Bóng đá khó nói chuyện được, mất

20/08/2015 18:32 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Những đứa trẻ của bầu Đức” vừa mới thua trận thứ 13/21 trận đã đấu ở V-League 2015, thành tích có thể nói là tệ nhất trong lịch sử đội bóng phố núi ở sân chơi chuyên nghiệp. Khi giải đấu cao nhất xứ sở đang vào đoạn cuối với đủ cả hỉ-nộ-ái-ố , người ta thấy ái ngại cho con đường và số phận HAGL đã chọn, dù họ mới thay tướng.

Để có thể tạo mối tương tác và cái nhìn đa chiều hơn, Thể thao & Văn hoá cuối tuần mời cựu HLV trưởng K.Khánh Hoà và HLV trưởng của đội tuyển U19 Việt Nam, ông Hoàng Anh Tuấn, TGĐ Công ty CP Thể thao Bóng đá Becamex Bình Dương, Cao Văn Chóng và Nhà báo – nhạc sỹ Hà Quang Minh có cuộc trao đổi bàn tròn về HAGL, về V-League và cả về bóng đá Việt Nam.

“Sai” một li, đi cả thế hệ?

Nhà báo Trần Hải (Thể thao & Văn hóa): Chúng ta sẽ thôi không bàn về việc bầu Đức dường như đã tính toán sai thời điểm, cũng như việc chọn sân chơi (quá tầm) dành cho lứa U19 của Học viện dẫn đến thất bại, vì điều này đã là quá rõ ràng. Điều mà cuộc trao đổi này hướng tới là cách xử lý khủng hoảng, thưa vị khách.

Cá nhân tôi cho rằng, việc cất nhắc trợ lý HLV Nguyễn Quốc Tuấn chỉ là vạn bất đắc dĩ và ngạc nhiên hơn là  HAGL với danh tiếng và tiềm lực của mình thừa sức mời những vị tướng tài, những chuyên gia đóng thế có hạng .


HAGL quá non so với phần còn lại của V-League

HLV Hoàng Anh Tuấn: Tôi thì không nghĩ như vậy?! Mỗi một CLB có một định hướng, phương pháp làm không giống nhau. Và một nghiệp đoàn như HAGL, chắc gì đã đầu tư chuyên môn và nếu họ đầu tư hình ảnh thì sao? Nếu chọn hiệu ứng về hình ảnh, sự lan toả về mặt truyền thông của HAGL suốt 2 năm qua là quá lớn. Thế là được chứ! Mình người ngoài chắc gì đã hiểu. Nên, nói họ thất bại chưa hẳn đã đúng.

Về góc độ chuyên môn, rõ ràng họ thiếu kinh nghiệm, non trẻ, nên thất bại. Việc thay HLV là điều cần thiết, bởi ngoài các giá trị hình ảnh ra, đội bóng cũng phải có thêm kết qủa nữa. Chỉ có điều, muốn giữ được cả hình ảnh lẫn kết quả, e là hơi khó vào thời điểm này.

Ông Cao Văn Chóng: Đương nhiên việc cất nhắc trợ lý Nguyễn Quốc Tuấn là giải pháp bất đắc dĩ rồi. V-League 2015 chỉ còn 5 vòng đấu, không đội bóng nào muốn xáo trộn nhân sự trong giai đoạn quan trọng này cả. Nhưng với bầu Đức, mọi quyết định của ông đều có sự tính toán chứ không hẳn là bị động. Tôi cũng cho rằng, một trợ lý HLV đã gắn bó rất lâu với HAGL như anh Nguyễn Quốc Tuấn sẽ biết cách để đưa HAGL vượt qua khó khăn.

Nhà báo Hà Quang Minh: Xử lý khủng hoảng thì phải đi từ bản chất của khủng hoảng, nếu không sẽ chỉ là cách xử lý bề mặt mà thôi. Nói thẳng, vấn đề của HAGL không chỉ nằm ở chỗ bổ nhiệm sai một HLV trưởng, Guillaume Graechen, nên chuyện cất nhắc trợ lý HLV Nguyễn Quốc Tuấn tạm quyền chỉ là xử lý bề mặt, nó không dứt điểm được vấn đề.

Những quyết sách vội vàng và mơ mộng của ông Đức là căn nguyên, nhưng không thể không nói đến vấn đề cốt lõi là đội ngũ giúp việc của ông Đức, tức những người cố vấn, cũng có liên đới. Hãy nhìn vào chính những cái tên ấy mà xem.

So với thời “dream team” làm mưa làm gió ở V-League, rõ ràng đội ngũ hiện nay thua kém hơn hẳn, cứ hao hao mô hình VFF thế nào ấy, ý tôi là quá thiếu người có chuyên môn bóng đá thực sự. Giả sử, có một người như ông Nguyễn Văn Vinh ngày xưa sát cánh với ông Đức ở giai đoạn vừa qua, chưa chắc khủng hoảng sẽ xảy ra.

Nhà báo Trần Hải: Ở khía cạnh một nhà quản lý – điều hành đội bóng, ông Cao Văn Chóng có thể nói thêm về vai trò của những tham vấn, trợ lý không? Tôi thấy, quan điểm của nhà báo Hà Quang Minh rất có lý.

Ông Cao Văn Chóng: Không chỉ trong bóng đá mà ở các lĩnh vực khá, vai trò của cấp tham mưu là cực kỳ quan trọng. Đó là lý do mà B.Bình Dương được đánh giá cao ở nhiều mảng như: Kinh doanh, truyền thông, tổ chức thi đấu, tài chính..., chứ không chỉ gói gọn trong chuyên môn bóng đá. Điều này chính AFC cũng khen ngợi và đồng ý cho B.Bình Dương thi đấu ở AFC Champions League vừa qua.

Còn tại HAGL, tôi xin phép không nói sâu. Tôi chỉ chắc rằng, những cánh tay nối dài của bầu Đức như GĐĐH Huỳnh Mau hay Trưởng đoàn Nguyễn Tấn Anh là những người gắn bó với bóng đá Việt Nam khá lâu và có đóng góp quan trọng cho đội bóng. Vì thế chắc chắn họ sẽ đóng góp được nhiều cho đội bóng.  

HLV Hoàng Anh Tuấn: Họ, đội ngũ những người giúp việc cho bầu Đức và cho cả HLV Graechen, không hẳn là thiếu kinh nghiệm, nhưng rõ ràng họ thiếu chính kiến. Nếu cảm thấy ông “Giôm” làm chưa đúng, họ phải đưa ta chính kiến, phản biện, để thay đổi chứ?! Theo người thì sáng, chạy mình thì tối, sai lầm lớn nhất của con người là nghĩ rằng mình luôn luôn đúng.

Nhà báo Trần Hải: Với những gì đã và đang diễn ra, liệu những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…, có thể bị thui chột không, thưa các vị? Đã có ý cho rằng, tại V-League mùa này, “những đứa trẻ của bầu Đức” không những không phát triển là mấy so với thời họ đá U19, mà còn có biểu hiện “chột”, rõ nhất là tâm lý thi đấu và sự tự tin gần như không còn.

Nhà báo Hà Quang Minh: Tôi kể câu chuyện thế này. Trong buổi trao giải Fair Play của báo Pháp luật TP.HCM gần nhất, khi U19 được xướng tên lên nhận giải, ánh mắt của Tuấn Anh nhìn ông Tưởng đoàn Tấn Anh rất thiếu tự tin. Có thể hiểu: “Dạ, vậy là giờ tụi con lên đó à”? Một đội bóng không thể xây dựng trên nền tảng của sự áp đặt, kiểu như cứ “ngoan là có quà”.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Một đội bóng trẻ như vậy, lần đầu tiên bước ra sân chơi lớn và thất bại, một chừng mực nào đó, họ bị ảnh hưởng tâm lý. Việc khắc phục sẽ cần thời gian. Có thể năm nay họ trụ lại, hoặc xuống hạng, nhưng cần thêm thời gian và phương pháp để chữa lành các vết thương.

Tại sao người ta nói, Khánh Hoà trước đây là Vua trụ hạng. Bản thân tôi từng là cầu thủ, là HLV trong hoàn cảnh như HAGL hiện tại. Cầu thủ họ đá không kém đâu, nhưng thời gian ngắn dần, số lượng trận đấu nhiều hơn, không thu được kết quả lớn, nên dính trạng thái. Không tháo gỡ về mặt tâm lý, thất bại là việc đương nhiên. Tôi cho rằng, HAGL đá hay hơn nhiều đội ở V-League 2015, chỉ là kết quả lại không thuận theo.

Ông Cao Văn Chóng: Trong bóng đá, thành công và thất bại đôi khi chỉ trong tích tắc. Để đánh giá đúng thì phải biết được mục tiêu thực sự của HAGL trong việc đôn lứa cầu thủ trẻ lên chơi V-League là gì? Tôi chia sẻ với quan điểm của HLV Hoàng Anh Tuấn. Rằng, ngay cả khi xuống hạng cũng không hẳn là một thất bại của HAGL.

Trước mắt còn 5 vòng đấu và cơ hội cho HAGL không phải đã hết. Chặng đường phía trước dù rất gian nan, nhưng nếu các cầu thủ trẻ của HAGL vượt qua được thì các em sẽ có thêm bước trưởng thành lớn về chuyên môn, còn không, đó cũng là kinh nghiệm bổ ích cho sự nghiệp sau này.

Dù kết quả cuối cùng của mùa bóng này có thế nào đi nữa, tôi vẫn cho rằng, lứa cầu thủ hiện nay của HAGL sẽ là những trụ cột quan trọng của đội tuyển Việt Nam trong vài ba năm tới.

Không thể địch nổi B.Bình Dương

Nhà báo Trần Hải: V-League 2015 đang vào giai đoạn nước rút. B.Bình Dương có thể nói là đã chạm một tay vào chức vô địch, sau khi FLC Thanh Hoá đang tụt lại khá khó hiểu.

Chúng ta sẽ bàn về những điều khó hiểu ấy ở một vài trận đấu, ví như các cuộc đối đầu giữa Đồng Nai và SLNA, rồi FLC Thanh Hoá hay như việc XSKT.Cần Thơ yếu nhất nhì giải đấu lại bất ngờ vượt qua Hải Phòng, trong một trận cầu quá nhiều điều tiếng? Mời ông Cao Văn Chóng đầu tiên bởi B. Bình Dương xem ra đã "chạm" vào chức vô địch mùa này.

Ông Cao Văn Chóng: Xin cảm ơn anh Trần Hải, nhưng tôi nghĩ nhận định B. Bình Dương vô địch là hơi sớm. Như tôi đã nói, khi mùa bóng chưa kết thúc thì chưa thể nói trước điều gì. B.Bình Dương vẫn phải chiến đấu đến phút giây cuối cùng để chinh phục đỉnh vinh quang.

Về kết quả thi đấu của một số trận mà dư luận cho là bất thường, không quá khó để giải thích. Thứ nhất là việc kéo dài thời gian thi đấu của mùa bóng làm cho chất lượng chuyên môn cũng ảnh hưởng theo, có đội vừa vào guồng thì lại nghỉ để nhường chỗ cho các ĐTQG.

Thứ hai là một số đội đã đạt được mục tiêu và nằm ở nhóm an toàn thì việc thi đấu có một vài thời điểm mất tập trung cũng dễ hiểu. Khi không còn động lực thì rất khó để người ta tận lực phấn đấu mà việc này xuất hiện ở nhiều lĩnh vực chứ không riêng gì bóng đá.

Hoặc cũng có một số trận dù tỷ số có thể coi là bất ngờ nhưng hoàn toàn là do yếu tố chuyên môn, ví dụ như B.Bình Dương cũng từng thua đội đang đứng bét bảng HAGL hoặc đội S.Khánh Hòa BVN dù chỉ thi đấu với 10 người ở phần lớn thời gian nhưng vẫn thắng B.Bình Dương ngay tại Gò Đậu.

Nhà báo Hà Quang Minh: Bóng đá luôn để lại những ngờ vực. Và tôi chỉ giữ sự ngờ vực ở trong lòng mình. Chưa có bằng chứng, tôi chưa thể quyết định ai thế nào, ra sao. Song, tôi hiểu, có những quyết định của những HLV hoặc ông bầu đến từ tình cảm, và những quyết định ấy chắc chắn sẽ làm hỏng môi trường bóng đá đích thực.

HLV Hoàng Anh Tuấn: Theo tôi, thiếu tích cực, đơn thuần là ở góc độ chuyên môn, ví dụ như đá không tốt thì thiếu tích cực. Đến thời điểm này, tôi cho rằng B.Bình Dương vô địch là xứng đáng. Ngoài năng lực quản lý, thì năng lực cầu thủ của họ cũng tốt hơn phần còn lại.

Nhà báo Trần Hải: Trong rất nhiều những phát biểu, bầu Đức và các trợ lý của ông cho rằng, HAGL bị "đánh hội đồng" và các đội bóng chơi thế là hèn? Nói thẳng, Đích nhắm tới của ông chủ HAGL không chỉ là các đội bóng, đội ngũ trọng tài mà còn bao hàm cả nhà tổ chức (VPF). Tuy nhiên, những người điều hành lại không nhắc nhở và dường như thoả hiệp. Phải chăng họ ngại đụng đến ông Phó chủ tịch VFF, đồng thời là ông chủ đầy quyền năng ở HAGL?

HLV Hoàng Anh Tuấn: Những phát biểu này, tôi chỉ được xem trên báo chí. Đôi khi, đó là một câu nói bình thường thôi, chứ không hẳn là chính kiến của anh Đức. Ông ấy quản lý hàng ngàn người, chứ  không chỉ mấy chục con người, nên hẳn phải rất thận trọng. Đâu chỉ có mỗi HAGL chịu thẻ phạt, rồi những áp lực ngoài chuyên môn khác nữa.

Có thể một vài thời điểm của trận đấu, trọng tài có vấn đề, nhưng cuộc chơi kéo dài nhiều tháng và đấy là vấn đề của giải đấu, chứ không phải chuyện riêng của HAGL.

Ông Cao Văn Chóng: Đúng là BTC giải đã chậm trong việc đưa ra giải pháp ở tình huống này. Trước đây rất nhiều phát biểu không có cơ sở của các thành viên tham gia giải đấu liền bị BTC ra văn bản nhắc nhở.

Theo tôi, BTC giải cần ban hành cụ thể quy chế phát ngôn và có chế tài rõ ràng để hạn chế những phát biểu thiếu tính xây dựng, ảnh hưởng đến giải đấu. Nhất là năm nay, lần đầu tiên V-League được một tập đoàn tầm cỡ thế giới như Toyota đồng hành nên những thành viên tham gia giải đấu cần phải ý thức hơn nữa trong việc xây dựng hình ảnh tốt đẹp cho giải.

Nhà báo Hà Quang Minh: Tôi nghĩ chẳng ai sợ ai cả đâu. Chẳng qua họ không muốn ầm ĩ một câu chuyện không hề có. Tội nghiệp cho ông Đức, với những lời phát biểu khá vội vàng như thế.

Nên nhớ, cảnh báo về sai lầm của ông Đức khi đôn cả lứa U19 lên đá V-League đã có, và rất ồn ào, từ đầu mùa. Khi anh không lắng nghe, anh đổ lỗi cho ai thì họ cũng chỉ coi đó là chuyện tầm phào mà thôi.

Nhà báo Trần Hải: Có ý cho rằng, nếu HAGL rớt hạng, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp sẽ mất nhiều thứ. Ở khía cạnh khác, B.Bình Dương nếu bảo vệ thành công chức vô địch (nhiều khả năng), họ sẽ tiếp tục nới thêm kỷ lục 4 lần đăng quang ở kỷ nguyên V-League. Về điều này, ông Cao Văn Chóng có cho rằng, sức mạnh đồng tiền quyết định tất cả? Và nếu được, ông có thể cho biết một năm đội bóng chi bao nhiêu tiền và nguồn từ đâu?

Ông Cao Văn Chóng: Chúng ta hãy coi HAGL như bất cứ một đội nào khác thì sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và sòng phẳng hơn. Nếu HAGL chuyên môn yếu thì xuống hạng và sẽ có đội hạng Nhất được thăng hạng. Đây là điều hết sức bình thường và không nhất thiết phải tính toán được mất làm gì cả. Về thành công của B.Bình Dương thời gian qua, có dư luận cho rằng đồng tiền quyết định tất cả nhưng là người trong cuộc, tôi cho rằng nếu nói B.Bình Dương có tài chính ổn định thì đúng chứ nói B.Bình Dương lấy tiền để đổi lấy thành công thì không chính xác.


Sức mạnh của Becamex Bình Dương bắt nguồn từ sự ổn định về tài chính

Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi phải đầu tư nhiều tiền và có nhiều đội đã chi số tiền hơn chúng tôi rất nhiều, nhưng vẫn chưa chinh phục được danh hiệu nào. Để thành công cần rất nhiều yếu tố chứ không phải quăng tiền ra là thành công đến. Đơn cử như mùa bóng này, nhiều ý kiến cho rằng B.Bình Dương có lực lượng dày nhưng hãy nhìn vào bảng danh sách đăng ký của chúng tôi, chỉ với 24 cầu thủ trong khi nhiều đội đăng ký 30 cầu thủ.

Điều này nghĩa là chúng tôi tiết kiệm được chi phí cho 6 vị trí, nếu tính cả năm cho 6 vị trí thì số tiền chúng tôi tiết kiệm được cũng ngót nghét 10 tỷ đồng. Tất nhiên sự mạo hiểm nào cũng có cái giá của nó, vừa qua nhiều trụ cột bị chấn thương đã ảnh hưởng lớn đến lối chơi của đội nhưng may mắn là chúng tôi đã vượt qua.

Tôi không giấu giếm là kinh phí hoạt động của B.Bình Dương trung bình hàng năm trên dưới 50 tỷ đồng, năm nay do thi đấu thêm ở AFC Champions League nên chi phí phát sinh trên 5 tỷ đồng. Về nguồn thu thì 80% là từ quảng cáo tài trợ, trong đó phần lớn là từ Becamex IDC, VSIP (KCN Việt Nam Singapore), Tôn Hoa Sen và 1 số công ty thành viên của Becamex IDC..., 20% còn lại là đến từ bán vé khán đài A và từ chuyển nhượng cầu thủ (ví dụ như trường hợp Chí Công về ĐTLA hoặc Oseni về Cần Thơ...).

HLV Hoàng Anh Tuấn: Bóng đá chuyên nghiệp bây giờ, đồng tiền quyết định luôn sự thành bại. Tôi muốn nói là đồng tiền đầu tư nghiêm túc ấy. Không có tiền, anh không thể có cầu thủ, HLV tốt. Ở Việt Nam, nhiều người cho rằng, không cần nhiều tiền, như thế là không đúng. Ví dụ B.Bình Dương chẳng hạn, họ đầu tư rất lớn hơn nhiều các đội bóng Việt Nam, bởi họ không chỉ chơi các giải đấu quốc nội, mà tham vọng ra châu lục. Nhìn thành tích của B.Bình Dương ở AFC Cup và AFC Champions League, rõ ràng là vượt xa những SLNA, SHB.Đà Nẵng, Hà Nội T&T…

Chúng ta không lấy tiền để mua thành tích, nhưng lấy tiền để mua lực lượng, tạo sự kế cận. Ở châu Á, các đội bóng có thành tích đều được tập đoàn chống lưng.

Nhà báo Hà Quang Minh: HAGL rớt hạng, giải đấu mất đi một thương hiệu tốt. Nhưng giải đấu sẽ được một bài học tốt để chúng ta nhận ra rằng làm bóng đá trẻ cần gì. Và nó cũng cho chúng ta khoảng lặng để đánh giá đúng các lò đào tạo trẻ khác, nhất là những lò không ồn ào đánh trống khua chiêng như JMG.

Nhà báo Trần Hải: Xin cảm ơn các vị khách mời!

Trần Hải
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm