65% ý kiến người Hà Nội từ chối xe buýt vì "chậm giờ"

18/10/2011 08:19 GMT+7 | Thế giới

Chiều 17/10, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng giám đốc Transerco thừa nhận, theo điều tra, 65% hành khách không đi xe buýt vì lý do chờ lâu. Do ùn tắc giao thông, có những lượt xe bị muộn tới 40 phút.

Chiều 17/10, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Giao thông cùng lãnh đạo các Sở, ngành của Hà Nội bàn về giải pháp tháo gỡ ùn tắc giao thông và ưu tiên cho xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường - Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, với hơn 900 đầu xe hoạt động trên 50 tuyến nội đô, hiện mỗi năm Transerco vận chuyển được hơn 400 triệu lượt hành khách, chiếm 93% tổng lượng khách đi xe buýt của toàn thành phố.

Sau 5 năm, lưu lượng giao thông trên các trục phố chính của Hà Nội đã tăng lên 2 lần và vượt mức 30.000 hành khách một giờ trên mỗi hướng đường. Theo ông Thường, do tỷ lệ chiếm dụng đường của xe buýt chỉ 4-12% trong khi vận chuyển tới 12-24% lượng khách nên tính riêng trên 6 trục đường chính là Nguyễn Văn Cừ, Ngã Tư Sở, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, sử dụng xe buýt loại trung bình và lớn đã giảm được trên 100.000 xe máy tham gia giao thông trong một giờ cao điểm, góp phần giảm ùn tắc giao thông.

"Khảo sát trên 27 đoạn đường thường xuyên ùn tắc ở Hà Nội thì chỉ có 7 đoạn có tần suất xe buýt cao, trong khi đó 20 đoạn còn lại thường xuyên ùn tắc thì xe buýt đang vận hành dưới tiêu chuẩn cho phép. Như vậy chưa có cơ sở thực tiễn để nói xe buýt là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông", ông Thường nhấn mạnh.

Theo ông Thường, công suất cung ứng khai thác xe buýt đạt hiệu quả cao và đã đến giới hạn. Hiện, mỗi ngày một xe buýt vận chuyển được 1152 hành khách và đã chạm ngưỡng tối đa. Hệ số sử dụng sức chứa đạt bình quân toàn mạng là 80%, và giờ cao điểm hệ số này lên tới 140%, đặc biệt tuyến trục hành lang lên gần 200%. Do đó, muốn tăng cường xe buýt phải tăng tần suất và giải quyết tốt tình trạng quá tải hành khách vào giờ cao điểm.

Khẳng định chất lượng xe buýt đã được cải thiện rất nhiều, ông Thường cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học, 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt, 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém và 1% là rất kém. Thêm vào đó, các ý kiến cũng cho rằng, giá vé xe buýt hiện nay là quá rẻ.



Ùn tắc giao thông ở Hà Nội, nhiều khi nguyên nhân bắt nguồn từ ý thức kém của người điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có lái xe buýt. Ảnh: Tiến Dũng.

Tuy nhiên, Tổng giám đốc Transerco cũng phải thừa nhận, do tốc độ lưu thông của xe giảm, thời gian chờ đợi kéo dài vì ùn tắc nên năm 2011 thời gian chuyến đi của hành khách tăng thêm 40% so với năm 2005. Đơn cử, tháng 8/2011, xe buýt bình quân bị muộn 10,5 phút và tháng 9 muộn tới 13,5 phút. Thậm chí, có những lượt xe bị muộn tới 30-40 phút.

"Mặt khác, do tần suất phục vụ của nhiều tuyến còn thấp (15 phút/lượt vào giờ cao điểm) nên khách thường phải chờ đợi lâu. Giờ cao điểm khách tăng đột biến, gấp 1,5-2 lần sức chứa của xe nên xe buýt 80 chỗ phải chứa tới 200 khách, nhiều người bức xúc vì chen lấn trên xe", ông Thường chia sẻ khó khăn.

Bên cạnh đó, do hạ tầng dành cho xe buýt còn thiếu và yếu, nhiều điểm dừng bị chiếm dụng, nhiều khu vực người dân khó tiếp cận, đặc biệt có khu vực dân cư trong nội thành vẫn chưa có xe buýt; rồi do nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe trong giờ cao điểm, xe bỏ điểm dừng, thái độ phục vụ của tài xế, nhân viên bán vé kém... chính là nguyên nhân khiến nhiều người chưa thực sự mặn mà với loại hình vận tải công cộng này.

Thực trạng hiện nay cũng đúng với kết quả điều tra xã hội học, khi 65% hành khách không đi xe buýt vì lý do chờ lâu; 16% cho rằng do mức độ phục vụ kém; 10% nói phải đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe ẩu.

Chen lấn, xô đẩy, móc túi là những nỗi kinh hoàng của hành khách đi xe buýt. Ảnh: Hoàng Hà.

Để tăng cường xe buýt công cộng, Tổng giám đốc Transerco Nguyễn Phi Thường cho rằng, cần bố trí thời gian làm việc giữa các cơ quan, trường học, cửa hàng... lệch nhau khoảng 60 phút để giãn bớt căng thẳng giờ cao điểm; Tổ chức làn ưu tiên cho xe buýt bên phải đường (tách hoặc đi chung với dòng xe máy, xe đạp); Xén hè phố để tạo điểm ra vào cho xe buýt; Tăng cường chống lấn chiếm điểm dừng đỗ và đảm bảo an ninh cho hành khách.

Bên cạnh việc tăng tần suất chạy xe trên các tuyến giờ cao điểm phục vụ 15 phút mỗi chuyến và các tuyến thường xuyên bị muộn giờ, Transerco cũng đề xuất bố trí các tuyến xe buýt tăng cường chạy thẳng để giải tỏa hành khách giờ cao điểm, tăng cường xe buýt vận chuyển học sinh, mở thêm xe buýt vé tháng phục vụ cán bộ, công nhân viên các cơ quan, khu công nghiệp; phát triển mới loại hình micro buýt (sức chứa 12-16 hành khách) để gom khách từ các khu tập trung đông dân cư ở đường hẹp ra tuyến chính...

Về lâu dài, ông Thường đề xuất cần hạn chế xây dựng mới các khu tập trung dân cư ở khu vực nội thành cũ không thể mở rộng đường để tránh chất tải thêm cho mạng lưới giao thông; Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ và hiện đại hóa hệ thống điều hành mạng lưới, nhất là hệ thống vé xe buýt; Tập trung đầu tư sớm đưa các tuyến giao thông công cộng nhanh, khối lượng lớn như BRT, Metro... vào hoạt động vì năng lực của xe buýt chỉ có giới hạn.

Theo Vnexpress

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm