Ông Hồng Thanh vào Đà Nẵng

07/07/2011 13:04 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chuyến vào Đà Nẵng lần này với ông Hồng Thanh vô cùng quan trọng, bởi tất cả những gì đã lấy của ông nhiều khả năng sẽ được trả lại cho ông, ngay tại Chi Lăng đáng nhớ.

Vang bóng một thời

Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, SLNA cực thịnh. Đấy là thời điểm bộ ba Nguyễn Hồng Thanh- Nguyễn Hoàng Thụ-Nguyễn Thành Vinh còn chụm lại với nhau. Các tuyến trẻ của đội bóng xứ Nghệ cũng tưng bừng và hầu như không có đối thủ ở lứa U21.

Nhiều đoàn cử cán bộ cắp cặp ra Vinh để học theo mô hình làm bóng đá, đặc biệt công tác đào tạo trẻ của SLNA. Tất cả những mối quan hệ liên quan đến đội bóng ở tầm vĩ mô, vai trò của ông Nguyễn Hồng Thanh đều bật lên. Ngay mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên, ông cũng là người quyết hết việc cầu thủ nào được cho mượn. Thời đó, dù các đội phải chi cho SLNA phí đào tạo không nhiều, nhưng cũng là những món quà ban tặng với nhiều cầu thủ đã lớn tuổi hoặc không có suất đá chính trong bối cảnh nhân tài bóng đá xứ Nghệ luôn dư thừa. Mối quan hệ giữa ông với cầu thủ do đó khăng khít hơn.

Chuyến vào Đà Nẵng lần này của ông Thanh sẽ rất đáng nhớ

Ông Thanh có nhiều chuyến đi lớn trong đời bóng banh, trong đó phải kể đến VCK U16 châu Á năm 2000 tại Đà Nẵng. Đấy là VCK mà các cầu thủ nhí, chủ yếu là U16 SLNA, đã tạo nên một cơn địa chấn, biến sân Chi Lăng thành lễ hội bóng đá một đi không trở lại với thánh địa này, ở phương diện tổ chức các giải đấu  lớn. Hàng loạt số phận từ Chi Lăng dạo ấy đã đổi đời. Tất nhiên, trong vai trò Trưởng đoàn đội bóng quân số đều đậm đà chất Nghệ, ông Thanh đã nổi như cồn, bản thân VFF cũng rất hãnh diện và biết ơn những gì ông Thanh đã làm được cho bóng đá Việt Nam thời điểm đó.

Và ân oán với bóng đá Đà Nẵng

Khi chưa xảy ra “binh biến” ở SLNA, mối quan hệ giữa SLNA và Đà Nẵng thuộc dạng keo sơn. SLNA đã chi viện tối đa cho người anh em đá các giải trẻ. Mỗi lần vào Đà Nẵng, ông Thanh là thượng khách. Ông có thói quen ngồi quây quần với một vài người bạn ở quán cà phê trên đường Ngô Gia Tự. Khán giả Đà Nẵng chỉ thiếu “há hốc” miệng ngồi nghe ông Thanh nói chuyện bóng đá. Thực tế thời điểm đó, SLNA đủ tư cách để dạy bóng đá cho Đà Nẵng.

Nhưng sau khi SLNA tan tác, “Khổng Minh xứ Nghệ” đầu quân cho HN.ACB, mối quan hệ giữa 2 đội cũng nhạt dần. Người Đà Nẵng, trong đó có vài chiến hữu rất thân gặp thời, cũng ngoảnh mặt khi ông Thanh thất thế. Đúng là cuộc đời, mấy ai nghĩ rằng chỉ mấy năm trước đó ông Thanh đã đối xử rất có chất với bóng đá Đà Nẵng. Có thể cảm nhận rất rõ sự thiếu nồng nhiệt mỗi lần ông vào đây. Vị thế của “Khổng Minh xứ Nghệ” nhạt nhòa hẳn. Mà riêng gì họ Nguyễn, SLNA kéo quân vào cũng nhiều phen bị Đà Nẵng gây khó dễ, từ chuyện thuê sân đến nhờ đặt khách sạn.

Thế nên, khi SLNA châu về hợp phố, đa số trên băng ghế chỉ đạo vẫn là người xưa thì lãnh đội 2 bên đều xem nhau như người dưng. Cầu thủ thì khỏi phải nói, riêng SLNA đã coi SHB.ĐN là “đối thủ truyền kiếp”.

Năm ngoái, ông Hồng Thanh vào Đà Nẵng, SLNA thắng nhưng chỉ có ý nghĩa sướng. Còn lần này, đây là trận tử chiến đúng nghĩa, nếu hòa hoặc thắng thì SLNA chỉ còn tính đến sẽ vô địch trước mấy vòng. Nhưng nếu thua, thì họ sẽ bị thế “2 đánh 1”, rất khó vô địch. Kịch bản đó xảy ra thì vị trí nào cũng không còn ý nghĩa với SLNA.

Ông Thanh đã vào Huế cùng đội từ ngày 4/7. Chủ Nhật đá thì thứ Bảy họ mới vượt đèo vào Chi Lăng. Đây là trận đấu ngoài nỗ lực toàn đội, tài thao lược của HLV Hữu Thắng,  cần cái mưu của ông Thanh.

Thắng hay hòa là xong, và kỷ nguyên Hồng Thanh-Hữu Thắng và SLNA sẽ lại được xác lập trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Đã trải qua bao gian truân, chẳng lẽ không thêm một lần vượt cửa ải Chi Lăng để đoạt “thiên hạ”, ông Nguyễn Hồng Thanh?

NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm