Phim lịch sử Việt, mơ về nơi xa lắm

07/11/2012 08:38 GMT+7 | Phim


(TT&VH) - Hơn 20 năm kể từ khi ra đời, Đêm hội Long Trì (đạo diễn – NSND Hải Ninh) vẫn được nhắc tới tại cuộc hội thảo về Nhân vật lịch sử trong phim truyện VN (diễn ra sáng qua, 6/11, tại Hà Nội) như một mốc son của phim lịch sử - cổ trang Việt. Nói thế để thấy, mong muốn làm được những bộ phim lịch sử - cổ trang có thể “đánh bật” phim Trung Quốc, Hàn Quốc khỏi thị trường nội địa có lẽ sẽ vẫn là giấc mơ xa vời.

Cuộc hội thảo do Hội Điện ảnh VN tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nghiên cứu và nghệ sĩ điện ảnh. Phát biểu tại hội thảo, nhà biên kịch Hồng Ngát – Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh – cho biết, bà hy vọng, với những tiếng nói từ cuộc hội thảo này, trong một tương lai không xa, chúng ta có thể làm được những bộ phim lịch sử - cổ trang đủ tầm để chiếm lĩnh lại màn ảnh rộng, màn ảnh nhỏ đang bị “xâm lấn” bởi phim Hàn Quốc, Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế thì…

Thiếu và yếu

Đó là hai từ ngắn gọn và súc tích nhất để khái quát về phim lịch sử - cổ trang Việt như lời nhận định của PGS Trần Luân Kim.

Còn nhớ, năm 1971, điện ảnh Việt đã đưa lên màn ảnh hình tượng nhân vật Trần Quốc Toản trong bộ phim sân khấu Trần Quốc Toản ra quân. Gần hai thập kỷ sau là sự xuất hiện của những: Đêm hội Long Trì, Lửa cháy thành Đại La, Phạm Công – Cúc Hoa… Lịch sử cận đại cũng từng được khai thác trong: Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Vượt qua bến Thượng Hải, Hà Nội mùa Đông năm 1946... Thời gian gần đây tiếp tục có: Khát vọng Thăng Long, Tây Sơn hào kiệt, Thiên mệnh anh hùng… Trong đó, Khát vọng Thăng Long từng được cử tham gia tranh giải Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Thiên mệnh anh hùng cũng sẽ là một trong hai đại diện của VN tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012.

Cảnh phim Đêm hội Long Trì

Mặc dù không muốn so sánh với những bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc đã và đang chiếu trên truyền hình: Nàng Dae Jang Geum, Truyền thuyết Ju Mon, Chốn hậu cung… hay Họa bì 2 (phiên bản 3D) vừa gây sốt ở rạp chiếu, nhưng vẫn phải thừa nhận thực tế chúng ta đã có những bộ phim cổ trang “made in” VN bị gắn mác “thảm họa”, bị dừng phát sóng giữa chừng như: Anh chàng vượt thời gian (chiếu trên VTV). Hoặc có những bộ phim tiền tỷ đã hoàn thành mà chưa thể lên sóng vì thời điểm chưa phù hợp, như: Trần Thủ Độ. Nói về Trần Thủ Độ, nhà biên kịch Lê Phương còn cho rằng, chủ đầu tư của bộ phim hơi “bất lịch sự” vì thời điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội cùng với bộ phim về vua Lý Công Uẩn lại có phim về vị vua lật đổ triều Lý.

Giải thích lý do điện ảnh Việt chưa có phim lịch sử - cổ trang hay, nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho rằng, các nhà làm phim đã không chọn được nhân vật lịch sử hay. “Có hai loại lịch sử: lịch sử của nhà nghiên cứu và lịch sử của các nhà sáng tạo. Hai loại lịch sử này tồn tại song song và đều có vẻ đẹp riêng” – ông Tuấn nói thêm. Hơn nữa, một thực tế, phim lịch sử Việt hầu hết được làm vào các dịp lễ nên thường bị xem là phim “cúng cụ”.

Đừng có mơ tới cuộc chơi tốn kém…

Khi cơ thể điện ảnh đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, tương lai những bộ phim lịch sử - cổ trang vẫn khá mơ hồ thì nhiều nhà nghiên cứu, nghệ sĩ tự tin rằng, chúng ta có rất nhiều cơ hội để làm ra những bộ phim hay hơn cả Đại chiến Xích Bích (đạo diễn Ngô Vũ Sâm, 2008).

Theo nhà nghiên cứu Hữu Toàn, trận Bạch Đằng thế kỷ 13 khi Hưng Đạo Vương và quân sĩ giả thua dụ giặc Nguyên vào bãi cọc để tiêu diệt là cứ liệu lịch sử sống động để làm phim. “Trận Bạch Đằng hay hơn cả trận Xích Bích, vậy sao ta lại không có những bộ phim hay hơn?” – ông Toàn đặt vấn đề - “Vua Trần Nhân Tông mới 39 tuổi đã hai lần đánh bại quân Nguyên Mông, Huyền Trân Công chúa, Thái hậu Dương Vân Nga… đều có thể trở thành những hình tượng điện ảnh”.

Tuy nhiên, khá bi quan, nhà văn Tô Hoàng (TP.HCM) lại thẳng thắn: “Vấn đề đầu tiên chúng ta phải tính tới chính là tiền đâu? Nhà nghèo mà “chơi” điện ảnh giống như việc anh nông dân đang “ăn bữa sáng, lo bữa tối” mà bỗng dưng lại muốn sưu tầm… đồ cổ. Không có tiền, đừng làm phim lịch sử, vì như thế, vô hình trung là bôi bác lịch sử”.

Trong khi đó, chúng ta không chỉ cần phải có tiền, mà theo nhà biên kịch Lê Phương, Đoàn Tuấn, đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn…, để làm được những bộ phim lịch sử - cổ trang hay, chúng ta cần có nhân lực, có kịch bản hay, có trường quay, thậm chí phải có cả ngựa tốt, voi khỏe… Thực tế, chúng ta vẫn đang thiếu tất cả những điều kiện cần và đủ nói trên. Vì thế, giấc mơ phim lịch sử Việt có lẽ vẫn còn xa vời…

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm