16/04/2025 12:59 GMT+7 | Bóng đá Việt
Sẽ không có gì đáng bàn nếu bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp thực thụ. Nghĩa là khi đó, các CLB trực thuộc doanh nghiệp, đặt trụ sở ở đâu cũng không quá quan trọng, cũng không bắt buộc phải thay đổi tên địa phương đi kèm phiên hiệu. Nhưng thực tế thì cả V-League lẫn hạng Nhất đều vẫn ở tình trạng phụ thuộc không ít vào nguồn tài chính lẫn các điều kiện của địa phương.
Trong 14 đội V-League, chỉ có 6 đội đang thuộc các địa phương không nằm trong diện sáp nhập, nổi bật là 3 đội đang đóng quân trên địa bàn Thủ đô. 8 đội còn lại, có 6 thuộc 3 địa phương dự kiến sẽ sáp nhập với nhau, như TP.HCM – Bình Dương, Bình Định – HAGL , SHB Đà Nẵng – Quảng Nam FC. Tương tự là tình hình ở giải hạng Nhất với các "cặp" Bà Rịa Vũng Tàu – Trẻ TP.HCM, Trường Tươi Bình Phước – Đồng Nai…
Xét riêng về từng đội bóng, thì sự tồn tại của họ không vấn đề gì, nhưng nếu nhìn ở tổng thể bóng đá Việt Nam, thì đây là một sự thay đổi rất lớn của bóng đá Việt Nam. Hay đúng hơn, là một cơ hội để chuyển mình lớn lao.
Hãy nhìn xem, trên bảng xếp hạng V-League, SHB Đà Nẵng đang ở vị trí cầm đèn đỏ và đứng trước nguy cơ xuống hạng lần thứ 2 trong vòng 3 năm. Quảng Nam FC hiện vẫn còn nằm ở nhóm phải đá play-off, tức là nguy cơ xuống hạng lần thứ 2 trong vòng 4 năm. Trong nhóm cuối bảng, còn có thêm một đội bóng miền Trung khác là Bình Định…
Nam Định sẽ mạnh hơn nữa nếu như được bổ sung dàn sao từ Ninh Bình. Ảnh: Song Ngọc
Tại V-League không có đội nào đến từ khu vực miền Tây suốt 4 năm qua. Thậm chí, ở giải hạng Nhất hiện cũng chì còn Long An, Đồng Tháp. Thực trạng của bóng đá đồng bằng sông Cửu Long là dẫn chứng rõ ràng nhất cho việc tại sao đến nay V-League không thể tăng lên 16 đội theo đề án bóng đá chuyên nghiệp đề ra hơn 20 năm trước. Dù cả nước có đến 63 tỉnh thành, nhưng 25 CLB chuyên nghiệp (V-League lẫn hạng Nhất) chỉ đến từ 21 địa phương mà thôi.
Như vậy, với việc sáp nhập các tỉnh – thành có thể dẫn đến một triển vọng khá hấp dẫn: mỗi địa phương đều có CLB bóng đá chuyên nghiệp và V-League sẽ tăng được số lượng tham dự. Ví dụ như bóng đá miền Tây sau sáp nhập, có thể hồi sinh các cái tên đình đám một thời ở đấu trường V-League như An Giang, Cần Thơ hay Đồng Tháp, Tây Ninh. Đặc biệt, có thể bóng đá khu vực miền núi phía Bắc cũng có cơ hội lịch sử để lần đầu tiên tham gia bóng đá đỉnh cao.
Việc sáp nhập các địa phương đem đến tiềm lực đầu tư tập trung, dễ thu hút các doanh nghiệp bản địa, qua đó cũng tạo được sự ổn định lâu dài. Ví dụ như Quảng Nam và Đà Nẵng đang sở hữu đến 3 chức vô địch V-League nhưng khả năng duy trì đội bóng thì khá bấp bênh. Nếu trở lại thành đội Quảng Nam – Đà Nẵng như trước đây, thì thực lực của họ sẽ khác.
Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất cần đặt ra thuộc về các nhà quản lý bóng đá Việt Nam tại VFF và VPF. Đây là một cơ hội để bản đồ bóng đá Việt Nam được vẽ lại nếu có kế hoạch hành động phù hợp. Không chỉ là việc mỗi địa phương – 1 đội bóng, mà còn có sự xuất hiện của các thế lực mới nhờ quá trình sáp nhập địa phương.
Sự phát triển của bất kỳ nền bóng đá nào cũng đều gắn liền với các CLB, càng nhiều đội bóng thì càng tăng số lượng cầu thủ chuyên nghiệp, qua đó cũng cung cấp "đầu vào" đa dạng hơn cho đội tuyển quốc gia.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất