Trần Tiến Đại : 'Siêu cò' hay người đi trước thời đại?

28/08/2013 19:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đang là đương kim huấn luyện viên trưởng kiêm giám đốc điều hành câu lạc bộ Xi măng Xuân Thành Sài Gòn đá ở V-League, nhưng mỗi khi nhắc đến cái tên Trần Tiến Đại, người ta nghĩ ngay đến bóng dáng một “siêu cò” trong làng bóng đá Việt Nam, mặc dù bản thân ông Đại đã khẳng định: “Tôi giải nghệ rồi”.

Trần Tiến Đại là ai và đã làm những gì, để được biết tới như một trong những nhân vật quyền lực nhất nền bóng đá xứ sở, được đồn đại là người thao túng các giải đấu?

Một thuở cơ hàn

Vào khoảng những năm 2005-2006, khi “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam vừa giải nghệ và bắt đầu tìm đến các lớp học bằng huấn luyện viên sơ khai, thì Trần Tiến Đại đã sở hữu tấm bằng B huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), đồng thời là trợ lý huấn luyện viên đội tuyển U20 Việt Nam dưới thời ông Đoàn Phùng. Ông Đại không thuộc “thế hệ vàng”, thậm chí chưa từng lên đội hình một đá giải các đội mạnh, nhưng so với đồng nghiệp cùng thế hệ, Trần Tiến Đại đã đi trước thời đại một bước.


Ông Trần Tiến Đại đi trước thời đại trong làng túc cầu Việt Nam, và ông đã trở thành một “siêu cò” lừng lẫy

Đội hình U20 Việt Nam vào thời điểm đó, người ta có thể đọc vanh vách những cầu thủ thuộc hàng sao số bây giờ như Thành Lương, Quang Tình, Công Minh, Đắc Khánh, Ngọc Anh, Trọng Hoàng, Đức Nhân, Văn Khải, Phúc Hiệp, Long Giang, Nhật Tân… Người thạo nghề cho rằng, việc tiếp cận lứa cầu thủ trẻ tài năng thứ hai của bóng đá Việt Nam (sau thế hệ sinh năm 1985 của Công Vinh) là một bước đệm quan trọng cho công việc môi giới của Trần Tiến Đại sau này.

Giai đoạn 2006-2008, sau cú “áp-phe” thành công đầu tiên đội bóng hạng Nhất Sơn Đồng Tâm Long An ra đất Ninh Bình (tiền thân của Vissai Ninh Bình sau này), Trần Tiến Đại quyết định từ giã “chốn quan trường”, để bắt đầu một sự nghiệp rất mới mẻ: Nghề môi giới cầu thủ, hay vẫn gọi nôm na là cò. Bắt đầu từ nguồn hàng ngoại quốc, với việc đón lõng số lượng ngày một đông các cầu thủ có nguồn gốc lục địa đen, tìm đến dải đất hình chữ S kiếm việc, kế đến là nội binh.

Rất thường xuyên, ông xuất hiện tại các giải đấu giao hữu trước mùa bóng, để cấy hay cài cắm cầu thủ của mình và bán đứt luôn nếu được giá. “Anh lấy thằng này đi. Chiều cao 1m85, thể lực tốt và có thể dứt điểm bằng cả hai chân”, quay qua bên này, cò Đại nói với ông giám đốc điều hành một câu lạc bộ ở Hà Nội, tại giải tập huấn diễn ra trên sân tập Mỹ Đình, một ngày cuối năm 2007; ngoảnh qua bên kia, ông rót những lời đường mật vào tai ông chủ, rồi ông kéo đám ngoại binh lại và nói gì đó.

Đấy là giai đoạn khó khăn, khi cò Đại chưa tạo được vị thế trên thương trường, lại không có một đội bóng làm trại huấn luyện hay đầu ra cho cầu thủ của mình (một kiểu giống ê-kíp của huấn luyện viên Calisto tại Đồng Tâm Long An trước đây). Chuyện ăn sáng TP.HCM và dùng cơm chiều ở Hà Nội, với Trần Tiến Đại là rất bình thường. Ông tìm về tận Cần Thơ, An Giang, rồi lại tức tốc ngược ra Quảng Ninh để chào hàng. Cò Đại bay biền biệt cả tháng mới về nhà.

Và có một lần, ông Đại bị đám cầu thủ da màu đuổi đánh thừa sống thiếu chết tại Trung tâm Công an TP.HCM (Đầm Sen), vì không cho họ tiền ăn và tiền tiêu vặt. Bận đó, siêu cò của bóng đá Việt Nam phải nhảy từ tầng hai xuống đất, mới mong thoát thân. Rồi sự cố một cầu thủ ngoại quốc (vốn là hàng của ông Đại) chết bất tử khi đang thử việc ở đội hạng Nhất Đồng Nai. Cộng với việc thi rớt chứng chỉ hành nghề môi giới cầu thủ của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), ông Đại vẫn mang tiếng là hoạt động chui...

Bất luận thế nào, những tai nạn nghề ở thời kỳ phôi thai, cho ông đủ những bài học xương máu, để chúng ta được biết đến một “siêu cò Trần Tiến Đại” sau này.

Và chân dung siêu cò

Thị trường chuyển nhượng là một mắt xích, một công đoạn không thể thiếu, nếu không muốn nói là cực kỳ quan trọng, có thể mang tính quyết định sự tiến bộ, hay thụt lùi, của các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp. Và ở đó, đội ngũ những nhà môi giới hay thậm chí cả những tay cò vặt, có vai trò như yếu nhân. Họ tạo ra những bản hợp đồng và giúp cho giải đấu giàu tính cạnh tranh hơn, hấp dẫn hơn, bằng việc đưa về các tên tuổi lớn của thế giới túc cầu.

Với cò Đại và đồng nghiệp của ông, các ngôi sao World Cup như Denilson hay Philani, “King” Leandro, Francois Endene, cộng với vô số các tuyển thủ quốc gia khác thuộc khu vực châu Phi, đều tìm đến Việt Nam thông qua các đại lý, với những bản lý lịch được làm đẹp. “Bóng đá Việt Nam là cò Đại và cò Đại chính là bóng đá Việt Nam” hay “thế giới có Jorge Mendes, Việt Nam có Trần Tiến Đại”, phần nào nói lên đẳng cấp của ông trên thị trường chuyển nhượng.

Khoảng thời gian từ 2008 tới 2011 chính là đỉnh cao của Trần Tiến Đại, với nguồn hàng cực kỳ dồi dào và ông sẵn sàng cung ứng cho cả thị trường Trung Đông đầy tiềm năng. Rất nhiều các tay cò chuyên nghiệp hoặc bán chuyên khác, từng có ý định thọc sâu vào nền bóng đá xứ sở, nhưng đều bị dội ra bởi không thể “chiến” được với cò Đại. Cũng trong khoảng thời gian này, ông Đại trở thành giám đốc điều hành và huấn luyện viên Vissai Ninh Bình, rồi Xi măng Xuân Thành Sài Gòn…

“Có nhiều thời điểm, tôi phải làm việc với hải quan và Cục xuất nhập cảnh để xin visa, cũng như giấy phép hành nghề cho hàng trăm cầu thủ người nước ngoài”, một cộng sự cũ của cò Đại chia sẻ. Với rất nhiều các ngoại binh từng thành danh ở V-League hay giải hạng Nhất, thêm một số lượng đáng kể các ngôi sao nội đạt đến cột mốc chuyển nhượng chục tỷ đồng, đã xem cò Đại là thần tượng, là người hùng. Hợp tác với ông Đại, bạn sẽ có rất nhiều tiền.

Ngoài việc rất thức thời, khi bóng đá doanh nghiệp trở nên thịnh, với túi tiền tưởng như không đáy của các ông bầu, thì thổi giá cầu thủ còn là một nghệ thuật khác. “Người ta trả cậu bao nhiêu, 2 tỷ đồng, 3 năm đúng không? Về với anh, chú sẽ có 6 tỷ đồng, cũng bằng với khoảng thời gian đó. Chuyện sau đó thế nào, là việc của anh và nếu chú thích, thì gửi lại anh chút tiền chè thuốc thôi”, đấy là một cách tiếp cận. Cầu thủ là con người, ai không muốn nhiều tiền?!

Nhiều ý kiến cho rằng, ông Đại đã lũng đoạn nền bóng đá và thậm chí còn phá nát nó, tuy nhiên, xét cho cùng thì ông chỉ làm một công việc kiếm được nhiều tiền hơn người khác. Bằng cách nào đó, cò Đại móc tiền từ túi các ông bầu và trao một phần cho cầu thủ ngôi sao. Đội bóng được tiếng, còn ông và cầu thủ được miếng. Thuận mua, vừa bán, thế thôi! Ông Đại là người hoạt ngôn, thông minh và luôn biết cách rót vào tai người khác những lời đường mật.

Sau rất nhiều những cuộc bể dâu, những phản ứng phụ, cả những di chứng, dị tật mà nghề môi giới cầu thủ để lại, thậm chí còn có thông tin khẳng định rằng, cò Đại đang phải chịu khoản nợ khổng lồ. Cũng bình thường, bởi nghề nào chả thế, hết thịnh rồi suy. Đấy không hẳn đã là cái giá phải trả của một siêu cò.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm