn chế về chất lượng phòng ngự, nhưng 2 năm qua không phải ngắn mà van Marwijk chỉ tổ chức một đội bóng phòng thủ như nghiệp dư đến vậy thì quả là thất vọng. Phòng ngự quá yếu làm Hà Lan mất đi thế chủ động chiến thuật và khi tấn công, họ phô bày nhược điểm trong phối hợp bóng ngắn rất rõ ràng.

Nhưng tại sao lúc nào nội bộ Hà Lan cũng hay có rắc rối? Đây không hẳn chỉ là vấn đề quản trị một đội bóng nữa mà là câu chuyện của cả nền bóng đá hay rộng hơn là chuyện văn hóa ứng xử giữa con người với nhau, mà giải quyết êm thấm tất cả trong một thời gian ngắn tập trung đội tuyển dường như là chuyện quá tầm với một HLV.

Vậy thì có thay Marwijk cũng chỉ là giải quyết cái ngọn?

Hoàng Anh

Những kẻ chiến bại đã nói gì?

+HLV Marwijk

“Tôi đã biết rằng với màn trình diễn này, sẽ rất khó để lọt vào tới Tứ kết. Tôi đã hi vọng rằng chúng tôi có thể mang tới một màn trình diễn khác giống như 2 năm trước tại World Cup. (Nhưng) Khi bạn nhìn lại độ tuổi của toàn đội, bạn sẽ hiểu chúng tôi không thể làm được bất kì điều gì tốt hơn. Chúng tôi chỉ có thể tự trách cứ chính bản thân mình.

+Van De Vaart:

“Chúng tôi chơi không đủ tốt. Đó là một màn trình diễn rất tệ của đội bóng. Đó là lý do tại sao chúng tôi không vượt qua được vòng bảng. Bạn đã biết đó là trận đấu cực kì khó khăn. Sau bàn thắng của chúng tôi, họ (Bồ Đào Nha) mới là đội chơi tốt hơn. Còn chúng tôi lại tỏ ra quá tệ. Thất bại này thực sự là một nỗi thất vọng, nhất là với các CĐV Hà Lan.

+Robben:

“Những vấn đề bên trong đại bản doanh phải được xem xét ở phòng thay đồ. Tôi thực sự không muốn nói về điều đó. Đáng nhẽ tôi phải lên xe bus ngay lập tức nhưng tôi phải ở đây, đứng trước máy quay vì đó là một phần của công việc. Chúng tôi đã thất bại. Đây là thời điểm mà các cầu thủ nên tự vấn lại mình trước gương. Tất cả chúng tôi đều phải làm vậy, cá nhân cầu thủ lẫn toàn bộ đội bóng. Chúng tôi bị loại khỏi giải đấu lớn với 3 thất bại và đó là sự thật rất khó để chấp nhận. Thực sự là một chiến lược thảm hại.”


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm