20/06/2015 06:26 GMT+7 | Trong nước
Thủy quân lục chiến (Marines) đã chính thức đặt lại tên một lực lượng đặc nhiệm thuộc quyền quản lý thành Raider, trong buổi lễ diễn ra hôm 19/6.
Cái tên giúp định hình "bản sắc riêng"
Tuy nhiên đây không phải cái tên mới tinh. Thời Thế chiến II, Raider là lực lượng đã tiến hành các chiến dịch du kích, các nhiệm vụ đột kích rủi ro cao ở cả trên bộ lẫn dưới nước. Hình ảnh những người lính Raider "đời đầu", với chiến thuật vẫn được nhiều lực lượng đặc nhiệm hiện đại sử dụng, đã trở thành bất tử trong các cuốn sách và bộ phim như Gung Ho! (1943) và Marine Raiders (1944).
Tên Raider được đánh giá sẽ giúp Thủy quân lục chiến Mỹ có "bản sắc riêng" tại Bộ Tư lệnh các hoạt động đặc biệt Mỹ, vốn gồm nhiều lực lượng đặc nhiệm từ các lực lượng Lục quân, Không quân và Hải quân.
Đơn vị nhận tên Raider là Bộ Tư lệnh các hoạt động đặc biệt của Thủy quân lục chiến (MARSOC). Đơn vị này được thành lập cách nay hơn 1 thập kỷ, trong khuôn khổ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau vụ khủng bố 11/9.
"Trong khi phần lớn người Mỹ chẳng biết MARSOC có nghĩa gì, cái tên Raider sẽ khiến họ hiểu ngay" - Ben Connable, một chuyên gia phân tích quân sự và tình báo tại tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận RAND, đánh giá.
Sau ngày 19/6, cái tên chính thức của 8 đơn vị chuyên biệt trong MARSOC, với khoảng 2.700 người lính Thủy quân lục chiến, sẽ có thêm dòng chữ Marine Raider. Được biết trong lễ công bố tên mới, đại diện của các đơn vị này đã tập hợp hàng ngũ cùng các chỉ huy của họ và phô ra các bộ phân phục cùng phù hiệu mới.
Trong thông cáo báo chí, Thủy quân lục chiến cho biết việc đổi tên nhằm giúp các chỉ huy được thuận lợi hơn khi họ đề cập tới MARSOC. Ngoài ra, việc đổi tên cũng giúp người ta dễ nhận ra lực lượng đặc biệt của Thủy quân lục chiến, giống như lính Mũ nồi xanh của Lục quân hay SEAL của Hải quân.
Một di sản "đặc biệt phi thường"
Ngoài tên gọi khác biệt, các hoạt động mà lính Raider của Thủy quân lục chiến thực hiện như đột kích chống phiến quân/khủng bố, trinh sát/thám sát, huấn luyện quân đội nước ngoài... sẽ chẳng khác mấy so với các đơn vị đặc nhiệm còn lại của quân đội Mỹ.
Giống như tiêu chuẩn bắt buộc, binh lính muốn tham gia lực lượng Raider phải vượt qua tiến trình lựa chọn cực kỳ khó khăn, gồm các bài bơi và hành quân vô cùng mệt mỏi, bên cạnh hoạt động huấn luyện chiến đấu đặc biệt.
AP cho biết một số người lính MARSOC đã từng được trao biểu tượng Raider không chính thức kể từ năm 2003, khi họ được điều tới Iraq. Nay họ sẽ không phải giấu diếm biểu tượng đó nữa.
Connable nói rằng việc hồi sinh cái tên Raider là động thái tích cực, vì nó sẽ kết nối MARSOC, đơn vị gần như tách biệt với cả lực lượng Thủy quân lục chiến, với một lịch sử rất vẻ vang.
Ông nói rằng ban đầu, MARSOC không được chính lính Thủy quân lục chiến ưa chuộng.
"Ý tưởng một nhóm 'Thủy quân lục chiến đặc biệt' khiến những người lính bình thường khác nuốt không trôi" - Connable, người cũng từng phục vụ trong lực lượng này, cho biết.
Trong Thế chiến II, lực lượng Raider được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của Tổng thống Franklin Roosevelt trong việc có đơn vị tấn công kiểu đặc nhiệm. Họ có thể thực hiện các cuộc đột kích dưới nước hoặc trên bộ. Họ cũng có thể hoạt động đằng sau chiến tuyến của địch.
Các chỉ huy Raider đã nghiên cứu nhiều chiến thuật chiến tranh không quy ước, gồm cả chiến thuật của du kích Trung Quốc. Họ được giao cho quyền tự lựa chọn người và trang thiết bị vũ khí khi thực hiện nhiệm vụ.
Các đơn vị Raider thường được ca ngợi là đánh bại những lực lượng phát xít Nhật Bản lớn hơn, bất chấp việc phải chiến đấu trong địa hình khó khăn ở Thái Bình Dương. Họ cũng tham gia vào nhiều cuộc chiến lớn như trận Guadalcanal và Bougainville. Tới cuối chiến tranh, lực lượng Raider bị giải tán và cái tên của họ đã không được sử dụng kể từ đó.
"Điều mà cái tên Raider làm được là mang trở lại di sản mang tính then chốt của lực lượng Thủy quân lục chiến" - Connable nhận xét - "Đó là di sản đặc biệt phi thường."
Tường Linh (Theo AP)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất