Đối đầu trên băng ghế huấn luyện: "Siêu kinh điển" cho người TBN

13/12/2008 14:30 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Năm nay là một năm đại thành công với bóng đá TBN. Đội tuyển của họ, nhà vô địch EURO '08, vừa được tạp chí World Soccer (Anh) bầu chọn là đội tuyển xuất sắc nhất trong năm. Cũng ở VCK trên đất Áo và Thụy Sỹ ấy, TBN còn có một thủ môn xuất sắc nhất (Casillas), một tiền đạo Vua phá lưới (Villa) và một chủ nhân của danh hiệu "cầu thủ xuất sắc nhất VCK" (Xavi).
 
Trong cuộc bầu chọn "Quả bóng Vàng châu Âu" do France Football tổ chức, có tới 3 tuyển thủ TBN (Torres, Casillas, Xavi) góp mặt trong top 5. Nếu duy trì được mạch trận ấn tượng hiện nay, Barca sẽ trở thành "CLB xuất sắc nhất 2008", theo cách tính của IFFHS. Và nhờ một biến động trên băng ghế huấn luyện ở Bernabeu, trận đấu hấp dẫn nhất hành tinh "Superclasico" sẽ trở thành nơi tôn vinh trí não người TBN, bất kể là đội nào giành chiến thắng.
 
Kể từ sau mùa giải 03-04, khi Rafa Benitez dẫn dắt Valencia lên ngôi vô địch Liga, giải đấu hấp dẫn bậc nhất hành tinh này đã không còn nằm trong tầm kiểm soát của những người TBN nữa. 4 mùa giải vừa qua, Liga trở thành "đất diễn" của những người Hà Lan (Rijkaard, 04-05 và 05-06), Italia (Capello, 06-07) và Đức (Schuster, 07-08). Mùa trước, xu thế quốc tế hóa Liga thể hiện rõ nét nhất qua việc cả 4 đội bóng nằm trong top 4 đều được dẫn dắt bởi một người nước ngoài: Schuster cho Real, Pellegrini (Chile) cho Villarreal, Rijkaard cho Barca, và Aguirre (Mexico) cho Atletico Madrid. Ngay cả giải đấu chẳng được mấy ai quan tâm như Cúp Nhà Vua cũng không thoát khỏi bị ảnh hưởng bởi xu thế ấy, khi Ronald Koeman, một người Hà Lan, và Michael Laudrup, một người Đan Mạch, giành nhau danh hiệu mà 8 năm liền trước đó đều thuộc về người TBN.
 
Guardiola (trái) sẽ đối đầu với Ramos

"Siêu kinh điển" tất nhiên không thể tránh khỏi bị "quốc tế hóa". Trong vòng một thập kỷ trở lại đây, sự kiện có cùng lúc 2 người TBN trên băng ghế huấn luyện của Real và Barca trong trận Superclasico mới chỉ xuất hiện có 4 lần: Vicente Del Bosque của Real Madrid (1999-2003) đối đầu với Serra Ferrer (5/2000-4/2001) và Carles Rexach (4/2001-5/2002) bên phía Barca. Còn lại, nếu không phải là người TBN chống chọi làn sóng "xâm lăng" từ người Hà Lan (Van Gaal, Rijkaard) hoặc người Serbia (Antic), thì Nou Camp và Bernabeu sẽ trở thành sàn đấu để những bộ não đến từ Brazil (Luxemburgo), Italia (Capello), Đức (Schuster) và Hà Lan (Rijkaard) so tài với nhau. Nếu Real Madrid không bất ngờ đổi tướng ngay trước giờ G, chuyện rất hiếm khi xảy ra, trận "Siêu kinh điển" này vẫn sẽ chỉ có một nửa chất TBN, trong Guardiola (nửa kia mang quốc tịch Đức).

Nhưng nếu không có sự thay đổi ấy, trận "Siêu kinh điển" lần này sẽ chẳng có gì đáng chờ đợi. Nhờ cái gọi là "hiệu ứng Ramos", khoảng cách mênh mông về phong độ và lực lượng giữa hai đội đã được thu hẹp đáng kể. Barca của Guardiola vẫn được đánh giá cao hơn, nhưng Real của Ramos sẽ không dễ buông xuôi, thậm chí không loại trừ khả năng gây bất ngờ lớn. Khác với Schuster hầu như không thay đổi gì về chiến thuật trong một năm rưỡi qua, Ramos luôn có rất nhiều ý tưởng về con người và lối chơi, nên ít ai dám chắc Real ở Nou Camp sẽ mang hình thù gì. Chính sự xuất hiện ấy của Ramos đã khiến Guardiola giảm đi mấy phần tự tin. Dù đã nghiên cứu kỹ băng ghi hình các trận đấu đáng chú ý của Sevilla thời Ramos, HLV 37 tuổi này vẫn tỏ ra hết sức dè dặt.

Nhưng với các CĐV trung lập ở xứ sở đấu bò, thì chuyện Barca tiếp tục phong độ ấn tượng của họ, hay chuyện Real gây bất ngờ ở Nou Camp không thực sự quá quan trọng. Điều quan trọng là bất kể kết quả cuối cùng ra sao, trí tuệ TBN sẽ lại một lần nữa nhận được sự tôn vinh xứng đáng.

Những sự khác biệt

1. Gắn bó: Từ khi còn là một cậu nhóc, Guardiola gần như chỉ gắn bó với cái tên Barca. Ramos là một lính đánh thuê chính hiệu, chưa gắn bó với CLB nào quá 3 năm.

2. Sự nghiệp cầu thủ: Ramos chơi cho CLB nhỏ Elche trong 4 mùa, đá... 3 trận trước khi giải nghệ vì chấn thương. Guardiola là trụ cột trong "Dream team" của Johan Cruyff.

3. Sự nghiệp HLV: Để tới được Bernabeu, Ramos đã trải qua 17 năm lăn lộn, bắt đầu từ những CLB hạng thấp nhất. Guardiola thì ngược lại, nhảy từ Barca lên Barca chỉ sau có 1 năm.

4. Game: Nhờ những ấn tượng trong màu áo Barca và đội tuyển TBN, Guardiola xuất hiện trên bìa đĩa của game FIFA 2000. Nhờ những thành công với Sevilla, Ramos trở thành đại diện cho game Football Manager 2009.

5. Thời trang: Ngoài sân, Guardiola luôn thể hiện mình là một người sành về ăn mặc, thậm chí còn từng được mời làm người mẫu cho NTK Toni Miro. Ramos: Đồ thể thao trên sân tập, vest trong trận.

6. Barca B: Khi Guardiola còn chơi cho Barca, Ramos đẩy Barca B... xuống hạng Segunda B. Năm ngoái, Guardiola dẫn dắt Barca B trở lại Segunda B.

 

V.Cường

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm