Những nẻo đường SEA Games (kỳ 4): Nghệ thuật 'hái' huy chương

03/06/2015 15:31 GMT+7 | Bên lề

(Thethaovanhoa.vn) - Đọc và dịch đầy đủ thì cụm từ SEA Games là: Đại hội thể thao Đông Nam Á. Tức là về bản chất, SEA Games giống như bất kỳ đại hội thể thao quốc tế nào khác, nhưng với những quy định riêng, chủ nhà nào cũng có thể sử dụng chiêu thức để hái huy chương, nên sân chơi này có nhiều chuyện "dở khóc, dở cười", bị ví như giải đấu “ao làng”.

Được tổ chức 2 năm 1 lần giữa năm tổ chức Thế vận hội Olympic và Đại hội thể thao châu Á Asian Games, bên cạnh mục tiêu mang tính nền tảng thắt chặt tình đoàn kết giữa các quốc gia trong khu vực, thì mục tiêu chuyên môn mà SEA Games hướng tới là nâng cao trình độ cho các VĐV hướng tới đấu trường châu lục, thế giới.

Tuy nhiên, cũng do chu kỳ tổ chức quá gần (2 năm/1 lần) và quy định việc luân phiên tổ chức Đại hội giữa các quốc gia trong khu vực, nên nước chủ nhà SEA Games có quyền rất lớn, đặc biệt trong việc tổ chức thi đấu chuyên môn. Đây cũng chính là nguồn cơ của nhiều rắc rối lẫn sự biến động không hề có lợi cho sự phát triển chung của thể thao Đông Nam Á.

Cụ thể, theo quy định của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á , mỗi kỳ SEA Games phải được tổ chức tối thiểu 22 môn được chia thành 3 nhóm: Nhóm 1 là các môn bắt buộc gồm: Điền kinh và các môn thể thao dưới nước (bao gồm các môn bắt buộc là Bơi, Lặn, Bóng nước). Nhóm 2 gồm tối thiểu 14 môn có trong chương trình thi đấu của Olympic và Asian Games và cuối cùng là Nhóm 3 có tối thiểu 8 môn phát triển tại khu vực.

Từ chính quy định này, nên các quốc gia khi được chọn là chủ nhà luôn chọn "tối thiểu" nhóm 1 và 2 và chọn "tối đa" nhóm 3 với những môn được xem là thế mạnh của mình với mục tiêu không gì khác - Thâu tóm huy chương. Thế nên ở mỗi kỳ SEA Games, là thêm 1 lần người hâm mộ lại "ngơ ngác" với những cái tên như: Arnis, Lawn Bowls, Kempo, Muay, Netball, Chinlone, bóng sàn...

Chưa hết, ngay trong số các môn nhóm 1, nhóm 2, nước chủ nhà cũng chẳng "ngại ngần" cắt bớt những nội dung không phải là thế mạnh của mình. Tất nhiên, lý do thì đơn giản - Không phát triển, hoặc không có điều kiện tổ chức, vân vân...

Ai cũng rõ chuyện này và ai khi không đến lượt mình đăng cai tổ chức đều cũng "kêu ca, phàn nàn" và kêu gọi thay đổi luật, điều lệ để thể thao khu vực lành mạnh hơn và phát triển hơn. Nhưng rồi thì... đâu lại vào đấy.

SEA Games 2015 cũng chẳng là ngoại lệ, dù nước chủ nhà Singapore được đặt nhiều kỳ vọng sẽ giúp thể thao khu vực "chuẩn hóa" hơn với những môn thể chuẩn Olympic, châu Á. Đầu tiên là việc lùi thời gian tổ chức Đại hội từ cuối năm lên giữa năm, sự thay đổi tưởng rất bình thường nhưng gây tác động mạnh cho các công tác chuẩn bị của các quốc gia khác. Với những quốc gia Hồi giáo thì đây là thời điểm tháng ăn chay  Ramadan, còn với Thể thao Việt Nam là cuộc chạy đua "chóng mặt" vì phải đôn kế hoạch lên sớm.

Chưa hết,  dù là một trong số ít kỳ SEA Games không đưa vào những môn "lạ" kiểu đặc sản (tổ chức thi đấu 36 môn với 402 nội dung), nhưng Singapore cũng cắt hàng loạt những môn, nội dung không phải là thế mạnh của mình. Riêng với đoàn Thể thao Việt Nam, nếu tính theo kiểu “đếm cua trong lỗ”, căn cứ vào thành tích của các môn, nội dung thi đấu này ởcác kỳ SEA Games trước, kỳ gần nhất năm 2013, chúng ta đã “mất” khoảng 25 HCV!

Đó mới chỉ là về công tác tổ chức chung, còn trong quá trình thi đấu thì chẳng ai có thể dự báo trước được điều gì nếu nhìn từ các kỳ Đại hội trước bởi gần nhất ở chính SEA Games 2015 này, BTC đã gây sốc cho các đoàn tham dự môn bóng bàn bằng việc thi đấu nội dung đánh đôi đầu tiên thay vì nội dung đồng đội như thông lệ. Sự thay đổi đột ngột này khiến nhiều VĐV, trong đó có cả VĐV gặp khó vì chưa có sự chuẩn bị về thể lực, tâm lý thi đấu.

(còn tiếp)

Chúng ta cũng từng trên đỉnh vinh quang!

Cứ nước nào tổ chức SEA Games, thể nào cũng sử dụng nhiều môn thi “đặc sản” của nước mình để gặt huy chương. Ngay cả chúng ta, năm 2003 cũng từng đăng cai tổ chức SEA Games và thắng vang dội, đứng số 1, với 158 HCV, 97 HCB, 91 HCĐ nâng tổng lên đến 346 huy chương. Nên nhớ SEA Games 2 năm trước đó, chúng ta xếp thứ 4 toàn đoàn chỉ với 33 HCV, 35 HCB, 64 HCĐ, tổng 132 huy chương.

Dù số 1 SEA Games 2003 nhưng SEA Games 2005, đoàn TTVN bị đẩy xuống vị trí thứ 3 số HCV giảm hơn 1 nửa - 71 HCV, 68 HCB, 89 HCĐ, tổng 228 huy chương. Thống kê thế để thấy, nếu chúng ta vẫn sa vào cơn khát thành tích để báo cáo, không chú trọng đầu tư chiều sâu các môn mũi nhọn, sẽ khó nâng tầm đẳng cấp TTVN ra khỏi tầm Đông Nam Á.


Vũ Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm