Ba câu hỏi cho Sao Mai 2009

09/11/2009 16:30 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH Cuối tuần) - Ngay sau khi kết thúc đêm Chung kết khu vực phía Bắc cuộc thi Sao Mai (01/11), kết quả đã gây chú ý và có những phản hồi từ báo chí và khán giả. Để rộng đường dư luận và với tinh thần xây dựng, hướng đến sự thành công của cuộc thi, xin được lạm bàn về một vài “dấu hỏi” xung quanh tiêu chí của cuộc thi Sao Mai 2009, với sự chờ đợi những đêm chung kết các khu vực: miền Trung, miền Nam và Toàn quốc sẽ diễn ra trong thời gian tới.

Tiêu chí nào quan trọng nhất của Sao Mai?

Theo thông báo của Ban tổ chức ngày 15/10/2009: Tiêu chí của cuộc thi tại vòng chung kết là phát hiện những giọng hát (ca khúc) thực sự thuyết phục về chuyên môn, nghệ thuật của 3 phong cách biểu diễn âm nhạc hiện đang tồn tại phổ biến ở Việt Nam là: Thính phòng cổ điển, Dân gian và Nhạc nhẹ.

Vậy, “giọng hát” hay “cách hát”? Đâu là chuẩn của chuyên môn nghệ thuật mà các thí sinh sẽ được BGK lấy làm thước đo? Theo nhận thức của người viết thì tiêu chí quan trọng nhất và đáng được đề cao nhất của cuộc thi chính là sự biểu hiện “thẩm mỹ âm nhạc” của thí sinh. Vì chỉ có như vậy chúng ta mới có thể dùng hai từ “chuyên nghiệp” cho cuộc thi này.


Về dòng Nhạc nhẹ, người được Hội đồng nghệ thuật bình luận (HĐNT) gồm NS Ngọc Châu, ca sĩ Phương Thảo và GS.NSND Trung Kiên, nhận xét là hát “ra chất” nhạc nhẹ, thể hiện bài hát tinh tế và có chất giọng tuy không thật xuất sắc nhưng là giọng nhạc nhẹ đã bị loại (Tôn Thất Thái Sơn - ca khúc Độc thoại, sáng tác của Quốc Bảo).

Trần Quốc Bảo với ca khúc Hà Nội xa vắng có còn tôi, sáng tác của Trọng Đài) theo nhận xét của HĐNT là trình bày rời rạc, thiếu cuốn hút và ca khúc cũng chưa bật lên được hết chất nhạc nhẹ đã được BGK chọn.

Giọng hát dày, đẹp của Hoàng Lệ Quyên (dự thi ca khúc Dòng sông ký ức, sáng tác của Phó Đức Phương) không biết có phải vì 17 tuổi - trẻ nhất (?) nên đôi chỗ vào sớm nửa nhịp, hoặc theo như bình luận của HĐNT là nhịp chưa được tốt, vẫn được chọn. Nhịp phách của một người làm nghề chuyên nghiệp rất quan trọng, chưa kể, “trường độ” và “cao độ” còn là kỹ thuật thanh nhạc căn bản của nghệ sĩ biểu diễn...

Ở dòng Dân gian, Nguyễn Thị Minh Chuyên trình bày ca khúc Son - sáng tác của Đức Nghĩa – với trang phục dân gian, chất liệu âm nhạc dân gian đương đại, phong cách phối khí nhạc nhẹ và kỹ thuật thanh nhạc nhạc nhẹ (cũng theo nhận xét của HĐNT) đã được chọn. Nguyễn Thị Việt Hà với Sông ơi đừng chảy của Nguyễn Vĩnh Tiến, với chất liệu âm nhạc dân gian đương đại, phong cách phối khí không rõ là nhạc nhẹ hay dân gian và kỹ thuật thanh nhạc thính phòng cố tìm cách thể hiện theo màu sắc dân gian, đã được chọn.

Ở dòng Thính phòng cổ điển, Trần Thị Hồng Nhung, thí sinh duy nhất được HĐNT đánh giá là hát ra chất thính phòng cổ điển nhất, đã bị loại. Trong khi đó, hai thí sinh nam chính thức được chọn là Lê Xuân Hảo (Vang mãi bản tình ca nhạc và lời Trọng Bằng) và Đặng Minh Hải (Hà nội, tình yêu tôi nhạc và lời: An Thuyên) đều được “khen” là hát rất tình, đôi khi còn thiếu kiềm chế cảm xúc - một yếu tố quan trọng của dòng nhạc nhẹ trữ tình chứ không phải là đặc trưng của phong cách Thính phòng cổ điển, nhưng BGK lại quyết định chọn kiểu hát “thính phòng cổ điển” này!

      Cuộc thi Sao Mai 2009 được khởi động vào tháng 11/2009. Chung kết khu vực phía Bắc diễn ra tối 1/11, chung kết khu vực miền Trung vào tối 08/11 và chung kết khu vực phía Nam sẽ diễn ra vào 15/11. Vòng chung kết toàn quốc sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11, dự kiến tại một trong hai địa điểm: Phú Yên hoặc Quảng Ninh. hộp đều có thể thay đổi.

Nếu có điều kiện nghe lại băng âm thanh của đêm diễn thi BGK sẽ có cơ hội nhận thấy không có sự khác biệt nhiều giữa cách chọn ca khúc và kỹ thuật thanh nhạc của các thí sinh: Trần Quốc Bảo, Lê Xuân Hảo, Đặng Minh Hải và Nguyễn Tùng Lâm là bao nhiêu... Vậy điều gì là chuẩn để BTC đặt ra phong cách Thính phòng cổ điển và Nhạc nhẹ?


Vậy, “ca khúc” hay “dòng nhạc”, đâu là chuẩn để BGK đánh giá được thẩm mỹ âm nhạc và sự chuyên nghiệp trong nhận thức về kiến thức chuyên môn của thí sinh? Tiêu chí nào là quan trọng nhất cho một tài năng mới xuất hiện trên bầu trời âm nhạc? Theo thông tin được đăng tải nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông thì Sao Mai 2009 “Cấm thí sinh ăn mặc hở hang!” là thông tin chính thức được phát ngôn từ BTC?

Tiêu chí nào dành cho Ban giám khảo?

5 vị giám khảo:

- Bà Lê Huyền Thanh - Phó trưởng Ban văn nghệ Đài TH Việt Nam.

- Thiếu tướng, nhạc sĩ An Thuyên - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội.

- NSƯT Mạnh Chung - Phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

- Nhạc sĩ - NSƯT Trọng Đài - Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long.

- Giọng hát vàng ASEAN 2008, Sao mai Điểm hẹn 2006 Nguyễn Ngọc Anh.

Ngoài Nguyễn Ngọc Anh là đại diện ca sĩ trẻ duy nhất để chấm giọng hát, các vị giám khảo còn lại thành phần nhạc sĩ nhiều hơn ca sĩ. Cũng khó xử cho BGK khi các thí sinh lọt vào vòng trong của đêm thi lại chọn đúng các tác phẩm của các giám khảo An Thuyên và Trọng Đài ngay từ vòng ngoài sơ khảo, mà theo quy định của BTC là không được phép thay bài! Sao Mai là cuộc thi dành cho tài năng trẻ ca hát, thiết nghĩ nên dành sự lựa chọn những đại diện xuất sắc của thế hệ mình cho một Hội đồng giám khảo trẻ trung hơn như Lan Anh, Trọng Tấn, Mỹ Linh... bên cạnh một Sao mai Ngọc Anh...

Tiêu chí nào đại diện cho bình chọn của khán giả?

Theo thông báo của BTC, ngoài những giải chính thức của cuộc thi, năm nay giải bình chọn cho khán giả được thực hiện qua tin nhắn điện thoại sẽ được coi là giải Thí sinh được khán giả yêu thích nhất. Đột nhiên vào chính đêm Chung kết khu vực phía Bắc thì thông báo chính thức từ BTC trên sóng truyền hình trực tiếp là thí sinh có số bình chọn tin nhắn cao nhất trong đêm chung kết sẽ được cộng thêm một điểm vào tổng số điểm của BGK để xét vào vòng trong?! Thông báo này không có trong Thể lệ cuộc thi của BTC. Và kết quả bình chọn thí sinh Nguyễn Tùng Lâm là một trong những điều mà giới truyền thông cho là “bất ngờ” nhất của cuộc thi vì anh có số thứ tự trình diễn gần cuối chương trình mà kết quả bình chọn được công bố ngay trên sân khấu khi cuộc thi kết thúc.

Thiết nghĩ, một sự bình chọn dành cho khán giả thì hãy cho khán giả có đủ thời gian lựa chọn, so sánh và quyết định. Như vậy mới thực sự là giải pháp hỗ trợ thị trường và tôn trọng khán giả chứ không nên vô tình tạo ra những cơ hội tiêu cực không cần thiết trong việc ăn thua của cuộc thi. Hơn nữa, số bình chọn phải được thông báo công khai với con số chính xác vào ngày cuối cùng được thông báo chính thức trên truyền thông, có sự so sánh giữa các thí sinh mới thuyết phục được khán giả.

Muộn còn hơn không?

Tôi xin có một vài đề nghị mang tính cá nhân nhưng rất xây dựng như sau:

Sử dụng tối đa quyền năng mà BTC đã đề ra để điều chỉnh lại các tiêu chí nghệ thuật đích thực, phù hợp với tính chất của cuộc thi.

Thứ hai, điều chỉnh lại thể lệ bình chọn qua tin nhắn để khán giả được thỏa mãn với sự lựa chọn của chính mình.

Cuối cùng, tôi xin chúc BTC cuộc thi đủ bản lĩnh và dùng cơ hội này để lấy lại uy tín của chính mình trong lòng khán giả.

Nguyễn Anh Tuấn (bạn đọc)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm