18/02/2023 14:32 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Không ngờ việc cứu hộ những người còn sống sót bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau thảm hoạ động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ lại tiềm ẩn rủi ro này.
Theo Reuters, sau thảm hoạ động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tính đến hết ngày 17/2, tổng số người thiệt mạng đã tăng lên hơn 45.000, trong khi đó cơ hội để tìm thấy những người sống sót đang ngày càng giảm. Cụ thể, Cơ quan Ứng phó Thảm hoạ và Tình trạng khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) cho biết, có 39.672 người đã thiệt mạng do động đất tại 11 tỉnh miền nam của nước này.
Trong khi đó, số người chết ở Syria là hơn 5.800, nâng tổng số người thiệt mạng sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter (ngày 6/2) lên hơn 45.472.
Hiện nay, vẫn có hàng nghìn người được cho là bị mắc kẹt dưới các đống đổ nát. Lực lượng cứu hộ hiện tiếp tục tìm thấy những người còn sống sót sau 10 ngày bị mắc kẹt.
Trên thực tế, việc cứu hộ những người sống sót bị chôn vùi dưới đống đổ nát sau trận thảm hoạ tại Thổ Nhĩ Kỳ là không hề dễ dàng, thậm chí còn tiềm ẩn những rủi ro khôn lường về sức khoẻ. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Sáng 10/2, sau hơn 4 ngày xảy ra động đất, một chú chó cứu hộ đã phát hiện ra mùi hương của nạn nhân đang bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Một người lính sau đó nói rằng anh đã nghe thấy có tiếng nói từ bên trong. 10 giờ tiếp theo, một nhóm những người thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành dọn dẹp các đống đổ nát bằng cưa, rìu và xẻng.
Đến 21h41' tối 10/2 (theo giờ địa phương), sau gần 5 ngày mắc kẹt dưới đống đổ nát của một toà chung cư bị sập, cô Ozlem Yulmez (33 tuổi) đã được đưa ra ngoài. Ngay sau đó, lực lượng cứu hộ đã đắp cho cô một chiếc chăn bạc giữ nhiệt và nhanh chóng đưa cô vào chiếc xe cứu thương đang chờ sẵn.
Gần 2 giờ sau đó, bé Zeliha, con gái 6 tuổi của cô, có chân bị kẹp ở dưới một tấm bê tông, cũng may mắn được cứu thoát.
Hai mẹ con Ozlem Yulmez có khả năng nằm trong số những người sống sót cuối cùng được đưa ra khỏi đống đổ nạn sau trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ và miền Bắc Syria.
Công tác cứu hộ vẫn đang được gấp rút tiến hành, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Tờ Wall Street Journal nhấn mạnh về mức độ nguy hiểm của những cuộc giải cứu sau động đất và khó khăn trong việc điều trị vết thương cho những người sống sót.
Trên thực tế, hiện nay những người thợ mỏ được coi là một phần trong đội ngũ đông đảo các tình nguyện viên tham gia cứu trợ. Tuy nhiên, đôi khi họ lại xảy ra đụng độ với các nhân viên cứu trợ nước ngoài. Chẳng hạn, ngày 10/2, một nhóm những người thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra bất đồng với các đội cứu hộ tới từ Pháp và Mỹ ở hiện trường về cách giải cứu hai mẹ con cô Ozlem Yulmez. Những người này đã tranh luận về việc nên sử dụng rìu khai thác mỏ hay thiết bị tiên tiến hơn được mang đến từ nước ngoài.
Ngoài ra, những bất đồng cũng có thể xảy ra xoay quanh việc có nên để đội y tế nên điều trị cho nạn nhân trước khi đưa họ tới các cơ sở hay không. Bởi thực tế các vết thương do các toà nhà bị sập gây nên cho nạn nhân cũng cần được tiến hành điều trị đặc biệt nhằm tránh rối loạn nhịp tim và suy thận.
Cụ thể, đội cứu hộ đến từ Mỹ đã đề nghị giúp đỡ những người cứu hộ ở Thổ Nhĩ Kỳ cắt bê tông, các chướng ngại vật khác và nói rằng họ còn có thể tiếp cận được nạn nhân chỉ trong vòng vài phút. Ông Marc Campet, một thành viên của đội cứu hộ Mỹ cho biết: "Chúng tôi có thể tiếp cận cô ấy nhanh hơn như thế này rất nhiều. Với những gì những thợ mỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ có, việc giải cứu có thể mất hàng giờ".
Tuy nhiên, những người thợ mỏ đã từ chối.
Ông Campet cho biết thêm: "Đây là đất nước của họ và chúng tôi sẽ làm theo sự chỉ đạo của họ. Tuy nhiên, chúng tôi có chuyên môn và mong muốn được giúp đỡ họ".
Đặc biệt, trong cuộc giải cứu hai mẹ con Ozlem Yulmez, bác sĩ người Mỹ Murteza Shahkolahi cũng đã cố gắng giải thích với những người thợ mỏ rằng nếu như nạn nhân được đưa ra trước khi điều trị vết thương vì bị dập nát, cô ấy có thể sẽ chết trong vài giờ.
May mắn là bác sĩ Shahkolahi đã thuyết phục được những người thợ mỏ để một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành luồn đường truyền tĩnh mạch vào chân của Yulmez. Đây cũng là bộ phận duy nhất mà nhóm cứu hộ có thể tiếp cận được trên cơ thể của cô lúc đó.
Cuối cùng, chưa đầy 20 phút sau đó, nhóm cứu hộ đã đưa được cô Yulmez ra khỏi đống đổ nát. Sau khi ở một đêm tại bệnh viên địa phương, cô cùng con gái của mình đã được đưa lên máy bay y tế để di chuyển tới Ankara.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng may mắn như vậy. Các chuyên gia cho biết rằng, những người mắc kẹt sau trận động đất được giải cứu bởi các đội ngũ cứu hộ đã qua đào tạo chuyên nghiệp thì đều có cơ hội sống như nhau.
Ngược lại, những nạn nhân được nhóm cứu hộ nghiệp dư cứu giúp thì thường sẽ chết vài giờ sau đó, hoặc mắc các bệnh mạn tính. Nguyên nhân là do chất độc tích tụ trong cơ bắp của cơ thể sau nhiều ngày không hoạt động có thể sẽ nhanh chóng xâm nhập vào máu khi nạn nhân bắt đầu di chuyển trở lại.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất