'Scarborough Fair': Chuyện tình 'lá diêu bông' hay 'đồi sim tím'?

24/10/2020 08:52 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Khi sang tới Việt Nam, có không ít ca khúc quốc tế bị dán nhãn nhầm là nhạc Pháp do phong trào nghe nhạc Pháp ở miền Nam trước đây. Trong số này, đặc biệt phải kể tới trường hợp Scarborough Fair (Hội chợ Scarborough). Ca khúc này thậm chí bị nhầm ngược là nhạc Pháp dịch sang lời Anh trong khi bản gốc đặc sệt xứ sương mù cả về giai điệu, ca từ và lịch sử.

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

'Bang Bang' - bài hát phá tan mọi ranh giới về văn hóa

Một ca khúc đình đám của một trong những nữ nghệ sĩ nổi bật, đứng top đầu các BXH trên khắp thế giới, bán được tới hơn 3 triệu bản;thế nhưng, lại thường xuyên bị nhầm “nhân dạng”. Vô số người tưởng nó là của người này người kia hát, thậm chí, là gốc tiếng Italy, tiếng Pháp. Đó là thực tế về Bang Bang (My Baby Shot Me Down) của Cher.

Tại Việt Nam, bài hát này được đông đảo công chúng biết đến qua giọng hát của Thanh Lan:

“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà.

Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.

Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi.

Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi”.

Chuyện tình “lá diêu bông”

Lời Scarborough Fair có nhiều nét tương đồng với bản ballad cổ Scotland The Elfin Knigh, do Francis James Child tuyển tập, được truy vết về tận năm 1670. Trong bản này, một yêu tinh đe dọa bắt cóc cô gái trẻ làm người yêu trừ khi cô có thể thực hiện một số nhiệm vụ bất khả thi và cô gái đã đáp lại bằng một loạt yêu cầu mà yêu tinh phải thực hiện trước.

Có rất nhiều phiên bản của ca khúc này tồn tại ở cuối thế kỷ 18. Một số phiên bản cũ hơn còn đề cập tới nhiều địa điểm khác ngoài hội chợ Scarborough như hội chợ Wittingham, Cape Ann, twixt Berwich and Lyne… hay đơn giản là một địa điểm chung chung. Tuy nhiên, tới ngày nay, phổ biến nhất vẫn là phiên bản ở Scarborough.

Có lẽ không chỉ nhờ bản đình đám của Simon & Garfunkel sau này mà bởi vốn dĩ, hội chợ Scarborough, ra đời từ năm 1253, từng là hội chợ lớn nhất không chỉ ở Anh mà còn cả ở khắp châu Âu, là nơi thu hút đông đảo doanh nhân từ tận Bắc Âu, các nước vùng Baltic, đế chế Byzantine và do đó, lời lan truyền được nhắc tới trong bài hát sẽ nhiều khả năng tới tai người cần nghe hơn!

Lời lan truyền ấy, cũng như chiếc lá diêu bông trong giấc mơ chập chờn của nhà thơ Hoàng Cầm, là về những thách đố bất khả thi như may một chiếc áo bằng vải ren mà không có đường nối; tìm một chiếc giếng đã khô cạn để giặt. Nếu cô gái - người yêu cũ - làm được những điều này, chàng trai sẽ dang tay đón cô trở lại.

Chú thích ảnh
Scarborough từng là hội chợ lớn bậc nhất tại châu Âu

Ở nhiều phiên bản, ca khúc là lời đối đáp giữa đôi nam nữ, trong đó, cô gái cũng đáp lại bằng nhiều nhiệm vụ bất khả thi không kém như tìm mảnh đất nằm giữa cát và biển, trồng tiêu ở đó sau khi cày bằng sừng cừu đực rồi gặt bằng liềm làm bằng lông công… Quả là những câu chuyện phi lý, như bản chất của tình yêu!

Scarborough Fair được viết theo điệu thức Dorian và ca từ đặc trưng của tiếng Anh trung cổ. Đặc trưng trong âm nhạc của ca khúc là phần hòa âm mở rộng và giai điệu bay bổng. Mục đích là phát triển một phổ nhạc thống thiết, phù hợp với câu chuyện trong ca từ. Ca khúc bắt đầu bằng nỗi âu sầu thê thiết, sau đó chuyển thành sự kết hợp hoàn hảo giữa hòa âm mượt mà và giai điệu đối lập, lột tả được nỗi khao khát trải dài khắp ca khúc.

Mật mã chưa có lời đáp

Bên cạnh những thách thức thú vị, có một điều khác trong ca từ Scarborough Fair đặc biệt được quan tâm đó là câu “Parsley, sage, rosemary and thyme” (Ngò tây, xô thơm, hương thảo và xạ hương) liên tục được lặp lại ở các phiên khúc. Tại sao lại có một loạt các loại thảo mộc xuất hiện như vậy?

Có rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra. Có người nói rằng chàng trai trẻ thật sự đã chết vì 4 loại thảo dược này từng có thời gắn liền với cái chết. Hoặc có lẽ đấy là 4 thành phần của tình dược mà các phù thủy thời xưa pha chế. Hoặc thời trung cổ, các loại thảo mộc này cũng giống như hoa hồng ngày nay, là một mỹ từ chàng trai say đắm gọi người cũ.Đây là một câu đố chàng trai gửi tới cô gái? Hay đơn giản là các ca từ gốc đã bị rơi vào quên lãng và người ta đã trám nó bằng những loài cây?

Hãy thử tách riêng rẽ ý nghĩa người xưa gán cho những loài cây này. Ngò tây từng bị cho là biểu tượng của ma quỷ và tà thuật, liên quan tới địa ngục. Xô thơm lại mang nghĩa phước lành về một cuộc sống bất tử, giúp tránh được mê thuật của mắt quỷ. Hương thảo thì là thành tố của tình yêu và những mối quan hệ. Cuối cùng, xạ hương là biểu tượng của may mắn.

Nhưng có một lời giải thích khác, kết nối những mảnh rời rạc trong ca khúc: Ở Scarborough Fair, bên cạnh lời thách thức nam nữ thỉnh thoảng lại xuất hiện những hình ảnh không liên quan như: “Một người lính lau và đánh bóng súng” hay “Chiến sự rền vang, tiểu đoàn tươi đỏ”, “Những vị tướng lệnh cho quân giết chóc”, “Và chiến đấu vì mục đích mà họ đã quên từ lâu”. Chiến tranh đã từng tràn lan ở Anh những thế kỷ trước và 4 thảo mộc trên còn lần lượt tượng trưng cho bùa hộ mệnh, sức mạnh, lòng trung thành và can đảm mà người lính thường mang bên mình.

Chú thích ảnh
Simon & Garfunkel, bộ đôi làm nên sự lừng danh toàn cầu của “Scarborough Fair”

Phải chăng, bài hát thật ra là nỗi bi ai của một người lính trên trận mạc hướng về người con gái mình yêu, như chuyện tình “đồi sim tím” trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan - bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc và trở thành bài hát khá nổi tiếng.

Nổi danh toàn cầu

Tuy đã tồn tại từ rất lâu, những bản thu âm thật sự đầu tiên của Scarborough Fair là vào thế kỷ 20. Một trong những bản sớm nhất có thể kể ra là của Georgia Ann Griffin vào năm 1939. Bản thương mại đầu tiên thì mãi năm 1955 mới xuất hiện, thuộc về diễn viên, ca sĩ Gordon Heath và Lee Payant, những người Mỹ chủ quán cà phê và hộp đêm ở Paris.

Tuy nhiên, bản thu tạo nên bước ngoặt lịch sử cho ca khúc thuộc về Simon & Garfunkel, dựa theo phiên bản mà người thợ chì Mark Anderson (1874 - 1953) hát cho nhà sưu tập nhạc dân gian Ewan MacColl vào năm 1947.

Paul Simon và Art Garfunkel là bộ đôi folk-rock lừng danh người Mỹ, từng đạt 10 giải Grammy và được Rolling Stone xếp thứ 3 trong danh sách 20 bộ đôi vĩ đại nhất mọi thời đại. Họ cũng nằm trong số những nghệ sĩ có đĩa bán chạy nhất thế giới với 100 triệu đĩa bán ra.

Simon và Garfunkel biết nhau và cùng viết nhạc từ thời tiểu học. Năm 1963, nhận thấy mối quan tâm ngày một tăng với nhạc dân gian, bộ đôi đã ký hợp đồng với hãng Columbia với tên Simon & Garfunkel. Năm 1965, Simon 24 tuổi đang vui thích biểu diễn tại các câu lạc bộ đồng quê ở Anh thì “vấp” phải Scarborough Fair tại London vào năm 1965 khi được nghe Martin Carthy biểu diễn nó.

Bị thu hút, bộ đôi đã kết hợp nó với Canticle - một bản làm lại từ ca khúc phản chiến The Side Of A Hill của Simon năm 1963 - tạo thành một giai điệu mới chủ yếu do Garfunkel sáng tác. Với tên Scarborough Fair/Canticle, nó trở thành ca khúc mở đường cho album năm 1966 Parsley, Sage, Rosemary And Thyme và phát hành dưới dạng đĩa đơn sau khi được giới thiệu trong nhạc phim năm 1968The Graduate - một trong những bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại.

Có thể đưa ra nhiều lý do làm nên thành công lừng lẫy của Scarborough Fair, nhưng có lẽ đáng nhắc tới nhất là nghệ thuật hòa âm có một không hai của Simon & Garfunkel - điều đưa họ trở thành những nghệ sĩ lừng lẫy lịch sử. Bản Scarborough Fair quen thuộc với công chúng hiện nay chính là bản hòa âm của bộ đôi này.

Thú vị, một nhân vật đình đám khác là Bob Dylan cũng từng được Carthy giới thiệu tới với Scarborough Fair. Dylan sau đó cũng đưa giai điệu này vào các ca khúc của mình nhưng không tạo nên danh tiếng được như bản của Simon & Garfunkel.

(Còn tiếp)

“Scarborough Fair” tại Việt Nam

Scarborough Fairnổi tiếng tại Việt Nam qua bản Giàn thiên lý đã xa với phần lời Việt của Phạm Duy. Bài hát này được Thanh Lan hát song ngữ Pháp - Việt đã làm “chao đảo” hàng triệu con tim.

Ca từ của Giàn thiên lý đã xa không còn bóng dáng của ca khúc gốc khi chỉ đơn thuần kể về mối tương tư không hồi đáp của một gã si tình. Lý do là vì bản này dịch sát theo bản tiếng Pháp Chèvrefeuille Que Tu Es Loin. Người viết bản tiếng Pháp này lại không phải ai xa lạ mà chính là Pierre Delanoe, tác giả ca khúc lừng danh Il Est Mort Le Soleil đã được giới thiệu ở kỳ trước.

Thư Vĩ

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm