'Văn hóa che đậy' đe dọa an toàn hàng không châu Á

19/07/2015 05:07 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ rơi chiếc máy bay mang số hiệu MH17 khiến người ta lạnh gáy khi lên máy bay, băn khoăn không biết mình có lâm vào tình huống bi thảm như vậy hay không? Thực tế thì vụ MH17 chỉ là sự kiện đơn lẻ và có những vùng trời còn nguy hiểm hơn cả miền Đông Ukraine, dù không có chiến sự.

Vùng trời châu Á là một trường hợp điển hình. Năm ngoái, một chiếc máy bay Boeing 777 thuộc hãng Jet Airways của Ấn Độ đã gặp sự cố và bị tụt tới 800 mét khỏi độ cao hành trình, do cơ trưởng ngủ gật, trong khi cơ phó đắm chìm vào chiếc máy tính bảng cô mang theo.

Một vùng trời ngày càng đông đúc

Đây là sự cố nghiêm trọng, được biết tới với tên “phá vỡ cao độ”, có thể khiến chiếc máy bay đi sai làn đường và đâm vào máy bay khác. Các phi công và hãng Jet Airways đã không báo cáo lại sự kiện với nhà chức trách.

Văn phòng Tổng Giám đốc Cơ quan hàng không dân dụng Ấn Độ chỉ biết về sự cố vài ngày sau đó, khi một người giấu tên báo tin cho nhà chức trách. Một phát ngôn viên hãng Jet Airways nói rằng "các biện pháp huấn luyện điều chỉnh phù hợp" đã được triển khai và tên các phi công không được công bố.

Một phân tích dữ liệu bay, kết hợp phỏng vấn với các phi công, chuyên gia hàng không và điều khiển không lưu do tờ Wall Street Journal thực hiện cho thấy nhiều vụ việc tương tự cũng không được báo cáo tại thị trường hàng không đang tăng trưởng nhanh ở châu Á.


Tình trạng ít báo cáo sự cố khiến châu Á khó rút kinh nghiệm và dễ gặp thảm họa hàng không lớn

Trên phương diện số lượng hành khách vận chuyển thường xuyên, Ấn Độ và Indonesia đã đạt mức tăng trưởng hơn 200% trong thập kỷ vừa qua. Với Trung Quốc, con số là 300%. Mức độ tăng trưởng nhanh làm người ta lo sợ rằng khu vực này sẽ đối mặt với nhiều rủi ro mà ít người có thể lường trước.

An toàn đã trở thành một mối quan ngại lớn trong khu vực, sau vài thảm họa lớn xảy ra gần đây. Chúng gồm vụ mất tích của máy bay mang số hiệu MH370 trong tháng 3/2014, làm 239 hành khách và phi hành đoàn được cho là đã chết. Ngoài ra còn phải kể tới vụ rơi máy bay AirAsia số hiệu 8501 hồi tháng 12 năm ngoái làm 162 người chết. Một vụ tai nạn nữa là vụ rơi chuyến bay mang số hiệu 235 của hãng TransAsia Airways, khiến 43 người chết.

Giới chuyên gia nói rằng nếu thiếu hoạt động kiểm tra phù hợp, các hãng hàng không sẽ chẳng thể nhận ra sai lầm và cơ quan điều phối không đánh giá đúng các nguy cơ về an toàn. Ngay cả những sự cố nhỏ nhất như hỏng thiết bị hay suýt va nhau trên đường bay cũng là các mầm mống khiến thảm họa lớn xuất hiện, đặc biệt nếu người ta không ghi lại sự cố để rút kinh nghiệm.

Thiếu sự minh bạch

ICAO, nơi đặt tiêu chuẩn cho nhiều cơ quan điều phối hàng không, có kho dữ liệu uy tín bậc nhất thế giới về tai nạn và các sự cố hàng không lớn. Tuy nhiên ICAO vẫn nghi ngờ rằng các kết quả thu được từ châu Á chưa phản ánh bức tranh thực tế - dĩ nhiên là ngoại trừ các vụ tai nạn chết người do người ta không thể che giấu được chúng.

Đây là điều rất quan trọng, bởi ngành hàng không dựa nhiều vào sự minh bạch và hoạt động chia sẻ thông tin để đảm bảo yếu tố an toàn.

Một trong những lý do để châu Á báo cáo thấp số vụ tai nạn là do phương thức báo cáo giữa các nước không giống nhau và yêu cầu báo cáo cũng khác nhau.

Ngoài ra, các nước châu Á thường có truyền thống trừng phạt nặng những cá nhân, tổ chức gây tai nạn nên người ta sẽ ngại báo cáo khi có sự cố xảy ra. Để so sánh, ở Mỹ, các hình phạt nghiêm khắc ít khi được đưa ra và cơ chế báo cáo sự cố cũng mạnh hơn. Kết quả là kể từ năm 1979, chương trình báo cáo sự cố hàng không của Mỹ đã xử lý hơn 1 triệu báo cáo sự cố và công bố 4.565 sự cố hàng không chỉ riêng trong năm ngoái.

Trong khi đó, Mike O’Neill, Chủ tịch Hiệp hội các nhà kiểm soát không lưu Hong Kong, nói rằng ông chưa từng nghe về việc một chuyên viên kiểm soát không lưu tình nguyện báo cáo về sự cố hoặc tai nạn, với nguyên nhân do họ sợ bị trừng phạt và hỏng sự nghiệp.

Tầm quan trọng của việc báo cáo sự cố đã thể hiện rõ theo từng năm. Sau một vụ che đậy thông tin sự cố hồi năm 1974, Mỹ đã phát triển hệ thống báo cáo sự cố mật. Hệ thống giúp người báo cáo không bị trừng phạt và số vụ báo cáo đã tăng vọt nhờ sự thay đổi này.

Tuy nhiên có thể thấy rằng chuyện tương tự sẽ khó xảy ra sớm tại châu Á. Với sự giúp đỡ từ Mỹ, cơ quan điều hành hàng không ở Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục và Singapore đã thiết lập một hệ thống báo cáo sự cố mật trong giai đoạn 1999 - 2004. Nhưng hệ thống này không hoạt động hiệu quả, bởi họ vẫn chẳng được đảm bảo sẽ miễn nhiễm khỏi các hình phạt nặng nề, thậm chí là án tù, nếu báo cáo sự cố.

Indonesia: 3 triệu chuyến bay và 28 vụ tai nạn

Indonesia đã thực hiện 3 triệu chuyến bay thương mại trong vòng 5 năm qua, gần bằng con số của Australia. Trong quãng thời gian đó, Indonesia có 28 vụ tai nạn lớn, gồm các vụ rơi máy bay chết chóc và những trường hợp khác khiến máy bay bị hư hỏng nặng nề. Cùng thời điểm, Australia chỉ có 5 trường hợp. Con số này cho thấy rủi ro trên vùng trời Indonesia lớn hơn ở Australia.

Tuy nhiên trong các sự cố không gây chết người, số liệu thống kê lại cho thấy một câu chuyện khác. Indonesia báo cáo chỉ 13 sự cố nghiêm trọng trong nửa thập kỷ qua, liên quan tới các máy bay chở khách cỡ lớn, so với con số 58 của Australia. Tại các sự cố ít nghiêm trọng hơn và không bị buộc phải báo cáo với ICAO, Indonesia chỉ báo có 5 vụ, so với 74 vụ của Australia. Các sự cố kiểu này gồm có bay quá thấp hoặc quá nhanh, đi lạc vào làn đường của máy bay khác, hư hỏng động cơ hoặc có khói trong khoang lái.

Trên toàn khu vực, châu Á chỉ có 86 sự cố nhỏ liên quan tới máy bay thương mại trong 5 năm qua. Trong khi đó châu Âu báo cáo 356 vụ và Bắc Mỹ là 145 vụ. Cùng thời điểm, châu Á có 31 vụ tai nạn rơi máy bay lớn gây chết nhiều người, so với 12 vụ ở châu Âu và 6 vụ ở Bắc Mỹ.

Gia Bảo (Theo Wall Street Journal)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm