22/04/2022 05:44 GMT+7 | SEA Games 32
Công nghệ mapping, công nghệ thực tế ảo... sẽ được sử dụng trong Lễ khai mạc SEA Games 31 với nhiều màn trình chiếu ấn tượng. Nghệ sĩ múa Linh Nga, nghệ sĩ violin Bùi Công Duy cùng nhiều nghệ sĩ tài năng cùng góp sức… NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Tổng đạo diễn Lễ khai mạc – bế mạc SEA Games 31 đã bật mí với Thể thao & Văn hóa về buổi mở màn của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực.
* Thể thao &Văn hóa: Thưa NSƯT Trần Ly Ly, đảm nhận trọng trách Tổng đạo diễn Lễ khai mạc - bế mạc SEA Games 31 với áp lực “chạy đua thời gian” trong bối cảnh SEA Games 31 đã đến rất gần, chị và ê-kip sáng tạo đang thực hiện nhiệm vụ này như thế nào?
- NSƯT Trần Ly Ly: Tôi nhận nhiệm vụ này rất gấp, khoảng 45 ngày trước khi diễn ra Lễ khai mạc. Áp lực rất lớn để làm sao triển khai tất cả các nhiệm vụ này một cách tốt nhất, hoàn thành được trách nhiệm mà mình đặt ra. Song đó cũng niềm vinh dự lớn lao với tôi bởi đây là một sự kiện mang tầm quốc gia, tầm khu vực.
Ý tưởng của Lễ khai mạc SEA Games 31 là thể hiện một Việt Nam thân thiện, một Việt Nam cởi mở, yêu thương, chào đón bạn bè khắp nơi tụ hội, một Việt Nam lấy cái riêng cùng hòa nhập vào cái chung, chung một dòng chảy xuyên qua dịch bệnh để chúng ta tiếp tục mạnh mẽ hơn, đoàn kết cùng nhau bước tiếp, đúng tinh thần slogan của SEA Games 31 “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.
Khi kịch bản văn học được các cấp lãnh đạo thông qua, tôi viết kịch bản chi tiết về những gì sẽ triển khai đảm bảo được tiêu chí phần lễ và phần hội. Từ đó chuyển tải sang kịch bản âm nhạc, kịch bản múa để dàn dựng, kịch bản hình vẽ trình chiếu, kịch bản MC, kịch bản clip…
Một khối lượng công việc khổng lồ, trong một thời gian quá ngắn! Tôi nghĩ rằng với sự kiện quan trọng này, thường sẽ mất khoảng 6 tháng tới 1 năm để có được những điều kiện tốt nhất. Do đó, toàn bộ ê-kip đang dồn sức để tập trung công việc đạt hiệu quả cao nhất. Hiện nay tôi phải điều hành 10 nhóm cùng thực hiện song song các mảng công việc. Kế hoạch được lên rất chặt chẽ, với khoảng 1.000 người cùng một lúc tập luyện!
* Việt Nam không thiếu những nghệ sĩ tài năng, chắc hẳn chị sẽ cần nhiều người cùng góp sức?
- Sau khi kịch bản đã được làm xong, chúng tôi thiết lập tổ đạo diễn, gồm những nghệ sĩ không chỉ tài năng, mà còn phải đảm bảo yêu cầu như: Khả năng sáng tạo trong thời gian gấp rút, cũng như sáng tạo của họ thể hiện được tinh thần thể thao, thể hiện được yêu cầu của Lễ khai mạc SEA Games.
Đạo diễn âm nhạc là nhạc sĩ Huy Tuấn, người viết bài hát chính thức của đại hội là Let's shine (Cùng tỏa sáng). Anh có độ nhanh nhạy và tiến độ làm việc… khủng khiếp - trong 15 ngày có ngay toàn bộ phần âm nhạc của buổi lễ để ê-kip có thể bắt tay vào dàn dựng.
Lĩnh vực múa, tôi mời hai đạo diễn múa: NSND Kiều Lê và NSND Hồng Phong, cùng 30 biên đạo. Cùng với đó là nghệ sĩ Nguyễn Hồng Vĩnh chuyên vẽ, thể hiện mapping và đạo diễn sân khấu Hoàng Minh Cường, một người từng thực hiện nhiều chương trình có yếu tố công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó là chục người tham gia các nhiệm vụ thiết kế, kỹ thuật, âm thanh ánh sáng, mapping, vẽ hình, nhóm làm đạo cụ phục trang.
* Lễ khai mạc, bế mạc bao giờ cũng được công chúng đón đợi với những điểm nhấn ấn tượng, những màn khoe bản sắc văn hóa cùng trình độ tiên tiến của công nghệ âm thanh ánh sáng. Vậy trong sự kiện sắp tới, người xem có thể kỳ vọng với những màn trình diễn mãn nhãn nào, thưa NSƯT Trần Ly Ly?
- Màn đầu tiên với hình ảnh cây tre Việt Nam, cây tre với biểu tượng sức sống mãnh liệt, sự đoàn kết, bền vững, dẻo dai, bất khuất của người Việt Nam. Hay màn múa sen, biểu tượng của sự tinh khiết, sự trong sáng, bao dung, trong tinh thần thể thao như cái tinh thần chung của người Việt. Đó là những hình ảnh chúng tôi muốn giới thiệu một cách khái quát về con người Việt Nam.
Chúng tôi tận dụng sức mạnh của công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality – AR), công nghệ Thực tế mở rộng (Extended Reality - EX)…, là những công nghệ hiện đại, mới nhất hiện nay để thực hiện những màn thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Trong đó, có màn trình chiếu mapping với biểu tượng của 40 môn thể thao các quốc gia được thể hiện bằng hình thức tranh Đông Hồ trên trình chiếu mapping.
Và một màn diễn kỳ vọng rất xúc động! Đó là chung một dòng chảy, 11 con thuyền Đông Nam Á cùng tiến ra biển lớn. Đấy là tinh thần chung và cuối cùng chúng ta hân hoan để cùng tỏa sáng với tất cả 11 các nước anh em, 54 dân tộc Việt Nam và rất nhiều linh vật của Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Nghệ sĩ Linh Nga sẽ solo múa hoa sen, và nghệ sĩ violin Bùi Công Duy, nghệ sĩ Liễu Giang sẽ thể hiện tài năng trong bài Đường đến Việt Nam với hình ảnh tà áo dài và nón lá, thể hiện một Việt Nam thân thiện và lay động lòng người. Hy vọng sẽ mang lại cảm xúc cho hàng triệu người xem trực tiếp và trên sóng truyền hình!
* Không theo mô-tuýp theo hướng sử thi, một mô-tuýp đã có thời gian thường được sử dụng trong một số Lễ khai mạc, lễ hội của chúng ta, làm thế nào chị có thể dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại trong lễ khai mạc sắp tới?
- Không nhất thiết là phải thể hiện một cách làm theo lối sử thi. Đây là cách làm theo ý tưởng. Việc dung hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại khi dàn dựng là điều khiến tôi và ê-kip sáng tạo phải suy nghĩ, bàn bạc rất nhiều. Chúng ta làm thế nào để thể hiện được con người, đất nước Việt Nam giàu bản sắc, văn minh và mang tinh thần thể thao.
Vẫn là hình ảnh chiếc áo dài, là tre, là lúa, hoa sen… nhưng thể hiện như thế nào, để mang lại thông điệp mới mẻ, truyền thống mà hiện đại. Dàn dựng thế nào để khẳng định sức mạnh nội tại giàu bản sắc của một xã hội Việt Nam đang phát triển và các quốc gia cùng chung dòng chảy, tạo sức mạnh xuyên qua đại dịch. Đó mới là cái đích cuối cùng là một sự đoàn kết thống nhất!
* Bên cạnh những áp lực về ý tưởng, nội dung, phương án thực hiện mà ê-kip lễ khai mạc - bế mạc SEA Games gặp phải khi làm thực hiện, chị có gặp những khó khăn về phương diện kỹ thuật nào không?
- Đó là việc ở Việt Nam không có một công ty lớn nào có đủ máy chiếu để thực hiện công nghệ mapping, công nghệ thực tế ảo… cho 7 ngàn mét vuông ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Tất nhiên chúng tôi phải huy động nhiều đơn vị, nhiều cách… Hay chúng tôi đang làm việc với sân vận động Mỹ Đình về chuyện làm sao có thể lắp đặt sân khấu trong một thời gian rất ngắn sau đấy tháo dỡ rất nhanh... Ngoài ra còn phải giữ cho sân cỏ rất tốt.
Chúng tôi đã làm việc, trao đổi với sân vận động quốc gia Mỹ Đình để tìm cách tháo gỡ. May mắn là các đơn vị, cá nhân đều rất nhiệt tình dù nói thật các thủ tục giấy tờ chưa được triển khai hết đâu, tại gì quá gấp rút, đang tiến hành trình tất cả các đơn vị theo đúng quy định của Nhà nước… Cho nên tất cả mọi người đều đang làm với một suy nghĩ là cho hình ảnh quốc gia, cho thể diện dân tộc!
* Xin trân trọng cảm ơn NSƯT Trần Ly Ly!
SEA Games 31 sẽ chính thức khai mạc vào tối ngày 12/5/2022 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình với sự tham gia của đại diện các đoàn thể thao 11 nước ASEAN. Lễ khai mạc SEA Games sẽ có thời lượng 120 phút, được chia thành 3 phần: “Việt Nam thân thiện”, “Đông Nam Á mạnh mẽ” và “Đông Nam Á tỏa sáng”. Vượt qua khuôn khổ của một sự kiện thể thao, lễ khai mạc SEA Games 31 hàm chứa nhiều ý nghĩa, mang đén một bầu không khí thân thiện, cởi mở, chương trình nghệ thuật độc đáo, rực rỡ sắc màu với thông điệp, Việt Nam muốn chung tay cùng bạn bè khu vực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để cùng nhau xây dựng một ASEAN đoàn kết, thống nhất và thịnh vượng, vượt qua mọi thách thức. |
Ngân Lượng (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất