Real gây tranh cãi vì danh hiệu đang chi phối triết lý bóng đá ở Bernabeu

29/05/2018 06:31 GMT+7 | Real Madrid

(Thethaovanhoa.vn) - Real Madrid đã tạo ra một đế chế mới ở Champions League với 3 chiếc cúp vô địch liên tiếp, đó là sự thống trị tuyệt đối trên khía cạnh danh hiệu. Nhưng ở yếu tố kĩ thuật, hay nói rộng hơn là triết lý bóng đá, đó không hẳn là đội bóng hoàn hảo.

Có rất nhiều biểu tượng lừng lẫy trong quá khứ mà khi nhắc đến nó, người ta sẽ khái quát được cả thời kì mà triết lý bóng đá đó vang dội khắp châu Âu, và hiểu được rằng, nền tảng chơi bóng đó được đưa vào bảo tàng, trở thành đề tài được nghiên cứu trên toàn thế giới, cũng như là hình mẫu lý tưởng để học hỏi như Catenaccio của Inter Milan vào những năm 1963-1967, như bóng đá tổng lực của Ajax Amsterdam từ năm 1970-1973, như AC Milan của những năm 1987-1994, và gần nhất là tiki-taka của Barcelona từ 2008 – 2015.

Những biểu tượng lịch sử

Catenaccio, đã manh nha xuất hiện tại Italy vào những năm 60 của thế kỉ trước, với người khởi xướng là Nereo Rocco, một HLV luôn hoài nghi những nghệ sĩ trên sân cỏ như Jimmy Greaves hay Gianni Rivera, người đã phổ biến một hệ thống chơi bóng hoàn toàn khác lạ vào thời điểm đó, cũng như tạo ra một xu hướng không thể ngăn cản. Ông đã bắt đầu thứ bóng đá đó với Scudetto mùa giải 1961-1962 cùng AC Milan, và một năm tiếp theo, đội bóng áo sọc đỏ đen đăng quang ở cúp C1 châu Âu.

Nhưng Catenaccio thật sự trở thành tôn giáo bóng đá, và định hình luôn cả triết lý bóng đá của Italy sau này dưới bàn tay của Helenio Herrera. Người đã cùng Inter Milan định nghĩa lại Catenaccio, thay vì chơi với một cầu thủ đá quét sau 3 hậu vệ, Herrera "nhồi" thêm một tiền phòng ngự nữa để biến đội bóng trở thành boong ke không thể công phá.

Inter Milan giành Scudetto vào các năm 1963, 1965 và 1966, lên ngôi ở châu Âu trong hai mùa bóng liên tiếp 1964 và 1965, thêm một lần vào chung kết năm 1967 (thua Celtic). Người ta sẽ còn tranh cãi về tuyên bố của Helenio Herrera rằng Inter Milan không phải là đội bóng phòng ngự, nhưng điều đó không quan trọng nữa, khi người Ý đã bị triết lý bóng đá này chi phối cho tới khi Arrigo Sacchi xuất hiện như một cơn bão vào cuối những năm 80 đầu năm 90 của thế kỉ trước, với ý tưởng chiến thuật pressing toàn sân bằng đội hình 4-4-2, tốc độ của mỗi pha phản công phải đạt từ 5-6 m/s, trong khi kiểm soát bóng phải được tận dụng tối đa trong việc ghi bàn. AC Milan của Arrigo Sacchi và nối tiếp sau đó là Fabio Capello đã giành được 5 Scudetto và 3 C1/Champions League trong 7 mùa bóng của triết lý pressing.

Trở lại với thập niên 70 của thế kỉ trước, khi Catenaccio đang khuynh đảo cựu lục địa thì Ajax Amsterdam của Rinus Michels nổi lên với thứ bóng đá tổng lực vẫn còn vang vọng mãi cho đến tận sau này với sơ đồ 4-3-3 kinh điển. Đó là cuộc cách mạng của bóng đá tấn công, thứ sẽ đánh đổ catenaccio ở bình diện châu Âu khi đó với ý tưởng tấn công từ các thủ môn, bóng luân chuyển rất nhanh giữa các tiền vệ và hậu vệ, sau đó được chuyển tới các tiền đạo, ý tưởng này khiến cho các cầu thủ của Ajax Amsterdam không thể bị khóa chặt bởi kiểu phòng ngự cũ kĩ một kèm một, đồng thời tạo ra áp lực hoàn hảo lên phía đối phương.

'Huyền thoại của những huyền thoại' Real Madrid sẽ không bao giờ kết thúc

'Huyền thoại của những huyền thoại' Real Madrid sẽ không bao giờ kết thúc

Mọi thứ sẽ mờ dần theo thời gian. Nhưng có những thứ không bao giờ bị lãng quên, như cách Real Madrid đã trở nên vĩ đại như thế nào với chức vô địch Champions League thứ 3 liên tiếp trong lịch sử.

"Chúng tôi đã chơi thứ bóng đá đáng kinh ngạc vào thời điểm đó", Johan Cruyff, nhân tố hoàn hảo cho triết lý bóng đá tổng lực từng nói về nó với niềm tự hào, "chúng tôi chơi bóng theo phong cách riêng của mình, mà người ta chưa từng nhìn thấy ở đâu trên thế giới".

Sau này, cố HLV huyền thoại người Hà Lan mang bóng đá tổng lực gieo mầm ở Barcelona với những thành công vang dội vào đầu những năm 90, trước khi triết lý bóng đá này được Pep Guardiola nâng tầm một lần nữa với tiki-taka trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2012, trước khi dấu ấn cuối cùng của nó xuất hiện ở mùa bóng 2015 với Luis Enrique.

Chú thích ảnh
Zidane đã sánh vai với những HLV huyền thoại xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá châu Âu và thế giới

Real Madrid ở đâu?

Zinedine Zidane đã tạo ra lịch sử cho Real Madrid ở Champions League, và không một ai trong số những chiến lược gia hàng đầu của thế giới bóng đá có thể làm được như vậy từ quá khứ tới hiện tại, kể cả đó có là Rinus Michels, Johan Cruyff, Helenio Herrera, Bob Paisley, Ancelotti hay Pep Guardiola.

Real Madrid hiện thân cho tất cả những gì mà Chủ tịch Florentino Perez mong muốn: Vĩ đại, thành công cả thể thao lẫn kinh tế, với những ngôi sao lớn nhất thế giới, và những tài năng trẻ hay nhất Tây Ban Nha. Zinedine Zidane may mắn sở hữu một trong những thế hệ cầu thủ đẹp nhất trong lịch sử đội bóng Hoàng gia, cố gắng kiểm soát phòng thay đồ nhờ danh tiếng của mình. Và trên sân cỏ, đơn giản hóa các yếu tố chiến thuật, nghiên cứu đối thủ tỉ mỉ, thích ứng tuyệt vời với những diễn biến của trận đấu, và quan trọng nhất là tạo ra sự cạnh tranh trong hệ thống chơi bóng ở Bernabeu, cũng như tin tưởng tuyệt đối vào các cầu thủ.

"Chúng tôi chỉ làm mọi thứ theo cách đơn giản nhất", Casemiro nói ngay sau khi đội bóng Hoàng gia đăng quang ở Kiev. Thực tế, Zidane không sáng tạo ra bất cứ ý tưởng chiến thuật nào mới mẻ, và trong khoảng thời gian làm việc ngắn ngủi như vậy từ Real Madrid B cho đến hiện tại, HLV người Pháp cũng chỉ thực hiện đúng các nguyên tắc của bóng đá, với những chiến thuật cơ bản và thu lại thành công như mong đợi.

Real Madrid của Zinedine Zidane là sự kết hợp hài hòa của các yếu tố kiểm soát bóng, phòng ngự thực dụng, và tấn công trực diện. Ở đội bóng này có sự pha trộn của rất nhiều cầu thủ có phong cách chơi bóng khác nhau, một chút đơn giản như Toni Kroos, một chút nghệ sĩ như Marco Asensio, mềm mại như Isco Alarcon, mạnh mẽ như Sergio Ramos, ngẫu hứng như Marcelo, đa năng như Luka Modric, hiệu quả như Gareth Bale, và số 1 là Cristiano Ronaldo.

Huyền thoại người Pháp không bị gò ép vào bất cứ quan điểm chiến thuật nào, mà chỉ đơn giản hóa nó trong các tình thế khác nhau của trận đấu hay tính thời điểm của mùa giải, kết hợp với những điều chỉnh cụ thể trên sân cỏ nhờ trí thông minh cũng như kinh nghiệm chơi bóng đỉnh cao trong quá khứ. Real Madrid vô địch Champions League 3 mùa bóng liên tiếp mà không có bất cứ triết lý chơi bóng nền tảng nào như AC Milan, Inter Milan, Ajax Amsterdam hay Barcelona. Ở đây, chúng ta nhận thấy rằng, danh hiệu đang chi phối triết lý bóng đá ở Bernabeu.

Nhưng cuối cùng một triết lý nào đó có quan trọng bằng việc giành được những danh hiệu cụ thể hay tạo ra những kì tích như Real Madrid không, vẫn sẽ là đề tài tạo ra nhiều tranh luận trong thời gian tới.

Nhật Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm