“Siêu kinh điển” Bara – Real: Chuyện về những số phận

13/12/2008 10:47 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH cuối tuần) -  Sau trận thua Sevilla 3-4 trên sân nhà, HLV Bernd Schuster bảo rằng đánh bại Barcelona trên sân Nou Camp trận “Siêu kinh điển” tới đây là một nhiệm vụ bất khả thi. HLV Pep Guardiola chỉ cười: không thể tin Schuster được, ông ta nói giỡn thôi mà. Thật bất ngờ, đối thủ của Guardiola trận “Siêu kinh điển” chẳng phải là Bernd Schuster mà lại là Juande Ramos.

1. Nghiệp cầm quân và số phận của Bernd Schuster có nhiều điểm tương đồng với Juande Ramos. Cả 2 đều bắt đầu đi lên từ những CLB nhỏ và vừa trước khi khẳng định tên tuổi của mình tại một CLB ở Primera Liga. Với Schuster là Fortuna Koln, FC Koln, Xerez, Shakhtar Donetsk. Với Juande Ramos là Alcoyano, Levante, Logrones, Lleida, Rayo Vallecano. Thời gian Schuster và Ramos được chú ý và ca ngợi gần như trùng khớp với nhau. Đó là mùa giải 2005-2006. “Thiên thần tóc vàng” nhận lời huấn luyện Getafe còn Juande Ramos ký hợp đồng với Sevilla.

Dưới bàn tay của Schuster và Ramos, Getafe và Sevilla đã trở thành những hiện tượng thật sự tại Liga. Cả 2 đều đã thành công khi biến tập thể mà mình đang có trong tay thành một đội ngũ bóng giàu sức chiến đấu. 2 mùa có Schuster trên ghế huấn luyện, Getafe là một trong những đội đá phòng ngự rất khó chịu và cực kỳ lỳ lợm trên sân nhà. 2 mùa với Juande Ramos, Sevilla trình diễn lối đá tấn công cực kỳ đẹp mắt, ông đưa đội này đến 2 chức vô địch Cúp UEFA liên tiếp, ông nâng tầm Sevilla lên ngang hàng với nhóm đại gia, thậm chí đã có những lúc họ có thể cạnh tranh được ngôi đầu bảng với Barca hay Real Madrid.

Dù ít nhiều Juande Ramos được thừa hưởng thành quả từ người tiền nhiệm Joaquin Caparros nhưng cũng không thể phủ nhận tài năng cầm quân và dùng người của ông. Trong 2 mùa bóng ấy, Getafe và Sevilla đều có được một yếu tố rất đáng quý trong thời đại ngày nay, đó là sự ổn định. Getafe kết thúc 2 mùa ở vị trí thứ 9 trong khi Sevilla hiên ngang nằm trên top 4.
 
Schuster không thể trụ lại trên chiếc ghế "nóng" ở Real

2. Rồi những năm tháng hạnh phúc tại Sevilla và Getafe cũng phải chấm dứt bởi tham vọng của 2 HLV này. Cách Schuster và Ramos dứt áo bỏ CLB ra đi để tìm một thử thách mới hấp dẫn hơn cũng tương tự nhau. Schuster đã “đi đêm” với Ramon Calderon vào nửa sau mùa giải 2006-2007 khi ông đang cầm Getafe. Khi ấy đã có một hợp đồng sơ bộ được ký và nếu Schuster không bỏ Getafe để sang Real, chính ông sẽ phải trả tiền bồi thường. Kết thúc mùa ấy, Schuster quyết tâm đi thật dù các CĐV Getafe tha thiết mong ông ở lại, dù Chủ tịch Angel Torres đã làm mọi cách, từ thương thuyết đến gây áp lực (dọa kiện Calderon, buộc Schuster phải trả tiền bồi thường hợp đồng đồng, không thiếu một xu). Schsuter đã trả tiền để tìm đến thử thách hấp dẫn ở Real, bỏ lại sau lưng đội bóng đã đưa tên tuổi ông lên một tầm cao mới. Getafe dưới tay Michael Laudrup đã có được một chuyến phiêu lưu kỳ diệu tại Cúp UEFA, nhưng sự ổn định tại Liga đã biến mất. Đã có lúc họ rơi vào tình trạng nguy hiểm và chỉ kết thúc giải ở vị trí thứ 14.

Cách Juande Ramos bỏ Sevilla ra đi còn tàn nhẫn hơn nữa. Ngay sau cái chết của cầu thủ Antonio Puerta, tinh thần các cầu thủ hoang mang đến cực độ. Trên sân cỏ, Sevilla bắt đầu thi đấu sa sút. Thế nhưng thay vì quyết tâm vực dậy đội bóng, an ủi các học trò, Ramos đã “đi đêm” với giám đốc thể thao Damien Comolli của Tottenham, sau đó nhẫn tâm rời Andalucia để sang London nắm Tottenham. HLV Manolo Jimenez đã tốn rất nhiều thời gian để đưa Sevilla trở lại quỹ đạo chiến thắng và chỉ kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 5.

3. Thời gian đầu của Schuster và Ramos tại Tottenham và Real Madrid đầy những niềm vui. Schuster đã ít nhiều làm được điều mà ông hứa khi nhậm chức: bảo đảm cho Real Madrid vừa đá hiệu quả, vừa cống hiến. Những trận thắng đậm đà như 5-0 trước Villarreal, 5-1 trước Valencia làm ngây ngất người hâm mộ. Thắng Barcelona 1-0 ngay trên sân Nou Camp và bỏ xa đối thủ này trên BXH, Schuster làm cho người ta hy vọng vào một kỷ nguyên thành công. Trận “Siêu kinh điển” lượt về, các cầu thủ Barca còn xếp thành hai hàng để vỗ tay chúc mừng Real bảo vệ thành công danh hiệu vô địch. Sau đó, họ đè bẹp đối thủ truyền kiếp này 4-1, đó là một trong những khoảnh khắc ngọt ngào nhất tại Real trong nhiều năm qua.
 
Còn Ramos bắt đầu ngồi vào chiếc ghế đó
 
Cùng thời gian đó, Ramos làm người ta hy vọng vào một cuộc đổi đời tại Tottenham. Với chiếc Carling Cup, Ramos đã chấm dứt cơn khô hạn danh hiệu kéo dài 9 năm tại Spurs. Người ta đã kỳ vọng khi bước vào mùa bóng mới, Ramos sẽ giúp Tottenham cạnh tranh sòng phẳng với những đội bóng thuộc London khác là Chelsea hay Arsenal.
 

4. Nhưng tuần trăng mật của Schuster và Ramos đã chấm dứt từ đó. Khởi đầu mùa bóng trầy trật, Tottenham chỉ kiếm được 2 điểm sau 8 vòng Premier League đầu tiên, với thành tích kém nhất trong vòng gần 100 năm ấy, Ramos bị sa thải thẳng tay và được thay bằng Harry Redknapp hồi 25-10. Cũng vào thời điểm cuối tháng 10 ấy, Schuster lần đầu tiên đứng trước viễn cảnh bị mất việc sau khi để cho đội bóng đàn em Real Union loại khỏi Cúp Nhà Vua. Những tin đồn về việc Real tiếp xúc với Ramos xuất hiện không lâu sau đó. Đúng trưa thứ Ba vừa qua, Real chính thức sa thải Schuster và ký hợp đồng với Ramos đến hết mùa bóng. Số phận của Schuster và Ramos đã hoán đổi cho nhau. Còn nhớ mùa trước, Sevilla của Ramos đã hạ Real của Schuster 5-3 ngay tại Bernabeu trận lượt về tranh Siêu Cúp. Ramos lấy đi của Schuster một chiếc cúp, giờ ông cũng lấy luôn chiếc ghế của Schuster, số phận sao mà kỳ lạ.

Khi nhận quyết định sa thải, Schuster chỉ dám vào bệnh viện thăm Mahamadou Diarra, báo cho anh hay thông tin mình đã mất việc. Sau đó, ông đi shopping cùng gia đình cho khuây khỏa, nhắn tin chia tay các học trò của mình. Ông chẳng dám đến Valdebedas để nhìn các học trò lần cuối. Ông rất ngại phải gặp Ramos.

5. Thế nhưng Schuster hay Ramos cũng đều đã và đang là nạn nhân của những vị Chủ tịch bất tài và ưa đổ lỗi. Real đi đêm với Schuster khi đang có Capello, giờ thì họ móc nối với Ramos khi đã có ông. Daniel Levy của Tottenham làm mọi cách để lấy lòng ông, nhưng khi mọi chuyện không suôn sẻ họ sẵn sàng móc nối với Harry Redknapp và đẩy ông ra đường. Cái vòng lẩn quẩn ấy buộc số phận của Schuster và Ramos phải hoán đổi cho nhau. Họ chỉ là những con cờ của Ramon Calderon và Daniel Levy, là tấm bình phong để xoa dịu giới CĐV đang giận dữ. Họ phải đuổi 2 ông đi, vì họ chẳng thể tự mình rút lui. Đó là cái vòng xoay nghiệt ngã của thế giới bóng đá, là quy luật khắc nghiệt và tàn nhẫn của nghiệp cầm quân. Thế thôi.

6. So với Schuster hay Ramos, con đường huấn luyện của Pep Guardiola suôn sẻ hơn rất nhiều. Dường như số phận đã ấn chiếc ghế huấn luyện vào tay Pep. Làm HLV đội trẻ đúng một năm, cuộc khủng hoảng đã đẩy Frank Rijkaard ra đi và Pep được hưởng lợi từ sự ra đi đó. Pep là học trò của Johan Cruyff, lại là một người Catalan chính hiệu. Ông thừa hiểu thế nào là truyền thống, là triết lý bóng đá của Barcelona. Ông đã áp dụng tinh thần ấy, cộng với cách làm việc khoa học và khôn ngoan để vực dậy Barca. Gần như sự xuất hiện của Pep gây ra một hiệu ứng tức thì. Barca thi đấu khởi sắc và đang là ứng cử viên hàng đầu cho cả 2 mặt trận là Liga và Champions League.

Pep đã tiếp nối truyền thống của Cruyff, như Cruyff đã từng tiếp nối Rinus Michels và chính Michels đã từng “quán triệt” từ Helenio Herrera. Suốt bao nhiêu năm qua, Barcelona luôn giữ được bản sắc của mình: một đội bóng đặt tinh thần Catalan lên trên hết, đá đẹp và cống hiến. Real Madrid thì không. Như Cruyff đã nhận xét, từ sau thế hệ của những Emilio Butragueno, Michel, Manolo Sanchis, Real bắt đầu đánh mất dần truyền thống và triết lý bóng đá. Điều đó xuất phát từ lỗi của Ban lãnh đạo. Florentino Perez đẻ ra chính sách Zidanes & Pavons, Ramon Calderon cũng chỉ toàn chăm bẳm mua các ngôi sao nước ngoài. Sự kiện giám đốc đào tạo tài năng trẻ của Real là Michel ra đi đã phản ánh rõ nét nhất sự lệch hướng đó. Schuster từng đá cho Real, nhưng chính ông cũng đã không thể sống như một Madridista đúng nghĩa, ông hiếm khi trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, ông cho Real đá thận trọng trên sân khách. Ramos vừa đến cũng vừa nêu ngay 2 cái tên Arshavin và Zokora. Trận derby kinh điển của bóng đá thế giới đang mang một hình ảnh khác. Nó vẫn hấp dẫn, vẫn máu lửa nhưng đã không còn “chất” như ngày xưa.

7. Trận Superclasico đã ở trước mắt. Juande Ramos cũng từng là HLV đội trẻ của Barcelona như Pep. Họ sẽ bước vào trận Superclasico đầu tiên trong nghiệp cầm quân của mình. Có 2 học trò cũ của Ramos đang ở bên kia chiến tuyến: Daniel Alves và Seydou Keita. Họ cũng như ông, kiên quyết ra đi để nâng sự nghiệp của mình nên một tầm cao mới.d Juande Ramos từng chứng tỏ mình biết cách đánh bại Barca, ông đã 3 lần thắng Barca trong khuôn khổ Liga và còn đánh bại họ trong trận tranh Siêu Cúp Châu Âu. Khi Ramos khởi nghiệp cầm quân, Pep hãy còn là một cầu thủ triển vọng trong màu áo Barca. Nhưng trong cuộc đọ tài này, chính Pep mới là người đang chiếm thế thượng phong. Ramos có đúng 4 ngày để chuẩn bị cho trận đấu được chờ đợi nhất trong năm. Mùa trước Schuster đã thắng Rijkaard trong cả 2 trận lượt đi và về. Chưa đầy một năm sau, ngồi trên ghế huấn luyện trận Siêu kinh lại là 2 HLV khác. Âu đó cũng là sự sắp đặt của số phận vậy.
 
Trần Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm