Người bệnh “san sẻ gánh nặng” cùng Bảo hiểm

27/09/2009 17:20 GMT+7 | Y tế

(TT&VH) - Theo Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) sẽ được áp dụng từ 1/10, nhiều bệnh nhân trước đây được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh nhưng nay phải đóng góp thêm từ 5% đến 20%. Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT - Bộ Y Tế, việc điều chỉnh này nhằm mục đích tăng trách nhiệm của người bệnh và hạn chế lạm dụng Quỹ BHYT.


* Thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng Luật BHYT nhằm giải quyết sức ép về nguy cơ vỡ quỹ BHYT?

- Hiện việc thanh toán của nguồn quỹ BHYT luôn bội chi, năm 2006 quỹ bội chi 1.200 tỷ đồng, năm 2007 là 1.800 tỷ đồng, đến năm 2008 quỹ bội chi 1.470 tỷ đồng. Vì vậy việc thực hiện cùng chi trả của người bệnh cần thiết phải được đặt ra. Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua, đã được Chính phủ ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Sau đó liên Bộ Y tế - Tài chính cũng đã ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện. Vấn đề cùng chi trả trong quá trình xây dựng luật cũng như trong quá trình thảo luận cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu cũng đã thảo luận rất kỹ về vấn đề này, thống nhất biểu quyết và quyết định việc cùng chi trả về chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT. Đây được xem như một giải pháp để kiểm soát chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT. Khi Quốc hội thông qua, ngành y tế cũng đã lường trước được sẽ có những phản ứng kiến nghị từ phía người dân, từ phía các cơ sở khám chữa bệnh, vấn đề cần nhất bây giờ là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về thực trạng BHYT, cung cấp đầy đủ thông tin, ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội để người dân đồng thuận.

* Tại các bệnh viện, ngoài khám chữa bệnh còn phải tính xem bao nhiêu phần trăm đối tượng được hưởng mức khám nào, vô hình trung đã gây sức ép lên các bên trong điều kiện khám chữa bệnh hiện nay vốn đã căng thẳng?

- Rõ ràng là khi thực hiện Luật BHYT, trách nhiệm của ngành y tế phải nặng nề hơn, các bệnh viện cũng rất lo lắng trong việc thực hiện cùng chi trả phí khám chữa bệnh. Tuy nhiên, hiện các bệnh viện sẵn sàng đến ngày 1/10 sẽ thực hiện khám chữa bệnh theo Luật BHYT.

* Liệu sự đóng góp thêm từ 5 đến 20% mà người bệnh cùng chi trả này có giải quyết được tận gốc sức ép lên quỹ BHYT hay không? Và liệu có hài hòa được lợi ích của những người bệnh đang phải chịu gánh nặng về bệnh tật?

- Việc cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh là một giải pháp của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước đã thực hiện BHYT toàn dân nhằm kiểm soát quỹ BHYT, hạn chế tình trạm lạm dụng và đảm bảo việc cân đối quỹ, như Hàn Quốc thực hiện BHYT toàn dân và việc cùng chi trả từ 30 đến 50% tùy loại dịch vụ. Thực tế việc quản lý và sử dụng quỹ BHYT là trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó rất quan trọng là trách nhiệm của 3 bên là cơ quan quản lý quỹ, cơ sở khám chữa bệnh và người tham gia BHYT. Vì thế, mục tiêu của chúng ta khi quy định cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh bằng BHYT là tăng cường trách nhiệm của các bên liên quan, tăng cường quản lý cả về tài chính, cả về chuyên môn. Thực ra chúng ta đã thực hiện cùng chi trả từ năm 1998 và hiện nay chúng ta cũng đang thực hiện cùng chi trả đối với các đối tượng đang tham gia BHYT tự nguyện và trong những trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn.

Vấn đề bây giờ tôi nghĩ là làm thế nào để người bệnh hiểu và đồng thuận tự giác thực hiện, vì việc cùng chi trả chính là vì người bệnh, khi thực hiện cùng chi trả, người bệnh sẽ cân nhắc hơn trong việc yêu cầu thầy thuốc cung cấp các dịch vụ không cần thiết. Với việc thực hiện cùng chi trả thì các bên sẽ kiểm soát lẫn nhau và sẽ hạn chế được tình trạng lạm dụng quỹ, sử dụng quỹ đúng mục đích hơn, đảm bảo tính bền vững của quỹ.

Người bệnh nặng sẽ “gánh” nặng hơn

Theo Luật BHYT mới, với các trường hợp sử dụng dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn, BHYT khống chế mức thanh toán tối đa không quá 40 tháng lương tối thiểu (tính theo mức lương hiện tại là 26 triệu đồng), trong khi đó rất nhiều bệnh nặng như tim mạch, ung thư có chi phí lên tới cả trăm triệu đồng. Vì vậy, mức chi trả của BHYT chỉ chiếm khoảng 20 đến 30% chi phí điều trị, bệnh nhân dù có BHYT vẫn phải đóng vai trò chính trong thanh toán viện phí.

Quy định người bệnh cùng chi trả khi chi phí khám chữa bệnh cao hơn 15% mức lương tối thiểu, như thời điểm hiện nay là hơn 97 nghìn đồng, thực tế ít có bệnh nhân nào đi khám chữa bệnh có chi phí dưới 97 nghìn đồng. Điều này có thể dẫn đến việc quá tải, thời gian chờ đợi chi trả của bệnh viện có thể kéo dài hơn bởi các bệnh viện sẽ phải làm thêm công đoạn xét đối tượng theo mức thanh toán cùng chi trả là 5% hay 20%.

* Theo quy định, những người tham gia BHYT hiện có quá nhiều diện khác nhau, điều này có khiến việc chi trả phức tạp, rườm rà hơn và khó tạo được sự đồng thuận?

- Điều này đã được xem xét kỹ, có 3 mức cùng chi trả, đó là mức chi trả 100%, 95% và 80% khi khám chữa bệnh. Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đã tính đến chính sách với những đối tượng nào mà Nhà nước cần quan tâm. Ví dụ, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công thì quỹ đảm bảo chi trả 100%, còn các đối tượng khác như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số thì cùng chi trả ở mức thấp chỉ 5%, còn lại là cùng chi trả 20%. Như vậy, là khi chúng ta quy định việc thực hiện cùng chi trả cũng đã tính đến các đối tượng có khả năng chi trả hay không và Nhà nước cần quan tâm đến những đối tượng nào.

Người dân chỉ phải trả 5% đến 20%, nhưng một thực tế cần nói rằng, mức chi trả này mới ở một phần tổng số chi phí, có nghĩa là nhà nước hiện nay cũng vẫn bao cấp rất nhiều cho người tham gia BHYT. Vì vậy, dù 5% chi phí đối với đối tượng người nghèo, hưu trí là vấn đề tác động đến kinh tế của họ nhưng chúng ta xác định rằng 5% đó là gắn trách nhiệm người tham gia BHYT với kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, cũng vì đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.

Phải thống nhất với nhau là BHYT không phải là phương pháp chữa bệnh mà là một giải pháp về tài chính. Và đối với ngành y tế, BHYT chỉ là một trong những điều kiện để giúp cho ngành y tế nâng cao khả năng khám chữa bệnh.

* Xin cảm ơn bà!
 
                                                                                               Tứ Yến - Hoàng Lan (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm