(TT&VH) -
Di sản Marcello Lippi để lại cho Cesare Prandelli không phải chỉ là con số không. Ít nhất, Prandelli phải cảm ơn người tiền nhiệm vì đã “bàn giao” cho ông Leonardo Bonucci, một hạt giống chắc mẩy cho kỷ nguyên mới của đội tuyển Italia.“Lớn” nhanh như "Thánh Gióng" Tương lai của "Azzurri" trong tay những người như Bonucci, Ảnh Getty |
Cách đây vừa đúng nửa năm, Leonardo Bonucci vẫn còn là kẻ ngoại đạo hoàn toàn với màu áo thiên thanh của đội tuyển quê hương. Khi HLV Lippi đọc tên anh trong danh sách triệu tập đội tuyển chuẩn bị cho trận giao hữu gặp Cameroon hôm 3/3, ông khiến cho dư luận hết sức bất ngờ. Đó được coi là trận tổng duyệt của Azzurri trước thềm World Cup 2010, về lý thuyết là không còn chỗ cho những thử nghiệm mạo hiểm và những “lính tò te” như Bonucci. Khi Lippi quyết định đưa trung vệ trẻ, khi đó vẫn còn khoác áo Bari, này vào đội hình xuất phát trận gặp Cameroon, ông tạo ra vô số dấu hỏi hoài nghi. Chẳng ai có thể tin một cầu thủ chưa từng đá cho bất cứ đội tuyển trẻ nào của Italia lại xứng đáng chiếm suất đá chính ở ngay lần đầu được gọi lên tuyển quốc gia. Người ta chỉ tin rằng đó là một ý tưởng lẩm cẩm của ông già 62 tuổi Lippi.
Nhưng sốc nhất là khi Lippi quyết định đưa Bonucci đến World Cup 2010 chỉ sau một trận thử lửa, chứng tỏ niềm tin ông đặt vào cầu thủ này là rất lớn và rất chắc chắn. Tuy Bonucci không được góp mặt phút nào ở giải đấu thất bại đó, anh vẫn đương nhiên được coi là một trong những tài năng nổi bật nhất của bóng đá Italia. Niềm tin của Lippi đã được Prandelli tiếp nhận, để rồi vào lúc này, sau khi ghi bàn thắng quyết định vào lưới Estonia để mang đến thắng lợi đầu tiên của Italia ở vòng loại EURO 2012 (cũng là thắng lợi đầu tiên của triều đại Prandelli và của năm 2010), Bonucci đã khẳng định một vị trí không thể xâm phạm ở trung tâm hàng thủ đội tuyển áo màu thiên thanh. Từ con số 0, ngôi sao tân binh của Juventus chỉ cần đúng 6 tháng và 4 trận đấu để có được vị thế đó.
“Kẻ cầm đầu” thế hệ hậu vệ mớiChỗ mà Bonucci đang đứng trong đội tuyển Italia chính là chỗ mà Fabio Cannavaro vừa rời đi với kỷ lục 136 trận khoác áo thiên thanh. Giờ thì chẳng ai còn cảm thấy nhớ Cannavaro, dù rằng với Bonucci đá cặp với Chiellini ở trung tâm hàng thủ, Italia vẫn chưa cho thấy được sự chắc chắn như người ta mong muốn. Điều mà HLV Prandelli và người hâm mộ Azzurri chờ đợi tất nhiên là sức mạnh phòng ngự “made in Italy” mà bóng đá Italia luôn tự hào, nhưng điều có ý nghĩa hơn ở giai đoạn quá độ hiện nay là sức trẻ, là nhiệt huyết cống hiến, là khao khát chiến thắng. Có những phẩm chất đó, sự vững vàng rồi sẽ đến theo thời gian. Ở tuổi 23, sau những nỗ lực phi thường đã thể hiện và những thành tựu không nhỏ giành được trong hơn một năm qua, Bonucci xứng đáng được coi là đại diện tiêu biểu cho lớp cầu thủ mà Azzurri đang rất cần.
Nhưng Bonucci không chỉ cống hiến cho đội tuyển những cú tắc bóng hay đánh đầu giải nguy, mà anh còn có những bàn thắng. Cú sút tung lưới Estonia hôm 3/9 vừa qua đã là bàn thứ hai của Bonucci cho ĐT Italia chỉ trong 4 trận đấu anh góp mặt (bàn đầu trong trận giao hữu thua Mexico 1-2 hôm 3/6), đạt hiệu suất mà các chân sút cũng mơ ước. Để so sánh, Fabio Cannavaro cũng chỉ ghi được 2 bàn trong 136 trận cho Italia, Nesta không có bàn nào trong 78 trận, còn Chiellini cũng chỉ có 2 bàn trong 24 trận đã khoác áo Azzurri. Thời của những hậu vệ chỉ biết phòng ngự dường như đã qua hẳn rồi. Những pha lên tham gia tấn công hiệu quả của Bonucci rõ ràng sẽ giúp HLV Prandelli có thêm những giải pháp hướng đến thắng lợi. Tình huống phối hợp để Bonucci ghi bàn vừa rồi nhiều khả năng không phải là ngẫu nhiên, mà đã được các tuyển thủ tập kỹ.
Cannavaro là quá khứ, Chiellini là “miếng đệm” hiện tại, còn Bonucci sẽ là tương lai của Azzurri. Sau anh, rồi sẽ có những Astori (23 tuổi), Ranocchia (22), De Silvestri (22), Ariaudo (21), Albertazzi (19), Camilleri (18)… bước chân vào đội tuyển, cho một tương lai lâu dài của đội tuyển Italia.
B.V