06/01/2024 09:34 GMT+7 | Văn hoá
Năm 2024, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đổi mới phương thức tổ chức hoạt động để theo kịp với thực tiễn, phát huy hơn nữa tinh hoa của hội viên, tiếp tục sáng tạo những sản phẩm văn học nghệ thuật có dấu ấn riêng, tạo thành tiếng nói đầy bản sắc, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Hội cũng tăng cường triển khai và phát động các phong trào thi đua sáng tạo văn học nghệ thuật hướng tới kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước trong năm 2024-2025.
Nhiều thành tựu đáng ghi nhận
Số liệu thống kê của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2023 cho thấy, năm vừa qua, hoạt động Hội đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong đó, Hội đã tổ chức 6 trại sáng tác với 115 hội viên tham gia, sáng tác được 375 tác phẩm văn học nghệ thuật.
Đáng chú ý là việc tổ chức thành công các trại sáng tác văn học nghệ thuật tại một số địa bàn khó khăn về lực lượng, điều kiện tiếp cận thông tin cho các hội viên như trại sáng tác văn học nghệ thuật Tây Nam Bộ, được tổ chức với 18 trại viên các chuyên ngành văn học, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc. Sau một tuần dự trại, đã có 87 tác phẩm văn xuôi, 10 tác phẩm âm nhạc, 4 tác phẩm mỹ thuật và 2 kịch bản được chuyển cho Ban Tổ chức.
Trại sáng tác văn học trẻ tại Pù Luông (Thanh Hóa) được tổ chức cho 18 trại viên. Đây là trại được tổ chức 19 năm nay, nhằm phát hiện những nhân tố mới cho công tác phát triển hội viên và bồi dưỡng tài năng cho Hội. Với thời gian 1 tuần thực tế và sáng tác, các tác giả đã công bố được một khối lượng tác phẩm gồm: 57 bài thơ, 14 tác phẩm văn xuôi bao gồm truyện ngắn, bút ký, tản văn…
Bên cạnh đó, các trại sáng tác tại tỉnh Kiên Giang với sự tham gia của 32 hội viên đến từ 9 tỉnh thành, trại sáng tác tại Nha Trang với 20 trại viên đến từ 12 cơ sở hội và chi hội… với hàng trăm tác phẩm văn học nghệ thuật gửi cho Ban tổ chức.
Đại diện lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số khẳng định, việc mở các trại sáng tác, tổ chức các chuyến đi thâm nhập thực tế đã tạo điều kiện, trong đó có một số hội viên lớn tuổi, hội viên khó khăn về kinh tế có thời gian tập trung để hoàn thành tác phẩm; được giao lưu, trao đổi, học hỏi nâng cao chuyên môn; được khuyến khích, động viên tạo động lực để tiếp tục sáng tạo.
Năm 2023, Hội cũng tổ chức thành công Hội nghị “Công tác chi hội văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số khu vực Tây Nam Bộ”; kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn (18/11/1923-18/11/2023); tham gia các hoạt động kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam…
Hội cũng đã kiện toàn và thành lập thêm Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam các tỉnh Bắc Kạn, An Giang, Vĩnh Long, Ninh Bình. Đến nay, Hội có 45 chi hội, với 1.216 hội viên, trong đó dân tộc ít người là 759. Số hội viên trẻ có học vấn cao ngày càng đông là nguồn vốn quý báu, là hy vọng cho tương lai gần sẽ có những tác phẩm nghệ thuật lớn ra đời.
Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam Nông Quốc Bình, nhìn chung, hoạt động văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số tại các vùng, miền đang có những chuyển biến tốt, nhiều chi hội, hội viên tâm huyết tích cực tham gia các hoạt động chung của Hội; tổ chức được nhiều hoạt động chuyên môn như in sách, triển lãm, mở các lớp dạy chữ dân tộc, dạy vẽ, thư pháp, múa, bảo tàng tư nhân... Nhiều câu lạc bộ nghệ thuật dân tộc thiểu số ra đời do các hội viên của Hội đứng ra tổ chức, thu hút được nhiều người tham gia, trở thành nòng cốt văn nghệ địa phương, tham gia nhiều hội diễn, đạt nhiều giải thưởng. Một số hội viên nữ người dân tộc thiểu số tham gia lĩnh vực nhiếp ảnh, mỹ thuật đã giành được giải thưởng cao của Hội và tại các cuộc triển lãm chuyên ngành trung ương, địa phương… Đặc biệt đối với hội viên dân tộc thiểu số cao tuổi ở miền núi, vùng sâu, vùng xa dù còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn vẫn miệt mài cho ra đời những đứa con tinh thần, như nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhạc sỹ Linh Nga Niê Kđam, nhà văn Nông Văn Kim... Nhiều hội viên chủ động tham gia và đạt được nhiều giải thưởng ở trong nước và quốc tế.
Năm 2023, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã công bố và trao giải thưởng cho 61 tác giả hội viên có tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc năm 2023. Trong đó, có 1 giải A, 14 giải B, 19 giải C và 27 giải khuyến khích cho các tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc ở các thể loại.
Tạo động lực sáng tạo cho nghệ sỹ
Tuy nhiên, lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cũng thừa nhận, hiện nay, tình hình mai một ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, kiến trúc, nghề truyền thống đang diễn ra ở nhiều nơi thuộc vùng sâu, vùng xa - những nơi trước đây được coi là duy trì tốt bản sắc cổ truyền dân tộc. Việc in, tiêu thụ, phổ biến tiếng dân tộc bị hạn chế, dẫn tới ít người hào hứng sáng tác bằng ngôn ngữ dân tộc. Một số chi hội ở miền núi vẫn để hội viên tự lo để sáng tác và công bố tác phẩm, việc khai thác các di sản văn hóa, lịch sử cách mạng tại các vùng, miền, trong các dân tộc thiểu số chưa thật thành công…
Nhiều ý kiến hội viên cho rằng, để hoạt động sáng tạo các tác phẩm văn học nghệ thuật vùng dân tộc thiểu số được phát triển, Hội cần có các hình thức khuyến khích đam mê, tạo động lực sáng tạo mới cho các văn nghệ sỹ. Trong đó có việc hỗ trợ (đầu tư) xứng đáng những tác phẩm văn học nghệ thuật được hội đồng nghệ thuật đánh giá có thể trở thành tác phẩm xuất sắc. Động viên, hoan nghênh, ghi nhận tinh thần của các chi hội, cá nhân tích cực tham gia vào công tác bảo tồn, quảng bá, phát huy văn hóa, văn học nghệ thuật dân tộc thiểu số, sử dụng các di sản đó góp phần vào phát triển kinh tế, du lịch, công nghiệp văn hóa địa phương...
Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam Nông Quốc Bình, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành lần thứ 5, khóa VI (nhiệm kỳ 2019- 2024), phát huy cao nhất mọi sự sáng tạo của các loại hình nghệ thuật, khai thác, sử dụng hiệu quả di sản văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam để có được những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng, nghệ thuật xứng tầm.
Hội sẽ Thành lập Ban Tổ chức để triển khai các hoạt động chuẩn bị chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2024 - 2025. Phát động các phong trào thi đua sáng tạo văn học nghệ thuật hướng tới kỷ niệm những ngày kỷ niệm lớn của đất nước năm 2024-2025.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024 của Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam mới đây, ông Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng vụ văn hóa dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị, trong thời gian tới, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam cần đổi mới phương thức tổ chức hoạt động để theo theo kịp với thực tiễn, phát huy hơn nữa tinh hoa của hội viên, để tiếp tục sáng tạo những sản phẩm văn học nghệ thuật có dấu ấn riêng, tạo thành tiếng nói đầy bản sắc, có sự lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
Ông Nguyễn Minh Nhựt nêu rõ, phương hướng hoạt động năm 2024 của Hội cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, có kế hoạch, đề án cụ thể, nhất là năm 2024-2025 có nhiều dịp kỷ niệm quan trọng của đất nước như: 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024), 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945- 2/9/2025), 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025)…
Ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, tất cả các ngày lễ lớn của đất nước đều là nguồn cảm hứng sáng tác cho các tác giả. Lãnh đạo Hội cần có sự định hướng rõ ràng để hội viên tham gia sáng tác các tác phẩm có ý nghĩa, phục vụ mục tiêu tuyên truyền, chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất