31/10/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Việc tìm lối đi và cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh là thử thách vô cùng lớn trong những năm trở lại đây của các đơn vị nghệ thuật.
Trước đại dịch Covid-19 và các đợt bùng phát kéo theo việc giãn cách xã hội kéo dài, sân khấu nói chung vốn đã khó khăn. Nay sẽ càng khó khăn hơn sau một thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, việc tìm lối đi và cách ứng phó trong tình hình dịch bệnh là thử thách vô cùng lớn trong những năm trở lại đây của các đơn vị nghệ thuật. Cách thức tìm kiếm, tiếp cận và thu hút khán giả đã khó nay càng khó hơn. Việc thiếu hụt khán giả vẫn là thực trạng chung của các nhà hát. Nguồn thu từ bán vé của các loại hình nghệ thuật sân khấu hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều NSƯT, NSND vẫn là diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng…
Vì điều này khiến cho nhiều khoa đào tào nghệ thuật sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh như khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề...
"Chính những liên hoàn đó khiến cho nghệ thuật sân khấu kịch nói dần mai một trước tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường. Đó là một điều vô cùng đáng tiếc, đáng lo ngại", NSND Trung Hiếu nói thêm
Trong khi đó, cũng theo NSND Trung Hiếu, tác phẩm sân khấu lại chưa đủ hấp dẫn và sự thiếu hụt nhân sự từ khâu kịch bản, âm nhạc, đạo diễn… vẫn đang là vấn đề bức thiết của sân khấu hiện nay.
Vì vậy, cần đưa nghệ thuật vào chương trình giáo dục chính khoá từ các cấp mầm non, tiểu học, đồng thời có nhiều khoá đào tạo, các buổi giao lưu biểu diễn với các nước trên thế giới giúp các nghệ sĩ được mở mang, học hỏi và kích thích sự sáng tạo. Những vở diễn cần bám sát với đời, phản ánh chân thực những vấn đề nóng hổi đương thời.
NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cũng nhận định: Nền nghệ thuật sân khấu đã đi qua giai đoạn hoàng kim và đang đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp.
Việc tiếp nhận dễ dàng quá nhiều các thông tin, các loại hình giải trí trên nhiều phương tiện hiện đại đã dẫn đến việc thay đổi thái độ, suy nghĩ và sự tiếp nhận của nhiều tầng lớp khán giả, kéo theo sự thay đổi của nhiều đơn vị nghệ thuật. Để chiều theo thị hiếu của người xem, những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Kịch chính luận gần như bị lãng quên bởi không còn người xem.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, tình thế lại có nhiều thay đổi. Thời sân khấu kịch loạn nhịp với những vở diễn đơn thuần với mục đích giải trí đã qua. Khán giả muốn xem kịch chính luận. Nhà hát Kịch Việt Nam có những vở diễn đạt kỷ lục về suất diễn. Trong đó, vở Lâu đài cát từng đạt mốc 100 đêm diễn, sau 2 năm ra mắt. Vở hài kịch chính luận Bệnh sĩ đã diễn được gần 300 đêm và vẫn được tiếp tục khai thác phục vụ khán giả. Vở Bão tố Trường Sơn, Kiều… diễn liên tiếp trong 1 tuần mà vẫn còn khán giả hỏi mua vé.
Cũng theo NSƯT Xuân Bắc, sau khoảng một thời gian dài xem những vở diễn được dàn dựng có phần dễ dãi, với những tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần “rẻ tiền”, giờ đây, khán giả đến sân khấu không phải để xem mà là để thưởng thức nghệ thuật. Những vở kịch được chăm chút kỹ lưỡng từ khâu kịch bản, ý tưởng dàn dựng đến sự hết mình của diễn viên. Những giá trị văn hóa, những giá trị đạo đức tốt đẹp, những bài học sâu sắc, tình yêu thương con người hay những triết lý sống cao đẹp…chỉ có thể được truyền tải rõ nét nhất qua chính kịch.
NSƯT Sĩ Tiến, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cũng nhận định: Kịch nói đã trải qua thời kỳ hưng thịnh nhất. Trước sự xuất hiện của điện ảnh, nghệ thuật thị giác, các phương tiện nghe nhìn, của internet, kịch nói càng phải nỗ lực nhiều hơn. Nhà hát Tuổi trẻ và các nhà hát khác trong cả nước vẫn đang rất nỗ lực để bảo tồn và duy trì sân khấu kịch kinh điển, đồng thời tiếp nhận, phối hợp và quy nạp những phương pháp, thủ pháp hiện đại.
Trên sân khấu đã xuất hiện những yếu tố của tạp kỹ, nghệ thuật video. Kịch nói tiếp cận điện ảnh, mỹ thuật biểu diễn, mỹ thuật sắp đặt, những trò chơi dân gian, ca vũ dân gian. Đây cũng là những thể nghiệm và thực nghiệm, góp phần đẩy kịch nói lên một tầm cao mới, theo kịp thời đại và trở thành nhân tố không thể thiếu trong nghệ thuật đương đại.
Theo đạo diễn Trần Lực, ông chủ của sân khấu tư nhân Lucteam đã rút ra một nhận định có ý nghĩa sống còn đối với các đoàn nghệ thuật hiện nay: "Không phải khán giả đang quay lưng lại với sân khấu mà là chúng ta (những người làm nghề) sẽ cho khán giả ăn món gì". Điều đó có nghĩa, khán giả không từ bỏ sân khấu mà là các nhà hát, các đoàn nghệ thuật sẽ mang tới cho khán giả những vở kịch nói có chất lượng như thế nào?
"Kịch nói Việt Nam phải có sự thay đổi, lột xác mạnh mẽ ngay từ hình thức dàn dựng, biểu diễn lẫn phương thức tiếp cận khán giả. Đại dịch Covid-19 cũng là dịp cho nghệ sĩ sân khấu kịch nói nhìn lại và thích ứng để tồn tại. Trước mắt là đội ngũ làm nghề đúng nghĩa không thể buông xuôi mà phải chỉnh đốn ngay những mặt chưa làm được thông qua đề án cải tiến. Sớm kiến nghị với địa phương, tham mưu với chính quyền để giữ cho được những ưu thế đang có", NSND Minh Ngọc chia sẻ thêm.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Hương Thu. Ảnh: Hòa Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất