Vấn nạn chuyển nhượng Serie A: Người Italia bị… kỳ thị

05/08/2010 12:20 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Đầu tháng 7/2010, Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) đưa ra điều luật cắt bớt suất mua cầu thủ ngoài EU cho các đội bóng Serie A, nhằm mục đích hạn chế làn sóng cầu thủ nước ngoài tràn vào calcio. Nhưng sau chỉ một tháng, thực tế cho thấy một sự thật trái ngược.

Tính đến ngày hôm qua, 4/8, tổng số cầu thủ ngoại được các đội bóng Serie A mua mới (hoặc mượn) từ nước ngoài – không tính số cầu thủ ngoại luân chuyển giữa các đội bóng Italia - đã lên đến con số 32, trong khi con số của cả kỳ chuyển nhượng mùa hè 2009 chỉ là 31. Thị trường vẫn còn hoạt động gần một tháng nữa và chắc chắn con số cuối cùng sẽ nhiều hơn 32 rất nhiều, khi hầu như tất cả các đội vẫn đang hướng tầm nhìn ra bên ngoài biên giới Italia.


Mascherano sớm muộn gì cũng tới Inter - Ảnh  Getty
Bất chấp thất bại thảm hại của bóng đá Italia tại World Cup cũng như các giải vô địch trẻ quốc tế, bất chấp những đề xuất, những chỉ trích, những tuyên bố, những quy định mang tính cưỡng chế đã được áp dụng, không có gì thay đổi cả. Những người “to mồm” bậc nhất trong phong trào chỉ trích thất bại của đội tuyển Italia tại Nam Phi vừa qua, như Marizio Zamparini, nay trở thành những người “sính ngoại” bậc nhất (Palermo vừa mua thêm 4 ngoại binh). Có vẻ các đội bóng Serie A đang cố tình “chơi” lại FIGC sau vụ quy định cắt suất cầu thủ ngoài EU (từ 2 còn 1) được áp dụng từ tháng trước. Không mua cầu thủ ngoài EU thì họ mua cầu thủ trong EU, hoặc cầu thủ Nam Mỹ nhưng có hộ chiếu EU.

Vẫn thói quen cũ: thà dùng một ngoại binh hôm nay còn hơn cầu thủ Italia ngày mai (trẻ). Vẫn xu hướng cũ: mỗi năm lại mua hàng loạt ngoại binh không mấy nổi bật. Những hợp đồng “bom tấn” cho đến lúc này là Veloso, Garrido, Boruc, Munoz, Rafinha – những cầu thủ có chất lượng, nhưng không quá hứa hẹn. Thời của những Kaka, Ibrahimovic, Maicon hay Pato có lẽ đã qua. Tiềm năng nhất trong mùa hè 2010 có lẽ chỉ là Coutinho và Adriano, trong khi những Glik, Reginiussen, Rudolf hay Pintos… chưa chắc đã vào được danh sách đá chính. Nhưng tất cả những ngoại binh đó đang đẩy các đồng nghiệp người Italia ra khỏi đội hình các đội bóng, thậm chí là “bắn” ra nước ngoài. Chẳng lẽ không có cầu thủ Italia nào đáng mua bằng họ?

Từ nay đến khi thị trường mùa hè đóng cửa (31/8), chắc chắn sẽ có thêm nhiều ngoại binh nữa cập bến calcio, khi mà những vụ mua bán được quan tâm nhiều nhất đều là giao dịch quốc tế. Juventus sắp có Krasic (người Serbia), Inter đang tìm mọi cách chiêu mộ Mascherano (Argentina), còn Lazio 99% sẽ đón chào Hernanes (Brazil). Đó là những cầu thủ có thể được gọi là “ngôi sao” với đẳng cấp và kinh nghiệm quốc tế rất tốt, nhưng chưa chắc đã là những nhà vô địch có thể tạo ra khác biệt và nâng tầm vóc của Serie A trên đấu trường châu lục. Trong khi đó, Balotelli (sinh 1990) phải tìm đường sang Anh, Cigarini (1986) và Guarente (1987) sang Tây Ban Nha đá cho Sevilla, vì họ không được các đội Serie A quan tâm.

Ở trong nước, Antonio Candreva (1987) bị Juventus phũ phàng đẩy trả cho Udinese. Andrea Poli (1989) không được các đội hàng đầu chú ý dù đang thể hiện tiềm năng rất lớn trong màu áo Sampdoria, hoặc là có chú ý nhưng không quyết định đầu tư. Bên cạnh đó còn có những Galloppa, Biagianti, Mannini, Palladino, Mesto, Bocchetti, Matri, Mantovani… những cầu thủ trong độ tuổi 23-27 vẫn cứ phải nhọc nhằn thể hiện mình ở các đội hạng trung, dù luôn chơi nổi bật các mùa giải gần đây. Nghịch lý là không đội bóng lớn Serie A nào dám đặt niềm tin vào họ, trong khi bỏ công tốn tiền để mua hy vọng từ những cái tên ngoại quốc chưa chắc đã giỏi hơn họ, mà chẳng hiểu Serie A bằng họ.

Hậu quả đội tuyển Italia phải gánh tất cả. Nếu Azzurri thời gian tới gồm một thế hệ không biết đến đẳng cấp Champions League, không bị sức ép ghê người, không có tí kinh nghiệm quốc tế đỉnh cao nào, không có cả khát vọng vinh quang – những ảnh hưởng của việc chơi ở các đội bóng hạng trung thiếu tham vọng, thì đó là một Azzurri thất bại từ trước cuộc chiến. Nhưng những ông chủ kiểu như Zamparini (Palermo) hay Gasperini (Genoa) đâu có quan tâm đến điều ấy, khi ngoài mặt họ phê phán chính sách sùng ngoại làm hỏng bóng đá Italia, còn trong lòng luôn tìm ra nước ngoài để mua cầu thủ cho đội bóng của mình.

Cầu thủ Italia đang bị kỳ thị ngay trên chính quê hương mình. Năm ngoái, tài năng trẻ Giovinco đã thốt lên một câu thật xót xa: “Nếu tôi là người Brazil hay Argentina, có lẽ tôi đã được ra sân thường xuyên hơn. Tôi lấy làm tiếc vì mang quốc tịch Italia”.
 
B.V

Danh sách ngoại binh

Đã có tổng cộng 32 vụ mua cầu thủ từ nước ngoài được hoàn tất (hoặc coi như đã hoàn tất), tính đến ngày 4/8. Trong số 20 đội Serie A, chỉ có 7 đội chưa mua hoặc mượn bất kỳ cầu thủ nào từ bên ngoài biên giới Italia, là Bari, Bologna, Cagliari, Juventus, Milan, Napoli và Sampdoria (nhưng cũng không lâu nữa).

Dưới đây là danh sách cụ thể:

Brescia: Kone (người Albania, từ CLB Iraklis).

Catania: Martinho (Brazil, Paulista), Gomez (Argentina, San Lorenzo).

Cesena: Nagatomo (Nhật Bản, FC Tokyo).

Chievo: Cesar (Brazil, Grenoble). Fiorentina: Boruc (Ba Lan, Celtic).

Genoa: Rudolf (Hungaria, Debreceni), Eduardo (BĐN, Braga), Zuculini (Argentina, Hoffenheim), Veloso (BĐN, Sporting Lisbon), Rafinha (Brazil, Schalke), Chico (TBN, Almeria).

Inter: Coutinho (Brazil, Vasco).

Lazio: Gonzalez (Argentina, Nacional), Pintos (Uruguay, San Lorenzo), Garrido (TBN, Man City).

Lecce: Olivera (Uruguay, Penarol), Gustavo (Brazil, Vasco), Reginiussen (Na Uy, Schalke), Grossmuller (Uruguay, Danubio).

Palermo: Kasami (Thụy Sĩ, Bellinzona), Glik (Ba Lan, Gliwice), Garcia (Argentina, Rosario Central), Munoz (Argentina, Boca Juniors).

Parma: Paletta (Argentina, Boca Juniors), Marques (TBN, Espanyol).

Roma: Adriano (Brazil, Flamengo), G.Burdisso (Argentina, Rosario Central).

Udinese: Karagounis (Hy Lạp, Atromitos), Muriel (Chile, D.Cali), Vydra (Czech, Barik Ostrava), Monzon (Argentina, Boca Juniors), Abdi (Thụy Sĩ, Le Mans).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm