24/09/2018 13:06 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Theo bảng xếp hạng mới nhất của bóng đá thế giới (FIFA Ranking), Việt Nam hiện đang xếp thứ 102 (1220 điểm), đứng đầu khu vực Đông Nam Á, xếp trên Thái Lan 20 bậc, thậm chí vượt mặt cả những nền bóng đá đã tiệm cận FIFA World Cup như Triều Tiên, Jordan, Bahrain, Togo và New Zealand…
Đây là vị trí cao nhất mà bóng đá Việt Nam có được, trong nhiều năm đổ lại. Trong quá khứ, chúng ta từng lọt vào Top 100, dù ĐTQG Việt Nam không thường xuyên thuận theo "múi giờ FIFA".
Bất chiến mà thành
Kể từ sau khi kết thúc chiến dịch vòng loại Asian Cup 2019 (3/2018), với ngôi nhì bảng C, hơn nửa năm qua, đội tuyển Việt Nam gần như không thi đấu các trận chính thức và giao hữu quốc tế theo "giờ FIFA". Vậy, các tiêu chí cụ thể để tính tổng điểm của ĐTQG như: Điểm thi đấu, mức độ quan trọng, trình độ của đối thủ và trình độ của bóng đá châu lục, cũng không được tính tới. Chúng ta cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng của FIFA là nhờ đối thủ mất điểm.
Trước khi bước vào vòng loại Asian Cup 2019, đồng thời là vòng loại FIFA World Cup khu vực châu Á (12/2015), đội tuyển Việt Nam xếp hạng 133 trên FIFA Ranking. Đội bóng dưới thời Toshiya Miura thua Thái Lan ở cả 2 lượt trận, cầm hòa Iraq và thắng Đài Loan (Trung Quốc) cả lượt đi lẫn lượt về, có 7 điểm. Vị trí thứ 3 bảng F không giúp đội tuyển Việt Nam lọt vào nhóm tranh suất dự FIFA World Cup 2018, và để đến được với VCK Asian Cup 2019, chúng ta phải trải qua một đợt đấu loại nữa, như đã nhắc ở trên.
Tại bảng C, vòng đấu loại trực tiếp cuối cùng tiebreakers, Việt Nam dưới triều đại HLV Nguyễn Hữu Thắng và người kế nhiệm Park Hang Seo, đã không mấy khó khăn để lấy ngôi nhì bảng, sau các trận hòa Jordan, giành 4/6 điểm tuyệt đối trước Afghanistan và thắng Campuchia cả 2 lượt trận. Xét các tiêu chí để tính tổng điểm, thì số điểm sau các trận thắng trước đối thủ dưới cơ như Campuchia hay Afghanistan, hoặc Đài Loan, không hơn tổng điểm của một trận hòa trước Iraq, nhà vô địch châu Á 2007 và vào bán kết năm 2011.
Toàn bộ chiến dịch Vòng loại (FIFA World Cup 2018 và AFC Asian Cup 2019 kết hợp) kéo dài trong khoảng 2,5 năm, với tổng cộng 3 thuyền trưởng thay ca nhau, sau 2 lần binh biến, đội tuyển Việt Nam đã thắng tổng cộng 5 trận (trước Đài Loan, Afghanistan và Campuchia), hòa 4 trận (trước Iraq, Jordan và Afghanistan), để thua 3 trận (trước Thái Lan và Iraq).
Để thứ hạng thực sự là... thứ hạng
Năm 2018 và giai đoạn 2016 - 2017 trước đó, có thể nói là đại hỷ với bóng đá trẻ Việt Nam. Từ Top 4 VCK U19 châu Á 2016, đến một suất dự FIFA U20 World Cup 2017, á quân VCK U23 châu Á và giành vị trí thứ 4 ASIAD 18. Bóng đá trẻ không được tính thang điểm trên bảng xếp hạng của FIFA, vốn chỉ dành cho cấp độ ĐTQG, nhưng bắt đầu từ bây giờ, nếu tiếp tục duy trì được tính liên tục và sự ổn định, chúng ta có thể đón lõng thành công tại AFF Cup 2018 và AFC Asian Cup 2019 tại UAE vào đầu năm sau.
Bằng những thế hệ cầu thủ trẻ tài năng nối tiếp nhau, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia cũng sẽ được hưởng lợi, nếu khâu điều hành giải đấu tốt, cùng các CLB được chuẩn hóa chuyên nghiệp. Đấy là nói thế thôi!
Trở lại với FIFA Ranking và thực thể - năng lực chinh phục của ĐTQG Việt Nam. Chúng ta đã và đang có những thành công bước đầu với bóng đá trẻ, nhưng ở tầm ĐTQG, nếu đặt cạnh Iraq hay Thái Lan, thậm chí cả Jordan…, những đối thủ gần nhất mà chúng ta đụng độ, thì vẫn còn khá khiêm tốn. Hai trận đấu chính thức với Thái Lan, từ Rajamangala, đến Mỹ Đình là minh chứng cho 1 khoảng cách về chuyên môn vẫn còn tồn tại. Bóng đá Thái vẫn ở một trình độ cao hơn, họ chơi khoan thai và không bao giờ mang biểu hiện hoảng loạn.
Thái Lan đã đi tới vòng loại cuối cùng FIFA World Cup 2018, thông qua ngôi nhất bảng F trước đó (vượt mặt cả Iraq, vốn ở vị trí cao hơn trên FIFA Ranking), để tranh vé đến Nga cùng Nhật Bản và Australia, hay Saudi Arabia (12 đội bóng mạnh nhất châu Á tranh 5 suất). Và dù thất bại, nhưng có thể nói Thái Lan hay Iraq, Qatar và cả Syria…, đã ổn định về biểu đồ thành tích trong tốp 10 - 12 châu Á, từ nhiều năm qua. Với bóng đá Việt Nam, việc bất ngờ lọt vào tứ kết AFC Asian Cup 2007 trên sân nhà, không thể không nhắc đến yếu tố may mắn!
Nhưng lần này, chúng ta đã có một tư thế khác, hy vọng thầy trò HLV Park Hang Seo tiếp tục duy trì phong độ đã đạt được trong 2 năm qua, để thứ hạng thực sự là thứ hạng, chứ không chỉ là con số tham khảo cho vui.
1. Cuối năm 2011, dù không đạt thành tích đáng kể nào, nhưng đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Falko Goetz bất ngờ tăng 35 bậc, xếp hạng 99 và lần đầu tiên trở lại Top 100 trên FIFA Ranking kể từ 9/1998 (xếp thứ 84). 2. Vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng của FIFA mà bóng đá Việt Nam từng phải nhận, đấy là hạng 172, vào tháng 12/2006. Đây cũng là năm mờ nhạt nhất của bóng đá Việt Nam trên đấu trường châu lục và khu vực. 3. Theo bảng xếp hạng mới nhất FIFA Ranking, Nhật Bản và Hàn Quốc đang đứng đầu châu Á (hạng 54 và 55), trong khi quốc gia châu Á xếp thấp nhất là Sri Lanka và Pakistan (đồng hạng 199). |
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất