05/10/2018 07:53 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Sự kiện ra mắt thương hiệu xe hơi Việt - VinFast ở Paris tuần qua, khiến báo chí tốn nhiều giấy mực, cộng đồng mạnh lên cơn sốt, bàn ra tán vào. Tự hào có, mà soi mói, chê bai cũng nhiều. Cựu danh thủ - đội trưởng đội tuyển Anh, David Beckham, hiện diện bên cạnh tân hoa hậu Việt Nam 2018 - Trần Tiểu Vy, tại kinh đô ánh sáng để quảng cáo cho một nhãn hàng Việt Nam, cũng là chuyện xưa nay hiếm và được tính toán rất kỹ.
Cách đây không lâu, Cristiano Ronaldo cũng từng quảng cáo cho hệ thống căn hộ cao cấp Cocobay Đà Nẵng. Còn trước đó, "người đặc biệt" Jose Mourinho "quảng bá" cho V-League không biết bao nhiêu lần mà không cần nhận thù lao.
Từ MLS, giải bóng đá nhà nghề Mỹ, đến J-League 1, giải đấu cao nhất của Nhật Bản), rồi kể cả giải VĐQG Trung Quốc... , từng tốn cả tỷ mỹ kim, để kéo về các ngôi sao hàng đầu, trong việc gây sự ý, thu hút nguồn lực và nâng cấp hệ thống giải đấu. Từ David Beckham (lại là Beckham), đến Thierry Henry, Kaka…, đều lũ lượt kéo đến Mỹ; tại Trung Quốc Super League 2018, những Oscar, Pato, Hulk (Brazil), Mascherano, Lavezzi (Argentina)..., vẫn đang tung hoành ngang dọc.
Đến ngay cả Serie A đầy bản sắc và niềm tự hào bất tận, để vực dậy giải đấu số 1 đất nước hình chiếc ủng, người ta vẫn phải mời Cris Ronaldo đã toan về già cơ mà! Sức hút của "bà đầm già thành Turin" lớn hơn nhiều trước khi có "CR7" và Serie A cũng nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Bản quyền truyền hình giải đấu này mùa giải 2018 - 2019 đã được bán rộng khắp trên toàn thế giới, tất nhiên, trong đó có cả Việt Nam.
Còn V-League, ngôi sao lớn nhất từng gia nhập là Denilson (Hải Phòng) và dù chỉ xuất hiện vài chục phút trên sân, nhưng cũng đủ để khiến khán giả Lạch Tray dậy sóng. Đó là một bản hợp đồng thành công về thương mại của đội bóng đất Cảng, nơi vẫn được xem là kinh đô của V-League.
***
Bóng đá là một cuộc chơi, nhưng kinh tế bóng đá thực sự là ngành công nghiệp không khói hái ra tiền ở nhiều quốc gia. Ở tầm vĩ mô, những sự kiện như của VinFast hay Cocobay Đà Nẵng, việc mời được các ngôi sao hàng đầu quảng bá thương hiệu, dù mức độ hiệu quả là chưa thể cân-đo-đong-đếm được, là những đột phá lớn, giới thiệu Việt Nam với bạn bè 5 châu. Trước khi chê bai kiểu thời mạng xã hội, chúng ta cần phải xem xét lại, nền kinh tế Việt Nam đang ở đâu trên bức tranh kinh tế toàn cầu và bóng đá Việt Nam xếp tận vị trí nào trên bản đồ bóng đá thế giới?
Sau khi mải miết tranh biện về hãng xe hơi đầu tiên mang thương hiệu Việt - VinFast, trong vòng 24 giờ đồng hồ qua, một bộ phận nhỏ của giới túc cầu giáo Việt lại tiếp tục lao vào một cuộc tranh cãi không hồi kết khác, sau khi ông bầu Đỗ Quang Hiển được cho là đã nói "sân Hàng Đẫy là sân bóng có lực lượng CĐV đông nhất V-League 2018". Đã lâu rồi, người ta vẫn hay nhầm lẫn khái niệm CĐV (có thẻ Hội viên) và khán giả, nên ngay cả ông Hiển một phút vui quá khẳng định điều này, thì cũng không phải không có lý.
Điều cốt lõi cuối cùng ở đây là gì? Là tại sao phải tranh luận những điều không đâu, khi đáng ra cần hướng tới một giải đấu cạnh tranh lành mạnh, có sức hút lớn với khán giả và cả nhà đầu tư, kéo về vài tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu (như Thai Premier League chẳng hạn), một vài siêu sao cỡ Oscar hay Pato nhỉ? David Beckham nếu hồi xuân hay Ronaldo một ngày chán Serie A mà cập bến V-League, e là cũng không thể đoàn viên, để tất cả cùng nhau nâng cấp bóng đá Việt Nam được.
Thế nên, họ đi bán căn hộ hay xe hơi cho chúng ta, đấy đã là tốt lắm rồi! Trong kinh tế học, gọi là công thức "win-win".
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất