11/09/2011 10:46 GMT+7 | Tennis
(TT&VH Online) – Nole đánh bại Federer 6-7(7), 4-6, 6-3, 6-2, 7-5. Nadal vượt qua Murray 6-4, 6-2, 3-6, 6-2. Họ sẽ tranh vương miện ở Flushing Meadows trong một trận đấu hứa hẹn sẽ khiến "trời long, đất lở".
Nadal và Djokovic tranh chức VĐ Mỹ mở rộng 2011 - Ảnh Getty |
Trong trận đấu vừa kết thúc cách đây chưa lâu, Nadal (2) một lần nữa dập tắt mọi hy vọng phục thù của Murray (4) để vào CK Mỹ mở rộng lần thứ 2 liên tiếp. Đúng như đã đề cập ở bài viết trước đó khi họ cùng vượt qua đối thủ của mình ở tứ kết, những cuộc chiến Nadal-Murray thường không quá căng thẳng. Sau 12/17 lần thất bại trước Rafa, Murray phiên bản 2011 ở Flushing Meadows vẫn không thể vượt lên số phận. Tiếp tục là trận thua thứ 13 của Andy trước Rafa. Lần này nỗ lực của anh cũng chỉ đưa trận đấu sang set 4 và dừng ở đó. Murray thắng điểm nhiều hơn Nadal (44-31) nhưng bấy nhiêu không đủ bù lại số lỗi đánh hỏng quá nhiều của anh so với đối thủ (55-23). Một thất bại không thể bào chữa. Không có gì để tiếc nuối vì thực sự thì Murray vẫn chưa thể và chưa biết bao giới mới có thể bước qua “giới hạn” của chính anh. Thế nên, hãy chúc mừng Rafa và sau đây chúng ta cùng nhìn lại trận đấu đầy cảm xúc giữa Federer và Djokovic kết thúc lúc 4h sáng hôm nay, 11/9/2011.
Không có gì là mãi mãi
Không tay vợt nào bất bại mãi mãi. Chỉ có những khoảnh khắc bất tử trong sự nghiệp của họ mà thôi. Khi Roger thắng tie-break 9-7 để dẫn Nole 7-6 ở set 1, người ta bắt đầu mơ về một cuộc thánh chiến. Khi anh thắng Nole 6-4 ở set 2, rất nhiều người hẳn tin rằng tay vợt Thụy Sĩ đã nghe thấy tiếng gọi của lịch sử và sắp tìm thấy chiếc chìa khóa vàng để mở cánh cửa thiên đường. Cuối cùng thì chiếc chìa khóa ấy vẫn được tìm thấy. Chỉ có điều người cầm nó lại là Nole. Một cuộc lật đổ nghẹt thở trước khi nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng đó mới là Djokovic.
Mùa thu nay khác rồi. Trời New York xanh màu xanh hy vọng. Đất dưới chân nhưng nắng ở trên đầu. Nole không sinh nhầm thế kỷ mà đang đi trong thế kỷ của chính mình. Một thế kỷ có đớn đau của những thất bại quá khứ, có vinh quang chói lòa của hiện tại và có cả những hy vọng tràn trề cho tương lai. Hôm qua là quá khứ của hôm nay. 17 khoảnh khắc mùa xuân của Federer có lẽ đã mãi mãi dừng lại thật rồi. Chiếc đồng hồ Thụy Sỹ không chạy trên đất Mỹ vì nó gặp phải những tia nắng chói chang của ánh mặt trời Serbia.
Buồn làm chi, tiếc làm chi vì sau cùng thì mọi ân oán, thành bại cũng sẽ ra đi, chỉ có tình yêu quần vợt và những khoảnh khắc bất tử còn ở lại. 16 cúp vô địch Grand Slam và vô số kỷ lục, danh hiệu khác có lẽ là đủ với Roger rồi. Một huyền thoại không mất đi chỉ vì một thất bại. Mà dù Federer có thua, thua nữa, thế giới banh nỉ cũng không bao giờ có thể lãng quên anh. Làm sao quên được những tuyệt kỹ của một thời vang bóng. Làm sao không nhớ phong cách lịch lãm và nụ cười hiền từ trong dáng dấp của một thiên tài. Gương mặt ấy, cái tên ấy sẽ mãi còn ám ảnh những người hâm mộ tennis khắp thế giới. Roger Federer ước mong thêm một lần vô địch Grand Slam trong sự nghiệp. Chẳng phải anh đã có Grand Slam lớn nhất của đời mình đó sao. Grand Slam thứ 17 ấy mang tên Mirka Vavrinec, Myla Rose và Charlene Riva. Vợ đẹp, con ngoan, tiền tài gõ cửa. Đó là đỉnh cao của mọi đỉnh cao. Đó là số 1 của mọi số 1 rồi, Roger. Anh không thể mong đợi gì hơn thế.
Ngả mũ trước Nole. Bao thất bại quá khứ không làm anh gục ngã. Bao nỗi buồn chảy ngược vào tim không dập tắt được khát vọng chiến thắng trong anh. Rắn chắc như một khối bê tông. Dũng mãnh và can trường như một võ sỹ giác đấu. Và đẹp như đá hoa cương. “Kẻ hủy diệt” đến từ Serbia đã làm nên cuộc lật đổ thần kỳ trong mùa giải vĩ đại của riêng anh. Anh chơi như chưa bao giờ từng chơi như thế. Anh đánh như hôm nay là trận đấu cuối trong đời. Và nở nụ cười của mùa thu tỏa nắng. Chiến thắng thuộc về người dám tin và tranh đấu đến cùng cho nó. Còn một giây, một phút tàn hơi. Là còn chiến đấu mãi không thôi. Nole tạo nên những khoảnh khắc bất tử dưới bầu trời New York không chỉ bằng những cú quả mà trên hết còn bằng sự lạnh lùng của một nhà vô địch. Vẻ đẹp của tennis đỉnh cao là thiên hình vạn trạng. Hãy cảm ơn Roger vì anh đã cháy lên bằng tất cả những nguồn năng lượng còn lại của một “người đặc biệt”.
Hãy nghiêng mình trước Novak bởi muôn trùng gian khó không dập tắt được nụ cười trên môi anh. "Thập diện mai phục" của Roger không khiến anh sập bẫy. Một tay vợt như thế rõ ràng đã vươn tới tầm của một nhà vô đích thực rồi dù anh mới chỉ có 3 cúp vô địch Grand Slam trong sự nghiệp. Hiện tại này thuộc về anh. Tương lai này đang chờ anh đặt chỗ. Tay thợ săn thiện nghệ không bao giờ ra về trong thất vọng. Những quái kiệt luôn có chỗ dưới ánh mặt trời. Hôm nay ở New York, có lẽ một mặt trời đã lặn. Nhưng một mặt trời mới đang hé rạng ở phương Đông. Tên anh là Novak Djokovic. Kẻ chinh phạt vĩ đại đang khuynh đảo thế giới banh nỉ bằng sức mạnh của tuổi trẻ, khát vọng chiến thắng luôn chảy tràn trong huyết quản và những ngón nghề khiến mọi đối thủ phải quy hàng. Gần 23 nghìn khán giả ngồi chật kín sân Arthu Ashe ở New York đã bị thôi miên thực sự trong suốt 231 phút của tennis đỉnh cao. Có nụ cười rạng rỡ của Nole. Có nỗi buồn sâu thẳm của Roger. Nhưng trên hết là chiến thắng của người hâm mộ.
Họ đã chơi như thế nào?
Trong 2 set đầu mà Federer chiến thắng, tay vợt Thụy Sĩ không chỉ giao bóng tốt (uy lực và hiểm hóc) mà anh chơi backhand cũng rất thành công. Không thể nói đó là những cú trái tay danh bất hư truyền từng làm nên thương hiệu Federer một thời. Nhưng rõ ràng độ ổn định và chính xác của những cú backhand mà Roger thể hiện trong 2 set đầu là khá cao. Nó đã giúp anh chống lại những cú dồn trái của Djokovic tương đối hiệu quả. Mặt khác, khả năng giao bóng 1 tốt giúp Federer giành nhiều điểm quan trọng, kể cả trong loạt tie-break cân não. 2 set đầu tiên này, thể lực của Roger còn tốt nên anh phản xạ khá nhạy cảm với những pha tấn công của Nole và cú quả của tay vợt Thụy Sĩ duy trì được sự chính xác tương đối cao, nhất là cú backhand vốn là điểm yếu của anh thời gian qua.
Djokovic thua 2 set này nhưng khó nói là anh chơi tồi. Trái lại, hãy dành những tụng ca đẹp nhất cho Federer. Nhưng cũng phải thấy rằng, dù chiến thắng, Federer cũng bị bào mòn thể lực (nhất là set 1). Hệ quả là set 3 và 4 chúng ta thấy tay vợt Thụy Sĩ chơi đuối hẳn trong lúc Djokovic vẫn tỏ ra sung mãn và tràn đầy năng lượng. Ở hai set tiếp theo, Federer mắc lỗi nhiều, đặc biệt là set 4. Anh đánh backhand kém hẳn, giao bóng 1 cũng không còn tốt như set 1 và 2. Vì xuống sức nên những cú quả của Roger mất hẳn độ chính xác và phản xạ của anh trước những đường bóng tấn công của Nole cũng trở nên chậm chạp và kém nhạy cảm hơn nhiều. Việc Federer để Nole bẻ gãy game 2 của set 3 cộng với các game 1 và 5 của set 4 chính là vì anh đã thấm mệt. Dễ thấy ở trận này, Djokovic đập bóng nảy rất lâu trước khi giao bóng. Điều đó cho thấy tay vợt Serbia chú trọng thế nào đến cú service của anh. Phải nói, Nole giao bóng không phải là quá hay nhưng tương đối ổn định.
Đúng như đã phân tích, Nole thường xuyên ép trái Federer và đánh bóng dài, nặng, sát vạch baseline. 2 set đầu tiên anh chưa thành công với chiến thuật ép trái vì khi ấy Roger còn khỏe. Nhưng đến set 3 và 4, Nole đã phát huy hiệu quả ngón tấn công này vì tay vợt Thụy Sĩ đã “cạn pin”. Federer trận này lên lưới không nhiều lắm và anh cũng không đứng xa vạch baseline. Thực ra nếu đứng sau vạch baseline như kiểu Nadal thì không phù hợp. Bởi Nadal rất nhanh và khỏe. Federer sẽ không thể di chuyển kịp để cứu bóng nếu Djokovic lại dùng bóng ngắn để tấn công. Đó là lí do anh đứng sát vạch baseline. Tuy nhiên điều đó cũng vẫn khiến Roger gặp khó khăn vì Nole lại thường đánh bóng cận chân hoặc sát dây nên rất khó để tay vợt Thụy Sĩ phản công trở lại có hiệu quả. Set 5, chúng ta có cảm giác Roger như hồi sinh. Khó có thể nói là anh buông 2 set 3 và 4 để dồn sức đánh set 5 vì như thế là rất mạo hiểm. Có lẽ ở lằn ranh mong manh của thành bại, cựu số 1 thế giới đã chơi bằng sự kết hợp giữa sức mạnh tinh thần, kinh nghiệm dày dạn và khát vọng chiến thắng cùng những nguồn năng lượng cuối cùng sót lại trong anh.
Khi Nole để Roger bẻ gãy game đấu thứ 8 và dẫn trước 5-3 rồi 40-15, rất nhiều người cứ ngỡ cửa thiên đường đã mở. Nhưng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, Nole lại thoát hiểm thần kỳ để rồi tạo nên cuộc lật đổ kỳ diệu bằng 4 game thắng liên tiếp cuối cùng. Bõ lỡ cả hai match-point, Roger cầm vàng lại để vàng rơi. Vận may ngoảnh mặt với anh chăng? Có thể nhưng chỉ một phần rất nhỏ. Hãy tụng ca thần kinh thép và bản lĩnh lạnh lùng của Djokovic thì hơn. Ngay cả khi để thua tie-break 7-9 ở set 1, tay vợt số 1 thế giới đã cho thấy tâm lý thi đấu của anh vững vàng đến thế nào. Anh thất bại hoàn toàn không phải do tâm lý mà chỉ đơn giản là một chút kém chính xác hơn so với Federer trong đường tơ kẽ tóc mà thôi. Nhưng ở 4 game cuối cùng set 5, Nole đã sửa sai hoàn hảo. Tay vợt Serbia chơi forehand bị lỗi đáng tiếc khá nhiều ở trận này nhưng một chút may mắn và thật nhiều ý chí, tài năng đã giúp anh bù đắp cho tất cả. Khi một tay vợt đã buộc được federer phải uống cạn chén đắng dù thắng trước 2 set, anh ta xứng đáng được ngợi ca. Ở Flushing Meadows rạng sáng nay chưa phải là một Djokovic hoàn hảo trong mọi cú quả. Nhưng cú ngược dòng tuyệt vời bằng bản lĩnh lạnh lùng giữa muôn trùng gian khó đã xứng đáng được xem là hình ảnh của một nhà vô địch đích thực rồi. Tiếp nữa nhé, Nole!
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất