SNếu ở Sài Gòn đủ lâu, hẳn sẽ có đôi lúc bạn cảm nhận được cái thân tình khi gọi tên thành phố. Sài Gòn là vậy, không chỉ thân thương trong tên gọi, Sài Gòn được yêu mến mà còn trìu mến sẵn sàng ôm ấp ước mơ của những người dân tứ xứ về một miền đất hứa. Ở cái mảnh đất ai cũng từng nói là xô bồ ấy, ai cũng có một khoảng trời riêng để sống, để yêu, để ước mơ hay chỉ đơn giản là để bám víu lấy để nuôi nấng những người mà mình trân quý.
Saigonis #2: Sài Gòn tứ xứ - Ở đây ai cũng có quyền được ước mơ
Ở một góc phố nhỏ nhộn nhịp cùng chiếc xe bán bánh đơn sơ, cô gái thoăn thoắt đưa tay múc từng muỗng bột sánh vàng, chỉ một vài phút sau, chúng đã nở phồng thơm lừng, một mặt bánh được nướng chuyển màu nâu cánh gián, giòn tan như nụ cười của cô gái trẻ.
Từ nơi "khúc ruột" miền Trung cơ cực, XX cùng gia đình lưu lạc đến Sài Gòn mang theo giấc mơ về một "vùng đất hứa". Ba mẹ đều làm thợ hồ, bản thân cô gái cũng có cho mình "gia tài" riêng là quầy bánh nhỏ.
Cuộc sống nơi phố thị này có lẽ chẳng dễ dàng với những người con xa xứ nhưng trong mắt cô gái đôi mươi, Sài Gòn vẫn luôn đẹp, luôn khiến cô gái không ngớt miệng cười khi nhắc về những câu chuyện nhỏ nơi đây:
"Sài Gòn vui lắm. Như Trung thu này, không biết sinh viên hay gì đó, cứ thấy người bán hàng rong, bảo vệ là cho bánh trung thu với một hộp sữa. Trời ơi, lúc đó vui! Vui!
Lúc đó em đang bán thì anh ấy hỏi là "Ăn bánh Trung thu không?". Em đang đổ bánh nên thuận miệng nói "Có đâu mà ăn". Xong anh bánh rồi nói "Nè cho nè". Trời ơi lúc đó vui! Sài Gòn đối với em đẹp lắm. Đối với ai cực chứ đối với em vui muốn chết luôn."
Sài Gòn sưởi ấm những người con tứ xứ chỉ nhờ những điều nhỏ bé như vậy.
Với gánh bánh tráng mạch nha nhỏ, cô Lan (Quảng Ngãi) ngày ngày quanh quẩy khắp nơi quanh mảnh đất Sài Gòn thấm thoắt đã 22 năm. Để lấy tiền lo cho em ăn học, cô đã từ bỏ ruộng đồng "một nắng hai sương" nơi quê nhà, rời xa hương lúa đến với Sài Gòn tấp nập mà theo cô "chỉ cần hiền lành thật thà là dễ sống".
Bánh tráng phồng giòn rụm như tan trong miệng, mang theo vị ngọt của kẹo mạch nha vàng óng trong suốt như mật, sợi dừa trắng tinh được nạo nhỏ thơm bùi đưa miệng. Tất cả giống như gói gọn ký ức của cô Lan về tình người giản dị mà thơm thảo ở mảnh đất Sài Gòn:
"Cô thấy ở Sài Gòn ra đường gặp nhiều người tốt lắm. Mình sống thật thà, mình tốt là gặp được nhiều người tốt, cô đi gặp nhiều người tốt bụng với cô lắm."
Ví dụ như vợ chồng chú ở trên đường Huỳnh Văn Bánh đó con. Cô ngồi trước nhà thôi mà họ cũng hỏi thăm, họ đi thể dục về họ qua cũng hỏi thăm rồi từ đó mình quen. Họ dễ thương, nhà giàu lắm nhưng không khinh rẻ mình. Cô ở quê ra, dẫu không có gì đi nữa cũng mang quà để biếu. Mình không biếu quà thì họ cũng vui thôi, nhưng mình lấy cái tình, tình chị em cô cháu.
Họ quý mình thì mình quý người ta, vậy thôi."
Sài Gòn có lẽ vẫn luôn đủ rộng, đủ rộng để ôm vào mình những mảnh đời nhỏ bé sống nơi đất khách quê người, đủ rộng để bao dung tất thảy.
Xe bánh mì nhỏ với cái tên "bánh mì cô Khuyết" nằm tại ngã tư Trần Quốc Thảo (Quận 3) giữa Sài Gòn tấp nập của hai cô gái nhỏ dường như lướt qua chẳng có gì đặc biệt. Nhưng đằng sau xe bánh mì, đằng sau cái tên giản dị là cuộc sống của những cô gái ngày ngày lấp đầy những điểm "khuyết" của mình bằng nghị lực, niềm tin và cả sự ấm áp, dễ thương của Sài Gòn.
Anh Thư từ nhỏ đã lớn lên trong chùa, dù thân hình bé nhỏ, những bước đi có phần chênh vênh do khiếm khuyết nhưng dường như nụ cười luôn nở trên môi dường như luôn là thứ giúp cô gái trẻ vững vàng hơn để bước trên con đường trưởng thành chẳng hề dễ dàng.
Giống như bao người dân tỉnh khác, Anh Thư - cô gái 18 tuổi mang theo một tâm trạng háo hức để gặp Sài Gòn. Ấn tượng lớn nhất của Anh Thư ban đầu về mảnh đất này chính là "rất nhiều xe" cùng sự ấm áp nhỏ bé đơn thuần từ những người xa lạ:
"Lúc đó sợ mà không dám qua đường luôn. Bữa đó đi học ở Cao đẳng Dược, đứng mãi ở đó mà không qua được, có chị đó lại hỏi "đi đâu hả?" rồi chị dắt qua. Em ở Tân Bình đi xe bus qua Phú Nhuận học, lúc đó đi xe bus thì mọi người cũng nhường chỗ cho em. Mới lên không có biết trạm nào dừng để xuống hết thì cô chú kêu "ngồi đó đi, chừng nào tới cô chú kêu cho". Mấy lần trễ học, em đi Grab thì có chú chở rồi nói "'Thôi, chuyến đầu ngày miễn phí nha!. Họ giúp em như vậy đó.
Em thấy người Sài Gòn khá cởi mở, thân thiện như là...mọi người đã quen biết nhau từ trước á. Em cảm thấy thoải mái, dễ đón nhận hơn khi bắt đầu ở tại một thành phố khác."
Sài Gòn với ai cũng vậy, dù xa lạ hay thân quen, vẫn luôn mở lòng.
Sau này, Anh Thư gặp Lộc - một cô gái nhỏ khác cũng mang trong mình khiếm khuyết tại một buổi workshop gây quỹ cho những người khuyết tật. Anh Thư đã gây ấn tượng cho Lộc bởi sự tinh tế và nhạy cảm của mình. Hai người dần trở nên thân thiết qua những buổi dạo chơi, những câu hỏi thăm trò chuyện, cũng cùng nhau trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện, tốt đẹp, lạc quan hơn từng ngày:
"Trước khi lên Sài Gòn, ở dưới đó (Đồng Nai) đi học thì em ở chùa không hà nên không biết ở ngoài nhiều, rất sợ các bạn nhìn mình với ý nghĩ gì.
Đơn giản là tới ở nhà đó, ra ngoài mua đồ ăn thôi em cũng không đi mà đặt ship về hoặc là mua chỗ nào gần nhà nhất thôi. Nếu không ngon thì cũng kệ chứ không thích đi xa do sợ mọi người.
Sau này thì gặp nhiều người hơn, cũng gặp bé Lộc rồi mấy bạn khác, tham gia nhiều hoạt động mới hiểu thêm được cái nhìn từ mọi người là sự yêu thương thôi chứ không có ý nghĩ khác. Em thấy giống như mình tự suy diễn thôi chứ nó không phải như vậy.
Tính lạc quan đó chỉ bắt mới bắt đầu khi lên Sài Gòn thôi." - Anh Thư chia sẻ.
Bằng tình yêu thương, Sài Gòn đã mở ra chiếc hộp chứa đựng tự tin mà Anh Thư từ lâu đã vô tình "vùi lấp" thật sâu bởi sự tự ti từ những khác thường của mình. Yêu thương - hai chữ đơn thuần nhưng luôn là điều diệu kỳ có thể làm nên kỳ tích, thay đổi cuộc sống của một con người như vậy.
Mỗi ngày, hai cô gái nhỏ đều dậy từ 4 giờ sáng để chuẩn bị cho xe bánh mình. Để từng ổ bánh mì luôn có được chất lượng tốt nhất, Anh Thư luôn muốn tất cả đồ ăn đều chỉ sử dụng trong ngày. Ngày đầu mở bán, cả hai đều không có chuẩn bị gì đặc biệt, cũng không một ai hay biết, chỉ một xe bánh mì nhỏ nhưng cũng chỉ trong 2 tiếng là hết veo:
"Cười không khép được miệng. Do lúc đầu làm tụi em chuẩn bị khá là nhiều, từ bao bì giấy cho tới giấy ghi lời chúc buổi sáng xong rồi bánh mì, nguyên liệu các thứ. Bởi vì tụi em cũng chưa quen ngủ 2-3 tiếng buổi sáng nên cũng khá là mệt. Nhưng khi bán bánh mì hết trong vòng 2 tiếng thì tụi em vui. Hong thấy mệt nữa."
"Lúc đầu Lộc kêu ra bán bánh mì cũng ngại á, tại vì đông người quá. Xong rồi lúc sau từ vị khách đầu tiên là họ đã dễ thương rồi. Họ cũng hỏi han cho mình cảm giác thân thiện "bán lâu chưa?' hay "con mới bán hả, để cô vô mua ăn thử, ngon thì bữa sau cô ghé cô ủng hộ". Bữa sau thì có anh kia ảnh ăn 1 ổ xong ảnh thấy xong ảnh mua khoảng 10 ổ rồi mời mọi người xung quanh ăn để biết được hương vị của nó á."
Bình minh của Sài Gòn chào đón và tiếp thêm năng lượng cho hai cô gái trẻ bằng sự bình yên hiếm có của mình. Hai cô gái cũng chào đón Sài Gòn bằng những ổ bánh mì nóng giòn cùng tấm thiệp với những lời chúc, thông điệp tích cực"
"Buổi sáng mà đi mua đồ ăn thường rất buồn ngủ. Đặt mình như người khách thì một thông điệp tích cực buổi sáng sẽ khiến vui vẻ khởi động ngày mới hơn chứ không ũ rũ nữa."
Không chỉ cùng nhau "điều hành" xe bánh mì, Lộc còn là người dẫn Anh Thư đi dong ruổi khắp Sài Gòn, khám phá thêm nhiều điều mới lạ để thêm hiểu, thêm yêu cả những điều vốn dĩ có chút "đáng ghét":
"Lúc trước thì mình đi ra như vậy thấy bị kẹt xe thì thấy khó chịu và ngộp. Nhưng mà nếu bây giờ đi làm hay đi gì đó thì mình nghĩ như đi dạo phố thôi. Tính từ trước đến nay, khoảng thời gian ở Sài Gòn là khoảng thời gian mình thấy hạnh phúc nhất."
Sài Gòn cũng vậy, cũng cần tình yêu để lấp đầy những điểm "khuyết" của mình.
Muốn làm ăn thì đi thành phố, muốn đi học cao thì đi thành phố, sống là chính mình thì lên thành phố. Chẳng biết từ khi nào mà cụm từ "lên thành phố" mặc nhiên chỉ những người tứ xứ đổ về Sài gòn. Nhiều người dân từ các tỉnh chỉ biết đến Sài Gòn qua sách báo, qua những lời kể, nhưng họ luôn chắc chắn, Sài Gòn có thể mang đến cho họ một cơ hội nào đó để phát triển và cũng có thể lấy đi của họ nhiều điều.
Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Võ Văn Tần (phường 6, quận 3), tách biệt hẳn với sự ồn ã của phố thị, "nhà Tú" xuất hiện giản dị và bình yên y như tên gọi của nó. Nhưng hương vị từng món ăn vẫn mang đậm tâm tình của một cô gái miền Trung xa quê lưu lại Sài Gòn.
Ký ức đầu tiên về Sài Gòn từ năm 18 tuổi vẫn hiện lên rõ ràng trong chị Tú - chủ nhà hàng cơm "nhà Tú".
"Wow, đông đúc quá ta!" - một câu cảm thán đơn thuần đủ thấy được niềm vui khi lần đầu được chứng kiến cảnh Sài Gòn phồn hoa vốn chỉ thấy trên phim ảnh của cô gái mới lớn.
Thời gian cứ vậy trôi qua thật nhanh như những dòng xe nơi Sài Gòn vội vã qua lại chẳng ngừng. Cô gái 18 tuổi dần trưởng thành giữa dòng chảy của phố thị:
"Chị lên Sài Gòn chỉ vì chị thích Sài Gòn thôi chứ cũng không có định hình hay kế hoạch gì trước, mở nhà hàng. Chị chỉ học xong đi làm là vui rồi chứ không có ước mơ mở nhà hàng. Sau khi đi làm khoảng 7 năm, chắc do ngành của chị làm nhàn quá, chị làm hàng không, ngày nào cũng đi vào lấy dấu vân tay rồi đi ra, có một giai đoạn rất lười luôn. Có những lúc đang đi làm, không mệt không bệnh luôn nhưng lười quá nên nói "Chị ơi em đau bụng quá cho em đi về" rồi cứ lang thang ngoài đường thôi.
Đến lúc đó là cảm giác không hợp đi làm văn phòng nên mình bỏ. Lúc chán công việc, mình đi ăn và mình thích. Mình nghĩ hay mở một quán chỉ để phục vụ đam mê ăn uống này. Chị cũng rất thích nói chuyện với mọi người."
Thực hiện ước mơ chưa từng là điều dễ dàng. Có những giọt nước mắt của áp lực, của tủi thân, có buông bỏ những thói quen bình thường của cuộc sống một nhân viên văn phòng trước kia:
"Khi mở một nhà hàng, thời gian đầu có rất nhiều áp lực. Đi làm văn phòng quần áo lúc nào cũng tươm tất, đi làm có cái giỏ, cái khăn, đôi giày. Nhưng mà từ lúc bán cơm là không thấy đôi giày luôn, chỉ thấy dép lê thôi. Nên ra đường mà thấy ai đầu tóc rũ rượi mà dép lê thì đúng là Tú rồi.
Thỉnh thoảng tủi thân. Có hôm sếp cũ trong công ty gặp đi ngang qua ngoài đường, chị chạy xe máy xong bảo "Ủa, sao mày bữa nay ghê vậy?". Tự nhiên mình khóc. Mấy anh bạn làm trong ngành du lịch luôn, làm hàng không, qua ăn cơm chung cũng tự nhiên khóc. Không biết có hối hận không nhưng thấy cực quá. Khóc là vì tủi thân, nhưng vì mình yêu (nghề này) quá!"
Vậy nhưng, những giọt nước mắt đó, lại càng khiến chị Tú thêm yêu, yêu mảnh đất Sài Gòn, nơi mình đã sống hết mình cả tuổi trẻ. Yêu từng góc bếp, chén cơm của nhà hàng nơi mình tự tay làm hết mọi thứ. Khó khăn nào rồi cũng sẽ qua thôi!
"Chưa bao giờ có ý định rời Sài Gòn, Tú khẳng định. Tú nghĩ, dù mở nhà hàng thất bại thì Tú cũng phải ở lại đây, tiếp tục công việc mình đã làm trước đó. Nói chung chưa bao giờ.
Cách đây 2-3 ngày, tự nhiên mở mắt đi làm, bình thường đã thấy yêu rồi hôm đó tự nhiên thấy càng thêm yêu Sài Gòn nhiều quá, yêu một cách da diết. Sài Gòn dễ sống lắm, ở đây ra ngoài đường ai cũng giống ai, đó là cái thứ nhất. Mang dép lê cũng được, tóc tai rũ rượi cũng được, không có ai quan tâm hết á."
Cách đây 2-3 ngày, tự nhiên mở mắt đi làm, bình thường đã thấy yêu rồi hôm đó tự nhiên thấy càng thêm yêu Sài Gòn nhiều quá, yêu một cách da diết. Sài Gòn dễ sống lắm, ở đây ra ngoài đường ai cũng giống ai, đó là cái thứ nhất. Mang dép lê cũng được, tóc tai rũ rượi cũng được, không có ai quan tâm hết á."
Với người dân tứ xứ, Sài Gòn là thế, cho thì cho rất nhiều nhưng cũng có thể sẵn sàng lấy đi tất cả mọi thứ dù đã nằm gọn trong tay… Có người đã từ bỏ 5, 10 năm thanh xuân ở đây bởi thành phố này thực sự không dễ sống. Nhưng vẫn có rất nhiều người hòa vào cái khó sống đó, cái hỷ nộ ái ố đó mà trưởng thành.
Sài Gòn người đến kẻ đi. Đi để rồi một lần nữa quay lại vẫn thấy Sài Gòn luôn ở đó và đón chờ. Câu chuyện về Sài Gòn với anh Thiên Minh - một người được biết đến với vai trò là Photographer, Co-founder của Thinker and Dreamer - chính là như vậy.
Sinh ra và lớn lên ở Rạch Giá - Kiên Giang, 16 tuổi anh Thiên Minh lên Sài Gòn và sống ở đây đến năm 21 tuổi (2011) thì đi du học và định cư cùng gia đình ở Mỹ. 4 năm sau, anh một lần nữa lựa chọn Sài Gòn là miền đất để quay về.
Nhiều người biết đến anh thường hay "gắn" đằng sau tên Thiên Minh là Sài Gòn dù đây không phải nơi anh "chôn rau cắt rốn". Có lẽ bởi với anh, Sài Gòn từ lâu đã trở thành một phần cuộc sống, trở thành mảnh đất anh yêu và rất yêu:
"Sài Gòn cho anh gần như tất cả mọi thứ, cho anh cái tên, cho anh sự nghiệp, cho anh những người bạn. Cho anh những điều mà anh có ngày hôm nay. Sài Gòn không lấy đi của anh cái gì. Có chăng là những kỷ niệm buồn ở đây. Nhưng với anh, những điều anh nhận lại từ Sài Gòn nhiều hơn và anh rất biết ơn nơi này."
Xa Sài Gòn 4 năm, rất nhiều điều đã thay đổi trong mắt anh ngày trở về nhưng thứ duy nhất không thay đổi với anh Thiên Ân chính là tình cảm với Sài Gòn. Mỗi ngày trôi qua ở nơi xa, nỗi nhớ Sài Gòn trong anh cũng ngày một da diết. Đó cũng chính là động lực để anh có thể hoàn thành thật tốt việc học tập ở Mỹ, sớm quay lại gắn bó với Sài Gòn bền chặt:
"Người ta nói, khi mình xa cái điều gì đó thì mình mới biết rõ là mình thương cái điều đó thế nào, mình nhớ cái điều đó ra sao và quan trọng với mình như nào.
Đến nỗi trong suốt khoảng nửa năm đầu, để hòa hợp với môi trường mới, mình cố gắng không nghĩ về nơi mình đã rời đi nhiều. Nhưng sau nửa năm, mọi thứ ổn định thì anh nhớ Sài Gòn đến độ buổi tối sau khi đi học, đi làm lại bật những đoạn clip mà quay cuộc sống bình thường của Sài Gòn. Nghe tiếng xe cộ, nói chuyện, quay chợ… những cái rất là quen thuộc, những thứ mà mình trải qua.
Mình cứ coi cái đó và mình cảm thấy mình nhớ, ngày nào cũng nhớ. Đó chắc cũng là lý do anh có động lực rất lớn. Anh biết rằng là anh sẽ phải học hỏi và ổn định cuộc sống ở Mỹ thật sớm để có thể quay trở về Sài Gòn làm một cái điều gì đó, ở một khía cạnh mới, gắn bó với Sài Gòn một cách sâu sắc."
Chính bởi lẽ đó mà chuyến bay trở lại Sài Gòn sau thời gian dài xa cách trở thành chuyến bay với nhiều cảm xúc đáng nhớ nhất với anh Thiên Minh:
"Máy bay đáp xuống là thấy mình rất gần với lại là cái cuộc sống thường nhật ở đây. Nhà cửa ở Sài Gòn mà nhìn từ sân bay Tân Sơn Nhất san sát san sát nhau như những khối lego, những cái mô hình. Đối với anh là những hình ảnh đó nó đẹp lắm, mình nhớ lắm.
Mình nói: "Ồ, Sài Gòn của mình đây rồi". Đâu đó ở trong cái thành phố này, những khối lego này, những cái nơi san sát ở ngôi nhà này, mình sẽ viết tiếp tục hành trình của mình với vùng đất này. "Maybe you win, maybe you learn" (Có thể bạn sẽ thắng hoặc cũng có thể bạn sẽ học được điều gì đó). Mình cũng chưa biết tương lai thế nào nhưng mình rất háo hức."
Với Thiên Minh, Sài Gòn vẫn luôn là một ngôi nhà anh luôn muốn trở, gắn bó và an ủi, chở che:
"Sài Gòn giống như một ngôi nhà to vậy. Có những chỗ không đẹp, có chỗ tốt và chưa tốt, nhưng nhà luôn là nhà của mình, xấu đẹp gì thì vẫn là nhà của mình, mình luôn muốn gắn bó, muốn trở về với nó và mình luôn cảm thấy là nơi này là nơi phù hợp với mình nhất, là nơi mình được ủi an nhất. Mình nghĩ là có người nói Sài Gòn khó sống, nhưng mà cũng có người nói là Sài Gòn dễ sống, như thế nào cũng sống được. Anh nghĩ Sài Gòn dễ thương lắm tại vì nó luôn cho người ta một cái hy vọng, một cái cơ hội gì đó khi mà nghe tới hai chữ "Sài Gòn".
Sài Gòn từ lâu đã xem những người dân tứ xứ là anh em một nhà, chẳng mấy khi cần anh giãi bày tình cảm với tôi, tôi vẫn ở đó, mãi bên cạnh và đưa anh vào thật nhiều trải nghiệm. Đó có thể là niềm vui khi cầm món tiền đầu tiên vừa kiếm được trong đời. Niềm xúc động khi ôm lấy người bạn mà mình yêu quý, niềm xúc động khi nói với ba mẹ rằng "con làm được rồi" và niềm xúc hạnh phúc khi được sống là chính mình.
Tất cả những nỗi niềm đó Sài Gòn đều có thể cùng bạn trải qua.
Yumi (tên thật là Mai Quang Sang, An Giang) là thành viên của gánh hát lô tô Phương Nam phục vụ tại Đầm Sen Square và Bình Dương. Đam mê hát lô tô của Yumi không phải là con đường mà nhiều người có thể dễ dàng chấp nhận, đặc biệt là ở những miền quê. May mắn, ba mẹ vẫn có thể hiểu được phần nào ước mơ này:
"Lúc mình quyết định gia nhập gánh hát lô tô, điều buồn nhất là khi gặp bạn bè mình nó cười, nó nói "tự nhiên nay làm con gái làm chi cha nội" này nọ. Mi vẫn kiên trì theo sự lựa chọn của Mi. Lúc đó gia đình cũng không hay. Mi thường hay nói dối gia đình đi chơi, đi học thêm này nọ nhưng cũng chỉ giấu được một thời gian thôi.
Đến thời điểm đoàn cũng về đối diện nhà mình luôn, nhà mình bên đây, còn đoàn thì bên kia sông, có cô dì đi chơi có thấy rồi về nói với ba mẹ nhưng mà thực sự lúc đó mình đã nghỉ học và đi theo đoàn rồi. Lúc đó thì ba mẹ có buồn, cũng có lần tâm sự nhưng mà mình cũng chia sẻ lại với ba mẹ là việc này con yêu thích nên con lựa chọn đi theo lô tô."
Với Yumi, có lẽ Sài Gòn là nơi - dù không phải duy nhất nhưng luôn sẵn sàng ôm mình vào lòng với nụ cười thân thiện, nơi giúp Mi có thể "đồi đời" nhờ việc mà mình yêu thích:
"Quyết định lên Sài Gòn cũng là một sự tình cờ, tình cờ tham gia gameshow, tình cờ đi show ở Sài Gòn và tình cờ ở lại luôn. Chắc mình có duyên với Sài Gòn.
Cảm nhận đầu tiên của Mi về Sài Gòn là ở đây người dân rất bình dị, người ta thấy mình như những người khác chứ không cười nói con này "bê-đê" hay gì đó, hoàn toàn không có. Ở quê nhiều khi mình đi hát lô tô tới cái bên đó người ta sẽ có cái nhìn khác, người ta sẽ cười và nói là như vậy như vậy, nhưng ở Sài Gòn thì thấy bình thường, không ai cười chê bai ai.
Sài Gòn mang đến cho chị mọi thứ, yêu thương, thay đổi cuộc đời của chị rất nhiều. Chỉ lấy đi của mình một chút thời gian ở gần gia đình thôi. Sài Gòn là nơi đổi đời và ở Sài Gòn có sự yêu thương từ cộng đồng. Sài Gòn không thích là nói liền, góp ý với nhau để cho mình ngày càng tiến bộ hơn chứ không có giữ tiêu cực trong đầu."
Trên sân khấu sáng đèn, Yumi vẫn rạng rỡ mang lại tiếng cười, cảm xúc cho cuộc đời, giống như một lời cảm ơn vì cái ôm thật chặt của Sài Gòn.
Người ta vẫn bảo Sài Gòn hoa lệ, hoa cho người giàu lệ cho người nghèo, nhưng tôi lại nghĩ chẳng có người dân tứ xứ nào ở Sài Gòn này nghèo cả. Chẳng có ai "nghèo" cơ hội. Từ anh công nhân vệ sinh lang bạt cả đêm kiếm tiền nuôi vợ đến anh chị bốc vác theo thuyền theo ghe, ai cũng có cho riêng mình cơ hội mưu sinh ở mảnh đất này. Đối với những người tứ xứ mà nói, Sài Gòn như thế đã là rất vui vầy.
Có thể ở ngoài kia, chúng ta vẫn sẽ mải mê cho những hành trình, những cuộc mưu sinh. Nhưng Sài Gòn vẫn bao dung cho những người con tứ xứ, từ lạ thành quen, từ xa thành gần, từ sướng đến khổ, hạnh phúc cùng nhau.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất